Nguồn vốn dự kiến của Chương trình phòng chống ma túy là phù hợp thực tế
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình phòng chống ma túy, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, dự kiến nguồn vốn thực hiện phù hợp với thực tế…
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về các mục tiêu, chỉ tiêu, các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy đến năm 2030 và bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững, theo Ủy ban Xã hội, Chương trình đề ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, 20 chỉ tiêu, thực hiện trên phạm vi cả nước là cơ bản phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình tiếp tục rà soát quy định mục tiêu tổng quát để bảo đảm tính bao quát, toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy, làm cơ sở để quy định các mục tiêu cụ thể.
Bảo đảm sự gắn kết logic giữa mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình với mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp, nội dung, hoạt động trong dự án thành phần; bảo đảm các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra có tính khả thi, hiệu quả, không trùng lặp. Tiếp tục đánh giá rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu sát với nhiệm vụ trọng tâm và khả năng đáp ứng của nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án.
Ủy ban Xã hội thấy rằng, 9 dự án thành phần, 6 tiểu dự án của Chương trình, về cơ bản phù hợp với các hoạt động trọng tâm trong công tác phòng, chống ma túy của giai đoạn thực hiện Chương trình.
Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá sâu sắc, toàn diện, làm nổi bật hiệu quả đối với việc giảm tệ nạn xã hội, nhất là đối với thanh thiếu niên; tăng cường sức khỏe, hiệu quả giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, tính bền vững của Chương trình.
Về dự kiến nguồn vốn thực hiện Chương trình, Ủy ban Xã hội thấy rằng, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến là 22.450,194 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương tối thiểu là 17.725,657 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương khoảng 4.674,537 tỷ đồng và khoảng 50 tỷ đồng vốn huy động hợp pháp khác là ít hơn nhiều so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, song trong bối cảnh chi đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ rất lớn thì việc dự kiến bố trí nguồn vốn như vậy là phù hợp.
Về cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với Tờ trình số 623, theo đó, Chương trình đã phân công cho 8 bộ, ngành chủ trì thực hiện và Bộ Công an làm chủ Chương trình, Ủy ban nhân dân và các cơ quan liên quan tham gia thực hiện.
Ủy ban Xã hội cũng nhận thấy, việc giao cho Chính phủ ban hành cơ chế quản lý, tổ chức và cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình như dự thảo Nghị quyết là cơ bản phù hợp, bảo đảm tính khả thi.
Về các giải pháp thực hiện Chương trình, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với 6 nhóm giải pháp thực hiện. Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung một số giải pháp sau vào dự thảo Nghị quyết và quan tâm khi triển khai như: Giải pháp về hoàn thiện thể chế; Bổ sung giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa cho phòng, chống ma túy; có cơ chế khuyến khích địa phương tự cân đối được ngân sách tăng chi ngân sách cho phòng, chống ma túy; Bổ sung các giải pháp về nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy bảo đảm tính khả thi và phù hợp với tình hình mới…