Chuyển dịch cơ cấu cây trồng phải bắt đầu từ thị trường

Nhiều nông dân trồng cây ăn trái (trong đó có xoài keo, xoài tượng da xanh) trên địa bàn tỉnh An Giang đang gặp khó về đầu ra. Giá mua tại vườn chỉ ở mức 2.000 - 3.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân thua lỗ nặng.

Tại các vườn trồng xoài keo, xoài tượng da xanh (xoài 3 màu) ở 3 xã cù lao Giêng: Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp (huyện Chợ Mới), mấy tháng đầu năm 2022, bình quân mỗi công cho sản lượng 1 tấn trái. Thương lái chỉ lựa được 500kg, số còn lại họ cho là “xoài dạt”, nhà vườn mang đi đổ bỏ. Đây là năm thứ 3 trong 10 năm gần đây, người trồng xoài xuất khẩu gặp khó khăn.

“Năm 2020, 2021 dịch bệnh bùng phát, xoài rụng xanh gốc mà không mang đi bán được. Bước vào vụ xoài 2022, cứ ngỡ thị trường phát triển trở lại, nào ngờ vẫn trầm lắng như trước, thương lái và người trồng đều gặp khó như nhau” - bà Trần Thị Lẹ (ngụ xã Bình Phước Xuân) chia sẻ.

Tại chợ truyền thống, xoài cóc đeo chỉ có 7.000 đồng/kg

Nếu 3 xã cù lao Giêng từ lâu được xem là “thủ phủ” của xoài tượng da xanh thì xã Khánh An, Khánh Bình (huyện An Phú) được xem là “thủ phủ” của xoài keo. Vậy mà, 3 năm qua, xoài keo cũng rớt giá. Tại xã Khánh Bình, 5 năm trước, vào tháng 7, 8, 9 hàng năm, xoài keo (loại bao vàng) được thương lái tìm mua với giá 32.000-35.000 đồng/kg.

Còn thời điểm sau Tết Nguyên đán 2022, xoài treo đầy cây, rụng đầy gốc mà chẳng có thương lái nào đến mua. “Năm 2015, thương lái đến Cửa khẩu Long Bình thu mua xoài keo 35.000 đồng/kg. Chúng tôi thấy lời nên tập trung trồng để bán. Những ai trồng thời điểm đó, giờ đã lấy lại được vốn. Người trồng sau gặp khó khăn” - ông Nguyễn Thành Lắm (ngụ xã Khánh Bình) thở dài.

Theo ông Lắm, khó khăn ở đây là khó về đầu ra nông sản lẫn giá thành sản xuất. Khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, giá xăng dầu thế giới tăng cao. Ở Việt Nam, ngoài xăng dầu, phân bón cũng tăng. Để mua 1 bao phân DAP, nông dân bỏ ra trên 1 triệu đồng, từ đó lợi nhuận giảm, sản xuất kém hiệu quả. Song, điều khó khăn nhất là hiện nay vẫn chưa có doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông sản của nông dân…

Nhiều mặt hàng rau màu rớt giá

An Giang hiện có gần 10.000ha đất trồng xoài xuất khẩu. Ngày 18/5/2019, tại TP. Long Xuyên, UBND tỉnh An Giang và Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài đầu tiên của tỉnh An Giang sang thị trường Hoa Kỳ. Lúc đó, nhiều nông dân bàn chuyện chuyển dịch cây trồng, chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng xoài xuất khẩu, nhưng không tính đến chuyện liên kết tiêu thụ sản phẩm... Chỉ 4 năm sau, hàng loạt nông dân ở xã An Thạnh Trung, Khánh Bình phải ngậm ngùi chặt bỏ cây xoài để trồng… cây mít, cây cóc, sầu riêng, với hy vọng sẽ bán được trên thị trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đơn vị nắm rất rõ tình hình xoài keo, xoài tượng da xanh của nông dân trên địa bàn bị rớt giá. Đơn vị đang tìm giải pháp giúp nông dân ổn định sản xuất trong thời gian tới, thông qua con đường liên doanh, liên kết với DN. Song, do dư âm của dịch bệnh, việc tiêu thụ xoài sang Trung Quốc gặp khó. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục vận động DN, nông dân cùng nhau làm ăn hợp tác thông qua mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Ở đó, nông dân chuyên tâm lo sản xuất, DN lo bán hàng, từng bước đưa sản xuất gắn với thị trường, đảm bảo cho nông dân và DN đều có lợi.

Đưa sản xuất gắn với thị trường là hướng đi đúng để tỉnh nhà đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên 1 diện tích đất (từ 120 triệu đồng/ha năm 2015 lên 192 triệu đồng/ha năm 2020). Song, để sản xuất gắn với thị trường, cần rất nhiều yếu tố.

Trong đó, nhà nước cần tiếp tục tạo cơ chế, chính sách để khuyến khích DN đẩy mạnh xuất khẩu, mở thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm; tiếp tục kiểm soát, kềm chế vật tư nông nghiệp đang tăng cao (xăng dầu, phân bón là 2 trong nhiều mặt hàng cần được kiểm soát). Về phía nông dân, bà con cần tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch do nhà nước đưa ra, bỏ đi tập tính “thấy người ta ăn khoai, mình vác mai đi đào”. Bởi làm như thế sẽ phá vỡ quy hoạch, gây khó khăn về đầu ra khi một sản phẩm nào đó được trồng quá nhiều so với thị trường tiêu thụ.

Sản xuất phải bắt đầu từ thị trường, đầu ra nông sản. Có thị trường thì mới tổ chức sản xuất. Có vậy sẽ tránh được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như thời gian qua.

“Sản xuất tự do, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thời điểm chính vụ, DN không đặt mua xuất khẩu. Hết vụ, DN đặt hàng thì lúc đó tuy giá xoài rất cao nhưng không có để bán. Chúng tôi mong muốn và kiến nghị, giữa DN với Hội làm vườn An Sơn Bảy Núi cần hợp tác, triển khai hợp đồng bao tiêu sản phẩm, để mỗi bên yên tâm sản xuất” - Phó Chủ tịch Hội làm vườn An Sơn Bảy Núi (huyện Tịnh Biên) Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chuyen-dich-co-cau-cay-trong-phai-bat-dau-tu-thi-truong-a333260.html