'Chuyện đình trong phố' tạo sức sống cho di sản trong khu phố cổ Hà Nội

'Chuyện đình trong phố' là dự án đánh thức các ngôi đình trong khu Phố cổ Hà Nội bằng hoạt động đưa nghệ thuật vào triển lãm do quận Hoàn Kiếm phối hợp với nhóm nghệ sĩ thực hiện, nhằm tạo sức sống cho các di sản, thúc đẩy việc phát huy giá trị di sản, hướng tới xây dựng Hoàn Kiếm là quận sáng tạo của Thủ đô.

Phố Hàng Bạc nằm trong các tuyến phố đi bộ mới được mở rộng. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Phố Hàng Bạc nằm trong các tuyến phố đi bộ mới được mở rộng. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Các ngôi đình sau khi được trùng tu, cải tạo sẽ được quận Hoàn Kiếm và các nghệ sĩ sử dụng làm nơi tổ chức các hoạt động triển lãm giới thiệu, quảng bá các nghề truyền thống gắn với phố nghề và ông Tổ nghề đang được thờ phụng tại đình. Đình không chỉ là nơi thờ ông Tổ nghề mà có thêm chức năng là không gian sáng tạo để các nghệ sĩ tổ chức triển lãm, đối thoại với câu chuyện của chính ngôi đình.

Hiện nay, quận Hoàn Kiếm và các nghệ sĩ đã triển khai các hoạt động trên tại 7 ngôi đình, gồm: Nam Hương, Hà Vĩ, Tú Thị, Trung Yên, Yên Thái, Phả Trúc Lâm, Hội quán Phúc Kiến. Đình Nam Hương là nơi đầu tiên triển khai các hoạt động này. Ngôi đình nằm trên phố Hàng Trống trở thành địa chỉ giới thiệu tranh dân gian Hàng Trống và những tác phẩm của các nghệ sĩ lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống bằng nhiều chất liệu khác nhau như: Sơn mài, lụa, họa kim sa và cả thêu tay…

Đình Tú Thị thờ ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành trở nên sống động với triển lãm nghề thêu xưa và nay. Triển lãm là kết quả của quá trình tương tác, sáng tạo của các nghệ sĩ, nghệ nhân với nghề thêu truyền thống. Không gian ngôi đình thờ Tổ nghề thêu trở thành nơi giới thiệu những hiện vật, hình ảnh về sự ra đời, phát triển của nghề thêu, những kỹ thuật thêu cổ truyền, những tác phẩm thêu nghệ thuật...

Đình Hà Vĩ thờ ông Tổ nghề sơn Trần Lư. Triển lãm tại đình mang đến những câu chuyện của nghề sơn ta, trưng bày những sản phẩm sơn mài mỹ nghệ, các tác phẩm hội họa tranh sơn mài của các họa sĩ trẻ kết hợp với hệ thống đèn chiếu.

Đình Phả Trúc Lâm thờ ông Tổ nghề da giày. Mới đây, ngôi đình đã trở thành không gian nghệ thuật với hàng loạt tác phẩm được sáng tác từ cảm hứng về nghề da giày và những đôi hài cổ.

Đình Trung Yên có triển lãm trưng bày hệ thống các tác phẩm hội họa được phủ kín các mảng tường và được chiếu sáng bằng hệ thống đèn rọi bổ sung. Các tác phẩm chủ yếu xoay quanh hình ảnh cuộc sống của người dân sống quanh ngôi đình cũng như cuộc sống của người dân phố cổ…

“Chuyện đình trong phố” không chỉ mang triển lãm đến các di tích, khi tham gia dự án, các nghệ sĩ còn được tìm hiểu về di tích, về phố nghề để từ đó khơi nguồn sáng tạo. Các di tích được biến thành không gian sáng tạo, sống động với những sáng tạo nghệ thuật được lấy cảm hứng từ chính di tích và những con phố ấy. Những sáng tạo mới có sự kế thừa truyền thống giúp những câu chuyện xưa gần gũi với đời sống hiện đại.

Theo Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, trong xã hội đương đại, ngôi đình gần như bị lãng quên hẳn. Những dự án đưa nghệ thuật vào các ngôi đình làm người dân trong khu phố trân quý hơn những ngôi đình đã từng gắn bó với đời sống tinh thần của cộng đồng. Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm nỗ lực giải phóng các hộ dân lấn chiếm, trùng tu nhiều ngôi đình trong khu Phố cổ Hà Nội nhưng sau đó rơi vào tình trạng trùng tu xong thì gần như đóng cửa vì không có khách. Những người làm nghề và phố nghề xung quanh ngôi đình đó gần như không còn. Dự án đưa nghệ thuật vào ngôi đình cho phép di sản đó mở cửa hàng ngày, thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là khách quốc tế. Dự án giúp di sản trong phố cổ phát huy tốt hơn, cộng đồng ở đó ý thức hơn trong gìn giữ di sản. Tuy vậy, việc duy trì mỗi triển lãm từ 3 – 6 tháng đang là vấn đề trở nên khó khăn.

Sau các ngôi đình đã thực hiện, quá trình tương tác, sáng tạo từ truyền thống tiếp tục được triển khai đến 10 ngôi đình khác ở quận Hoàn Kiếm, như: Đình Đông Hương, Cổ Vũ, Vũ Thạch…

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn chia sẻ, hoạt động trưng bày triển lãm các sản phẩm thủ công truyền thống đã tạo nên câu chuyện phố nghề của Hà Nội 36 phố phường, nhằm góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và những nét đẹp truyền thống của khu Phố cổ Hà Nội. Các triển lãm là cơ hội để kết nối cộng đồng người dân với du khách, góp phần thực hiện tốt Đề án số 19 của Quận ủy về “Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, mở rộng hợp tác quốc tế giai đoạn 2020-2025".

Đinh Thuận (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/chuyen-dinh-trong-photao-suc-song-cho-di-san-trong-khu-pho-co-ha-noi-20240618173932650.htm