Hành trình 'biến' 30 triệu đồng thành 30 triệu USD của ông chủ Thế Giới Giấy
Từ 30 triệu đồng vay mượn, anh Mai Quốc Bình dốc toàn lực khởi nghiệp bán giấy vệ sinh, hiện Công ty Thế Giới Giấy của anh đã được định giá 30 triệu USD.
Không thành công nào được trải sẵn hoa hồng, điều này hoàn toàn đúng với hành trình khởi nghiệp chông gai, trắc trở của anh Mai Quốc Bình – CEO Thế Giới Giấy. Trong buổi trò chuyện với Báo điện tử VTC News, ông chủ Thế Giới Giấy lần đầu tiết lộ nhiều điều thú vị trên chặng đường kinh doanh của mình.
Năm 2009, trong lần đi siêu thị, tôi thấy một chị mua giấy nhưng vận chuyển khó khăn, cứ chất lên rớt xuống. Tôi mới hỏi tại sao không gọi tới các nhà máy giấy để họ giao hàng, mà phải tự đi mua cho cực. Câu trả lời tôi nhận được: Giấy có giá trị thấp, cồng kềnh, nên không ai chịu giao hàng tận nơi.
Lúc đó, tôi nghĩ tại sao không mở công ty. Mình mua giấy ở bên này, giao qua bên kia, kiếm lời. Tôi cứ suy nghĩ như vậy suốt 2 – 3 tháng. Ngày 29/3/2009, tôi thi tốt nghiệp đại học, đến ngày 1/4 thì tôi mang hồ sơ đi thành lập công ty. Đến giờ là hơn 15 năm rồi.
- Ngoài duyên, còn cụm từ nào có thể nói về hành trình đó? "Dám nghĩ, dám làm" chẳng hạn?
Nói dám nghĩ, dám làm thì đương nhiên rồi. Chỉ hành động mới tạo ra kết quả.
Càng làm, càng học thì mới hiểu, mới biết nhiều điều. Rằng, chúng ta phải trăn trở với vấn đề của khách hàng, vấn đề của xã hội, vấn đề của người khác. Đúng như Jack Ma nói “Ở đâu có phàn nàn, ở đó có cơ hội”. Thấy khó khăn của một người sẽ thấy khó khăn của nhiều người khác.
Tìm ra giải pháp, sản phẩm, dịch vụ để giải quyết vấn đề cho họ, chính là tạo ra cơ hội kinh doanh cho mình.
Nói may mắn cũng đúng, nói cơ duyên cũng đúng mà nói dám nghĩ, dám làm và tìm được giải pháp giải quyết vấn đề thì cũng không sai.
- Vừa ra trường không có vốn lận lưng, kinh nghiệm không, hiểu biết về ngành cũng không, động lực nào để anh quyết định bắt đầu khởi nghiệp đầy rủi ro như thế?
Khi tôi bắt đầu làm đúng là không có đồng vốn nào hết. Lúc đó, tôi gọi điện về quê nói với bố mẹ rằng mình sẽ khởi nghiệp, mở công ty. Nghe vậy, bố mẹ mất ăn mất ngủ, lo lắng lắm. Nhưng tôi nghĩ, nếu cứ mãi làm công việc cũ, không dám bước khỏi vùng an toàn thì sẽ giẫm chân tại chỗ.
Sau này, khi làm đào tạo, tôi mới thấy một trong những nguyên nhân khiến chúng ta không đạt được thành quả là do không dám bước ra khỏi vùng an toàn mà mình vẽ trước đó.
Tôi quyết bước ra khỏi vùng an toàn, một lần được ăn cả, ngã về không, cùng lắm thì sau đó dẹp tiệm.
Dù biết bố mẹ lo lắng, tôi vẫn thuyết phục bố mẹ đầu tư chút vốn. Nói đầu tư thì thấy to, nhưng thật ra hồi đó nhà tôi nghèo lắm, và vốn thì không phải bố mẹ cho vay hết. Tôi gọi điện vay mỗi người 300 nghìn đồng, 500 nghìn đồng, rồi 1 – 2 triệu đồng. Tổng được 30 triệu đồng.
