Chuyển dịch cơ cấu giống lúa: Ưu tiên lựa chọn giống năng suất, chất lượng

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hơn 20 năm chiếm ưu thế, diện tích gieo trồng những giống lúa như Tạp giao 1, Khang dân 18 đã giảm nhiều, không còn đứng đầu mà nhường vị trí cho những giống khác có ưu thế về năng suất và chất lượng. Có thể thấy, sự chuyển dịch trong sử dụng cơ cấu giống lúa của tỉnh đang nghiêng về những giống vừa có năng suất cao, chất lượng thơm ngon, vừa có sức chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vụ mùa 2019, 9 hộ dân ở xóm 6, xóm 7 Tràng Đà (TP Tuyên Quang) được lựa chọn khảo nghiệm giống lúa thuần VNR20. Đây là giống lúa Tổng Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam nghiên cứu, chọn tạo cung ứng, được cam kết là có chất lượng gạo thơm ngon, vị đậm, năng suất cao hơn năng suất giống đối ứng ít nhất 30 kg/sào. Bà Nguyễn Thị Kim, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, vụ mùa 2019 được đánh giá là có diễn biến thời tiết thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại, nhưng nhờ làm tốt công tác dự báo, tổ chức phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, cộng với khả năng chống chịu sâu bệnh tương đối tốt nên 2 ha lúa khảo nghiệm ở đây không nhiễm đạo ôn, đối với các bệnh như sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh bạc lá, khô vằn, đốm nâu… chỉ bị nhiễm nhẹ.

Các đại biểu tham quan mô hình lúa VNR20 tại xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang.

Các đại biểu tham quan mô hình lúa VNR20 tại xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang.

Bà Hoàng Thị Lan, xóm 6, xã Tràng Đà có hơn 4 sào ruộng trồng bằng giống VNR20. Bà Lan cho biết, gieo cấy giống lúa này gia đình bà chỉ sử dụng phân viên nén dúi sâu 1 lần và 1 lần bón phân NPK, giảm hơn 1 nửa so với các giống lúa trước, năng suất dự kiến đạt 2,7 tạ/sào. Bà Lan cho biết, đây thực sự là giống lúa đi vào lòng người nông dân, khi năng suất, chất lượng gạo tăng so với trước đây gần 40 kg/sào.

Thông qua hoạt động khảo nghiệm, lựa chọn giống mới, cơ cấu giống lúa của tỉnh đã thay đổi theo chiều hướng ưu tiên những giống có năng suất tốt, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh… Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2019, diện tích cấy lúa lai chiếm 37,9%, các giống chủ lực chỉ chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ. Cụ thể, như Tạp giao 1 chiếm 8,3%, Nhị ưu 838 chiếm 10,4%, Thái Xuyên 111 chiếm 6%, BC 15 chiếm 10,1%, Khang dân 18 chiếm 10,3%, Thiên ưu 8 chiếm 7,3%, TBR 225 chiếm 5,2%; giống lúa thuần chất lượng cao đạt 3.879 ha, chiếm 15,4%.

Trong khi đó, nhiều giống lúa mặc dù mới được đưa vào cơ cấu giống lúa của tỉnh nhưng có diện tích từ 300 ha đến 800 ha. Chủ lực là các giống lúa lai GS9, Hương ưu 98, Hoa ưu số 2 và các giống lúa thuần Đài thơm 8, Bắc thơm số 7, Nếp IRI 352, N97, còn lại là các giống lúa khác.

Trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số nhãn hiệu lúa gạo bước đầu có uy tín trên thị trường như: Gạo chất lượng cao Kim Phú (Yên Sơn), Gạo chất lượng cao Tân Trào (Sơn Dương), Gạo chất lượng cao Minh Hương (Hàm Yên)… Khi sản phẩm có nhãn hiệu, giá trị sản phẩm được tăng lên từ 1,2 đến 1,3 lần, góp phần phát triển bền vững các vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao và từng bước nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Chỉ riêng trong vụ mùa 2019, diện tích lúa chất lượng cao tại các huyện, thành phố 3.878,6 ha, chiếm 15,5% diện tích gieo trồng lúa mùa. Những khu vực này trước đây chỉ sử dụng giống HT1 thì giờ đã được thay thế dần bằng giống chất lượng có năng suất cao, được thị trường ưa chuộng hơn như Bắc hương 9, Đài Thơm 8... Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chỉ tính riêng trong vụ mùa 2019, diện tích gieo cấy giống lúa Đài thơm 8 đã đạt 857 ha.

Cơ cấu giống lúa thay đổi, năng suất cao, chất lượng thơm ngon. Nhưng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về lâu dài, để tăng thu nhập cho người nông dân, cần tập trung nâng cao nhận thức về sản xuất hàng hóa cho người trồng lúa. Đồng thời, xây dựng mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/chuyen-dich-co-cau-giong-lua-uu-tien-lua-chon-giong-nang-suat-chat-luong-123862.html