Chuyến đò ngang nguy hiểm từ TP.HCM qua Đồng Nai

Không trang bị đầy đủ bảo hộ khi tham gia giao thông đường thủy là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc.

Tại bờ sông Đồng Nai (nơi giáp ranh giữa TP Thủ Đức, TP.HCM và tỉnh Đồng Nai) nhiều người dân tại đây cho biết để đi từ TP.Thủ Đức qua Đồng Nai thay vì đi những quãng đường khác thì việc đi đò qua sông rất nhanh, tiết kiệm được thời gian.

Tuy nhiên, điều đáng nói dù đã được trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh nhưng nhiều người khi đi đò đã thờ ơ với việc mang bảo hộ. Họ cho rằng thời gian di chuyển rất ngắn vì thế không cần thiết phải trang bị rườm rà. Việc làm đó có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.

Hình ảnh trên một chuyến đò tại bờ sông Đồng Nai. Ảnh: HUỲNH THƠ

Hình ảnh trên một chuyến đò tại bờ sông Đồng Nai. Ảnh: HUỲNH THƠ

Thản nhiên không mặc áo phao khi đi đò

Ghi nhận của PV, tại bờ sông Đồng Nai, phía TP Thủ Đức nhiều chuyến đò phục vụ người dân qua tỉnh Đồng Nai mỗi ngày.

Qua tìm hiểu, người dân khi đi qua sông sẽ trả với giá 25.000 đồng/người/xe máy. Đò hoạt động liên tục từ 5h sáng đến 17h30 chiều, trung bình 50 đến 70 chuyến mỗi ngày. Khi đi trên những chuyến đò này, các hành khách không được khuyến cáo phải mang áo phao để đảm bảo an toàn, dù những chiếc áo phao cũ kỹ vẫn được treo ở khu vực buồng lái.

Anh Sơn Thoại ngụ TP Thủ Đức cho biết mỗi ngày anh phải di chuyển qua lại lại giữa TP.Thủ Đức và Đồng Nai.

"Thay vì thường đi đường khác thì tôi chọn đi đò, tiết kiệm được phân nữa thời gian. Đi đò này chỉ mất khoảng 10 phút nên tôi cũng không cần mặc áo phao làm gì, tháo ra tháo vô khá bất tiện", anh Thoại nói.

Cũng di chuyển từ hướng TP Thủ Đức sang Đồng Nai, anh Lâm Thành Huy chia sẻ: "Nhà tôi ở Nhơn Trạch, Đồng Nai nhưng tôi hay vào TP.HCM để thăm gia đình. Tôi chọn đi đò này vì tôi thấy quãng đường đi khá ngắn so với việc qua Xa lộ Hà Nội và phà Cát Lái. Thấy áo phao cũng có mà nhiều người họ không mặc nên mình cũng thôi, mà áo phao bụi bẩn khá nhiều tôi cũng sợ bám vào áo của mình thì phiền".

Ý thức hơn khi tham gia giao thông

Từ thông tin trên, đại diện Sở GTVT TP.HCM, cho biết những địa điểm có bến phà, đò tại TP.HCM ở vị trí của phường, quận, TP nào thì trách nhiệm quản lý sẽ thuộc về địa phương đó. Mặt khác, ý thức của người dân khi tham gia giao thông đường thủy vẫn chưa cao.

Sở GTVT TP.HCM cũng liên tục đẩy mạnh các công tác tuyên truyền đến những địa phương trực tiếp quản lý các bến đò, phà. Tiếp đó, địa phương sẽ tổ chức tuyên truyền về an toàn đường thủy đến với các chủ phương tiện và người dân khi tham gia giao thông đường thủy.

"Thời gian qua chúng tôi cũng đã đề nghị Công an TP.HCM, TP Thủ Đức tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm,... các bến đò, phà không giấy phép gây mất an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng người dân khi tham gia giao thông đường thủy sẽ ý thức hơn, trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn cho bản thân, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra", vị đại diện chia sẻ.

Tai nạn do lật đò trên sông Đồng Nai

Trước đó, PLO đã đưa tin vào ngày 5-2, chuyến đò chở khách ký hiệu ĐN 0228 đang chở theo 12 người từ hướng chùa Phước Long (TP Thủ Đức) đến bến đò Xưa (Đồng Nai) để trả khách thì xảy ra va chạm với sà lan chở container. Hậu quả, vụ tai nạn khiến chiếc đò lật úp, toàn bộ hành khách rơi xuống sông, 1 người không may tử vong.

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-do-ngang-nguy-hiem-tu-tphcm-qua-dong-nai-post721257.html