Thế mà 30 triệu đó, tôi "đốt sạch" trong 6 tháng.
- Anh xử lý khoản nợ đó và làm lại thế nào?
Tôi nghĩ, bây giờ nợ 30 triệu thì cũng như 300 triệu, sẽ phải sống chui lủi cả đời, không biết khi nào mới trả được nợ.
Biết bố mẹ còn căn nhà ở quê, nên tôi gọi điện thuyết phục bố mẹ cầm cố vay tiền giúp. Để bố mẹ an tâm, tôi phải nói dối là làm ăn cũng khá, mỗi tháng kiếm được vài chục triệu, nhưng giờ hết vốn rồi.
Nghe vậy, bố mẹ tin, thế chấp cả căn nhà được hơn 40 triệu đồng cho tôi vay.
Lần làm lại đó, tôi ngẫm, lý do tôi phá sản là vì đã vi phạm nguyên tắc của khởi nghiệp, đó là cái gì cũng có mà không có cái gì. Tôi có chút giấy vệ sinh, có chút chút về khăn giấy… dẫn đến việc khách hàng đặt hàng loại này thì tôi có loại kia và ngược lại.
Tôi làm lại, dù tiếng là thế giới giấy, nhưng bán duy nhất giấy vệ sinh. Cứ thế, từ từ tôi ngoi lên.
- Anh có nghĩ thời điểm đấy mình liều không?
Ai mà đọc đến đoạn trên thì nên đọc tiếp cho hết câu chuyện của tôi sau này, đừng đọc xong đoạn đó rồi khởi nghiệp (cười).
Bây giờ nghĩ lại, hồi tưởng chuyện 15 năm trước, tôi vẫn còn thấy ghê ghê, sợ sợ. Hồi đó không những liều mà là rất liều, còn liều kiểu ngu nữa. Nếu tôi thất bại là cả gia đình gồm bố mẹ và 8 anh chị em phải ra bờ đê ở thật đấy!
- Nếu được quay lại thời điểm đó, anh sẽ khởi nghiệp thế nào, sẽ sửa điều gì trong chuỗi hành trình đã qua?
Giờ tôi đang tham gia vào 14 doanh nghiệp khác nhau với 16 ngành nghề kinh doanh. Tôi khuyên mọi người nếu bắt đầu làm việc gì đó thì nên dành một ít thời gian, một ít tiền bạc để học trước khi làm.
Nhiều người chấp nhận bỏ ra tiền tỷ, thậm chí là nhiều tỷ để làm dự án kinh doanh nhưng lại không dám bỏ ra vài ngày, vài triệu để học. Chúng ta thường tư duy rằng chưa làm nên chưa học, nhưng lẽ ra phải học, nghiên cứu, tìm hiểu cho đến nơi đến chốn rồi mới làm, thì mới bớt sai lầm và khó khăn, bớt phải trả giá bằng tiền.
- Bố mẹ đồng ý cầm cố căn nhà được 40 triệu để anh thành lập Thế Giới Giấy. Anh quản lý doanh nghiệp như thế nào khi chưa có kinh nghiệm?
Lúc đó mình làm theo kiểu bản năng thôi, nghĩ sao thì làm vậy. Nhưng may mắn, tôi là một trong những người tiên phong trong việc sử dụng internet để bán hàng.
Ngày đó, tôi tạo một website, tôi đặt mục tiêu là mỗi ngày phải đăng 3 bài viết trên đó. Cứ đi làm về, tôi ngồi viết. Khi viết và đăng, khách hàng tìm kiếm từ google dễ dàng hơn còn tôi bán được nhiều hàng hơn.
