Chuyển đổi cây trồng phù hợp địa bàn vùng cao

ĐBP - Thời gian qua, huyện Tủa Chùa đã tích cực chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả hoặc không thuận lợi nguồn nước tưới sang các loại cây trồng khác. Tại những khu vực chuyển đổi đã xuất hiện những mô hình mang lại thu nhập cao hơn so với các cây trồng truyền thống.

Người dân bản Phô, xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) chăm sóc cây dâu tây.

Ðến nay, huyện Tủa Chùa đã chuyển hơn 200ha đất nương bạc màu, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau màu phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu của từng vùng như xoài Ðài Loan (tại các xã: Xá Nhè, Sính Phình); lê Ðài Loan (Lao Xả Phình, Sín Chải); chanh leo (Trung Thu, Lao Xả Phình, Sín Chải); mít Thái Lan (Tủa Thàng, Huổi Só); sa nhân (Mường Ðun, Sính Phình, Tủa Thàng, Tả Phìn, Sín Chải, Huổi Só); khoai sọ, bí đỏ, su su (Trung Thu); mắc ca (Mường Ðun, Mường Báng).

Trước đây, trên những diện tích nương, chân ruộng một vụ tại bản Phô, xã Trung Thu, người dân chỉ biết trồng ngô, lúa nương; năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Vài năm gần đây, dân bản đã chuyển đổi sang trồng rau màu cho thu nhập cao hơn.

Là một trong những hộ dân tiên phong chuyển đổi cây trồng, ông Thào A Tinh, bản Phô cho biết: “Gia đình tôi đã chuyển 5.000m2 đất trồng lúa nương, ngô sang trồng các loại rau củ quả là su su, khoai sọ, bí đỏ. Những loại cây này đều thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây nên sinh trường, phát triển tốt cho năng suất cao. Hiện nay chúng tôi được hợp tác xã liên kết bao tiêu sản phẩm nên thu hoạch đến đâu bán hết đến đó”.

Ðến nay, sau 2 năm triển khai, cây dâu tây hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên cho năng suất cao, quả to, mọng nước và rất ngọt; hiệu quả kinh tế gấp 5 - 6 lần sản xuất các loại cây trên nương truyền thống. 100% sản lượng dâu tây được HTX H’Mông thu mua tận vườn; trung bình 1.000m2 trồng cây dâu tây cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm. Nhận thấy dâu tây phù hợp với địa phương, xã Trung Thu khuyến khích người dân mở rộng diện tích để tạo vùng nguyên liệu ổn định.

Anh Thào A Vừ, cán bộ khuyến nông xã Trung Thu cho biết: Hiệu quả kinh tế từ cây dâu tây cũng như các loại cây khác như: Chanh leo, su su, khoai sọ tím mà xã đã triển khai trồng thay thế đều cao gấp nhiều lần so với canh tác các cây trồng truyền thống. Trồng những loại cây này đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng điều đó cũng góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân vùng cao, giúp người dân từng bước tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Thực tế chuyển đổi cây trồng đã mang lại những hiệu quả thiết thực đối với người dân. Tuy nhiên việc thực hiện chuyển đổi hiện nay gặp trở ngại là hầu hết diện tích chuyển đổi là khu vực vùng cao, quy mô, diện tích còn nhỏ, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung. Chủ thể thực hiện chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, còn khó khăn về kinh tế, thiếu nguồn lực đầu tư cho sản xuất; năng lực và trình độ canh tác còn thấp.

Bà Vũ Thị Ngọc Ánh, Phó phòng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Ðể nâng cao chất lượng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, thời gian tới huyện Tủa Chùa tiếp tục xác định lợi thế của từng địa bàn, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, trọng điểm, ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển theo hướng liên kết sản xuất. Ðối với các xã phía Bắc, huyện tập trung phát triển các loại cây ăn quả bán ôn đới chịu được lạnh như: Su su, chanh leo, rau cải… Các xã phía Nam tập trung phát triển các loại cây phù hợp khí hậu cận nhiệt đới như: Nhãn, mít, bưởi, cam...

Bài, ảnh: Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/186674/chuyen-doi-cay-trong-phu-hop-dia-ban-vung-cao