Chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập nông dân
Tận dụng điều kiện tự nhiên, lợi thế của địa phương, nông dân huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đã chuyển đổi mạnh mẽ diện tích đất trồng lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Nhiều mô hình mới được hình thành và phát triển đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích.
Hiệu quả từ việc chuyển đổi
Canh tác lúa gặp nhiều khó khăn, anh Mai Văn Sơn (ngụ xã Phú Lâm) mạnh dạn chuyển đổi 3.500m2 đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái. Lúc đầu, anh Sơn trồng các loại cây, như: Bưởi, ổi, mãng cầu... Về sau, nhận thấy cây bưởi mang lại giá trị kinh tế cao, anh Sơn quyết định tập trung chăm sóc cây có múi này. Đến nay, vườn bưởi 4 năm tuổi đã cho thu hoạch được 2 vụ. Tết vừa rồi, anh Sơn thu hoạch khoảng 1 tấn trái, bán với giá 40.000 đồng/kg. Hiện nay, anh Sơn đang xử lý để cho trái rải vụ quanh năm tạo thu nhập thường xuyên cho gia đình.
Nông dân huyện Phú Tân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Ngoài mô hình trồng bưởi của anh Mai Văn Sơn, trên địa bàn xã Phú Lâm còn nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn, có thể kể đến, như: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng với diện tích 1.000m2; mô hình trồng cây ăn trái áp dụng hệ thống tưới phun tự động; mô hình nuôi heo theo hướng công nghiệp...
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lâm Trần Bảo Vàng cho biết, các mô hình sản xuất đang mang lại hiệu quả khả quan. Trong đó, mô hình trồng cây ăn trái với hệ thống tưới phun tự động đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí, công lao động và thời gian chăm sóc. Mô hình chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp đã tạo thu nhập ổn định cho người chăn nuôi, đồng thời đáp ứng nguồn heo giống chất lượng cho các hộ dân trong xã. Riêng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đã thu hoạch được 1 vụ, lợi nhuận đạt khoảng 15 triệu đồng.
Tại xã Long Hòa, anh Trần Anh Dũng đã chuyển đổi phần lớn diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Trên diện tích đất 3ha, anh Dũng trồng các loại cây, như: Chuối cau, chuối cấy mô, dừa, bơ 034, mít Thái. Trong đó, chuối là cây trồng chủ lực, “nuôi” các loại cây trồng khác. Theo anh Dũng, chuối có thể thu hoạch liên tục mỗi ngày, hoặc cách 2-3 ngày thu hoạch 1 lần. Mỗi đợt, anh Dũng thu về 500.000-800.000 đồng.
Anh Dũng chia sẻ: “Chuối là loại mau cho thu hoạch, chỉ 1 năm đã đem về nguồn thu lý tưởng nên tôi chọn cây chuối khởi điểm trước nhất khi chuyển đổi. Ngoài chuối cau, trong vườn hiện có khoảng 200 cây chuối cấy mô, được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 50% chi phí (năm 2014). Ngoài thu hoạch trái, thân và lá chuối khô được tận dụng ủ gốc các loại cây khác, vừa mát gốc, vừa tạo mùn dinh dưỡng. Trồng chuối rất ít chi phí, chủ yếu bón phân theo định kỳ, thỉnh thoảng xịt thuốc ngăn các loại côn trùng phá hoại cây trồng”.
Cũng theo anh Dũng, hiện nay, mít Thái đang cho trái lai rai; bơ 034 năm trước đã ra bông nhưng anh chưa dám để đậu trái vì muốn nuôi cây khỏe thêm 1 năm.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa Võ Minh Hiền, trên địa bàn xã hiện có 44ha diện tích trồng cây ăn trái. Đối với những diện tích được chuyển đổi đều là những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, đất tạp, nay được đầu tư đường nội đồng, đảm bảo hệ thống thủy lợi. Hiện nay, nhiều nông dân phát triển theo hướng đa dạng các loại cây trồng để linh hoạt thích ứng với thị trường, lấy ngắn nuôi dài, tăng thu nhập cho nông dân...
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ
Từ thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã và đang góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Theo Hội Nông dân huyện Phú Tân, thời gian qua, hội nông dân các cấp đã thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo tín hiệu của thị trường, nhằm góp phần mang lại giá trị kinh tế cho sản xuất nông nghiệp, cải thiện thu nhập và giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống nông dân.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp đời sống nông dân ngày càng được nâng cao
Năm 2021, địa phương đã vận động chuyển đổi từ đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái được 109,24ha (tăng 109,77ha so với năm 2020), nâng diện tích cây ăn trái toàn huyện lên 640,686ha; diện tích thu hoạch trên 289ha. Đối với 4 vùng chuyển đổi cây ăn trái được tỉnh đầu tư hỗ trợ, địa phương đã triển khai giao mốc để lấy ý kiến người dân đối với vùng giữa lộ kênh Thần Nông (xã Phú Long). 3 vùng còn lại tiếp tục triển khai lấy ý kiến theo thứ tự: Tuyến dân cư Phú Mỹ - Phú Thọ, vùng Nàng Ét (xã Tân Trung) và vùng Nam Lộ Sứ (xã Tân Hòa) nhằm tạo sự đồng thuận của người dân.
Dù đạt được nhiều kết quả, theo đánh giá việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện diễn ra còn chậm; nhiều mô hình sản xuất chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao; quy mô sản xuất của các mô hình còn nhỏ lẻ, sức tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn... Nhận thấy điều này và để giúp việc chuyển đổi của nông dân mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Phú Tân sẽ tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng mạnh mẽ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.
Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, từng bước nâng cao trình độ canh tác cho nông dân. Kịp thời phát hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân; xây dựng mô hình mới nhằm tranh thủ nguồn vốn của tỉnh, Trung ương để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng… góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nâng cao đời sống nông dân.