15 năm qua, theo thống kê, 60 – 70 doanh nghiệp kinh doanh giấy đóng cửa. Còn tôi thì có nhà máy giấy sau 10 năm, trị giá nhà máy gần 3 triệu USD. Từ 30 triệu đồng, đến doanh nghiệp hiện đang được định giá gần 30 triệu USD, là hành trình gian nan, vất vả. Hồi đó tôi chưa từng nghĩ ngày nào đó sẽ có tiền để xây nhà máy. Tôi chỉ biết làm, làm đến khi nào trời xanh phải thấu, con kiến trong tổ phải chui ra thì khi đó may mắn tự nhiên sẽ đến với mình.
- Anh từng cho rằng, những người học một mạch từ đại học, lên thạc sỹ, rồi tiến sỹ không thật sự tốt, nếu ứng tuyển vào doanh nghiệp của anh, anh sẽ không nhận.
Thật sự tôi cảm thấy cuộc đời mình may mắn khi không đậu đại học, có thể nhiều người sẽ nói tôi đang ngụy biện. Đúng, nói tôi đang ngụy biện cũng được.
Một năm rưỡi tôi học liên thông đại học, tôi cảm thấy giá trị hơn rất nhiều so với học 3 năm cao đẳng. Lý do là 3 năm học cao đẳng chỉ có lý thuyết thôi, nhưng một năm rưỡi vừa học đại học vừa đi làm ở ngoài, gặp bất kỳ vấn đề gì, tôi mang lên trường hỏi thì luôn được các thầy giải đáp chi tiết, cụ thể. Tức là phải kết hợp lý thuyết và thực hành với nhau.
Những người học một lèo từ cao đẳng rồi lên đại học, rồi lên thạc sỹ, tiến sỹ, tính ra là đâu đó trên dưới 30 tuổi rồi. Họ dành ra 10 năm để học mà không đi làm thì rất dễ rơi vào tình cảnh chỉ có một kỹ năng duy nhất, là kỹ năng học mà không có kỹ năng làm việc.
Tôi từng gặp rất nhiều người và vì học quá cao cho nên họ không chấp nhận làm những việc nhỏ. Việc lớn thì kinh, việc nhỏ thì khinh, việc bình thường thì không làm được. Họ nói tôi đi học thạc sỹ, tiến sỹ, tại sao lại làm cái việc đó? Trong khi những người học đại học, cao đẳng xong thì họ sẵn sàng đi làm nhân viên sale, sau đó lại học tích lũy, quá trình làm việc và học tập song song với nhau và đi lên với nhau.
Tôi coi việc học là việc suốt đời chứ không phải là dừng lại ở một chu kỳ nào đó.
Cái việc đó là việc của người ta. Tại sao học viên của tôi gần 3.000 người họ không chê? Vậy nhưng người ở bên ngoài ném đá, họ đã một lần tới lớp của tôi chưa? Bây giờ cái cái quan trọng nhất là tôi giúp được hàng nghìn người thay đổi cuộc sống, làm cho họ tốt hơn.
Tôi vừa giúp được nhiều người thay đổi cuộc sống, vừa xây dựng được cộng đồng tuyệt vời xung quanh mình và đồng thời cũng có thêm công việc để thỏa mãn đam mê, chia sẻ, nói chuyện của bản thân. Thành quả cuối cùng là tôi có thêm một khoản thu nhập.
Sau đó thì tôi trích một khoản thu nhập đó để làm những công việc cộng đồng, vậy có tốt không? Ai ném đá thì cứ ném, ai chửi thì cứ chửi. Những người tuyệt vời vẫn cứ đến đây với tôi và thay đổi cuộc sống mỗi ngày.
Đó là câu hỏi tôi nhận được rất nhiều.
Tư duy của chúng ta đang sai. Khi doanh nghiệp đẹp nhất, ngon nhất, tuyệt vời nhất phải mang ra mà bán thì nhà đầu tư họ mới thèm, mới khát, mới sẵn sàng trả giá cao. Vậy thì doanh nghiệp của mình chẳng lẽ để đến khi nó sắp chết, ốm yếu, gầy gò thì lúc đó chỉ đi bán cái xác doanh nghiệp thôi.
