Chuyển dịch mạnh đầu tư cho khoa học

Một 'bức tranh' mới về khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam trong những năm gần đây đã được 'vẽ' lên với làn sóng đầu tư cho khoa học từ khối doanh nghiệp (DN), bên cạnh nguồn lực đầu tư từ nhà nước. Sự dịch chuyển xuất phát từ thay đổi nhận thức này đang mang lại tín hiệu tích cực bởi đầu tư của DN luôn có ưu thế về hiệu quả, sáng tạo và linh hoạt.

Dây chuyền sản xuất bao bì của Công ty Bình Minh

Dây chuyền sản xuất bao bì của Công ty Bình Minh

Đầu tư từ doanh nghiệp tăng nhanh

Nhìn nhận tầm quan trọng của việc đầu tư cho KH&CN, ông Phan Thanh Lộc - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Food - cho rằng, đầu tư KH&CN bài bản cho phép chúng ta cạnh tranh sòng phẳng với các đối tác trên thị trường quốc tế. Xác định KH&CN là chiến lược cốt lõi, công ty đã tập trung theo ba hướng: Sử dụng công nghệ để chiết xuất tối đa các dưỡng chất trong phụ phẩm tôm; xây dựng mô hình định hướng không chất thải; liên tục tinh chế để tạo ra các sản phẩm mới.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh - cho hay, để hội nhập, Bình Minh đã có những bước chuẩn bị rất lớn trong thời gian qua, nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc và hệ thống quản trị DN. Năm 2017, công ty đã đầu tư 680 tỷ đồng thiết bị, máy móc công nghệ và năm 2018, tiếp tục đầu tư 600 tỷ đồng cho hoạt động này.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trong bối cảnh hiện nay, KH&CN là lực lượng sản xuất trực tiếp - yếu tố quyết định cho tăng trưởng dài hạn. Nhận thức được điều này, nguồn lực tài chính từ xã hội và DN cho KH&CN đã được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Trong khi nhà nước đảm bảo chi 2% tổng ngân sách cho KH&CN, đầu tư của khu vực DN tăng nhanh với 48% (5 năm trước là 30%).

Tạo diện mạo mới

Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - cho biết, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong các tập đoàn, DN đã mang đến diện mạo và sức cạnh tranh mới trên trường quốc tế. Đặc biệt, KH&CN cũng góp phần quan trọng gia tăng tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng trong nhiều ngành công nghiệp; hình thành một số DN, tập đoàn kinh tế có tiềm lực tốt, khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2017 - 2018 đối với các DN chế biến, chế tạo cho thấy, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với DN, tạo đột phá trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, nhiều lĩnh vực có hoạt động tích cực như sản xuất máy móc, thiết bị điện, khai khoáng…; tỷ lệ DN tham gia hoạt động đổi mới công nghệ ngày càng cao. Năm 2017, 49,8% công nghệ được đổi mới so với nội tại của DN; 47,8% so với thị trường và 2,4% so với thế giới. Với lĩnh vực đổi mới sáng tạo, hơn 80% DN lớn tham gia thực hiện đổi mới sản phẩm hoặc quy trình, gần 50% mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; với các DN vừa và nhỏ, chỉ số tương ứng là 50% và 17 - 18%.

Ông Ron Ashkin - Giám đốc Dự án Kết nối DN nhỏ và vừa (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID LinkSME) - chia sẻ, cách tốt nhất giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững là các bộ, ban, ngành và cơ quan tài trợ quốc tế cùng hỗ trợ DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. USAID LinkSME đã kết nối với Bộ KH&CN để giúp DN nâng cao năng lực công nghệ cũng như khả năng quản lý sản xuất. Qua đó, giúp DN Việt Nam từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tỷ lệ nội địa hóa, đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, các DN Việt Nam đã chi khoảng 1,6% doanh thu hàng năm cho R&D. Nhiều tập đoàn, DN đã thành lập Quỹ Phát triển KH&CN để đẩy mạnh các hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-dich-manh-dau-tu-cho-khoa-hoc-129645.html