Cho nên bất kỳ ai khởi nghiệp hoặc là sau này muốn gọi vốn thì khi doanh nghiệp đẹp nhất, ngon nhất, tuyệt vời nhất mang ra mà bán, lúc đó là được giá nhất.
- 1 triệu USD mà anh đã chốt cho 8% cổ phần với shark Bình ở trên sóng đã được sử dụng chưa?
Chưa. Số tiền 1 triệu USD sau khi DD (Due Diligence – thẩm định doanh nghiệp) thì có vài bất đồng quan điểm, cho nên sau đó hai bên kết thúc rồi.
Gọi vốn không phải việc đơn giản, vì đấy là khoản tiền rất lớn lại liên quan đến hai con người. Khi nói. mình chỉ nói đơn giản là doanh thu chừng đó, trừ chi phí chừng đó, có lợi nhuận chừng đó… nhưng sau khi thẩm định, họ mới thấy là những con người ở đây không phù hợp với phong cách của họ. Góc nhìn, quan điểm, định hướng kinh doanh thời gian tới không phù hợp với nhau. Bất kỳ điều nào không phù hợp đều dẫn đến việc không tiếp tục hợp tác.
Tôi thất bại nhiều lắm (cười).
Những điều mà mọi người biết chỉ là thành quả. Mọi người chỉ nhìn thấy Mai Quốc Bình của ngày hôm nay thôi chứ không nhìn thấy Mai Quốc Bình của những ngày tháng đầu te tua.
Năm 2011, tất cả gia sản mà tôi có là 300 triệu đồng. Tôi muốn sản xuất giấy cuộn lớn, trong khi để mua máy tốn khoảng 1,5 tỷ đồng, chưa tính nhà xưởng và chi phí khác. Tôi đi gặp rất nhiều giám đốc nhà máy giấy để thuyết phục họ sản xuất cho mình.
Phải hơn 6 tháng sau, tôi mới thuyết phục được một người. Tôi đưa 300 triệu đồng, nói họ mua máy về sản xuất đi còn tôi cam kết bán hết hàng. Khi nào họ thu hồi số vốn đầu tư thì trả lại cho tôi 300 triệu đồng. Thế nhưng đời không như mơ. Máy về, hàng sản xuất ra cả kho nhưng không bán được cuộn giấy nào.
Tôi mang đi bán, khách hàng hỏi đây là cái gì? Họ không hình dung được đó là cái gì vì mặt hàng giấy cuộn lớn rất mới.
Không thể để "chết" lần nữa, tôi tìm giải pháp. Ở nước ngoài họ đã có giấy cuộn lớn này rồi, thế nên tôi tìm tới các công ty có vốn đầu tư FDI chào hàng. May mắn, họ phản hồi tốt, họ cũng đang đi tìm mặt hàng này, rồi họ giới thiệu thêm nhiều công ty khác. Cứ thế, tôi ngoi lên từ từ.
Một thất bại đau đớn khác là khi tôi làm nông nghiệp. Tôi mất trắng 10 tỷ đồng vì không có kinh nghiệm nhưng “hăng”. Để chữa cháy, sau đó tôi thuê người có kinh nghiệm về làm, họ hướng dẫn, tư vấn và từ từ tôi “sống” lại.
- Một điều mà anh muốn chia sẻ cho những người chập chững bắt đầu vào con đường kinh doanh là gì?
Trước hết là dành thời gian rèn luyện và phát triển bản thân, phải học phát triển bản thân. Bước hai là học kiến thức kinh doanh và bước ba mới bước vào làm. Làm đúng các bước như vậy thì đỡ “đổ máu”, đỡ phải trả giá, nếu không, tiền tỷ cũng chẳng thấm vào đâu hết.