Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Nhằm gia tăng giá trị canh tác, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các loại nông sản, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Mô hình chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng dưa trong nhà màng, nhà lưới ở xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc).
Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20-4-2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp và các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư hợp tác với nông dân, hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tổ chức lại sản xuất để khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai và lao động của các địa phương. Cùng với đó, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nhất là ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản. Bà Phan Thị Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, huyện Ngọc Lặc đã chuyển đổi hơn 308 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau đậu có giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình chuyển đổi được người dân đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao, như: Dưa vàng 3,5 ha tại các xã Minh Sơn, Kiên Thọ, Lam Sơn, Nguyệt Ấn; 4 ha rau an toàn tại các xã Thúy Sơn, Ngọc Sơn, Ngọc Liên; 51 ha cây ăn quả tại các xã Ngọc Sơn, Ngọc Trung, Nguyệt Ấn, Phùng Giáo. Hầu hết các mô hình đều phát huy hiệu quả mang lại thu nhập cao cho người dân. Theo tính toán của người dân, 1 ha sau khi chuyển đổi, tăng giá trị sản xuất từ 2 đến 3 lần, lợi nhuận tăng từ 1 đến 1,5 lần.
Trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung được 22.438,5 ha để chuyển đổi cơ cấu cây trồng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình, như: Việc tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất hạt giống lúa thuần và lúa thương phẩm chất lượng cao tại các huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống... đã tăng hiệu quả kinh tế từ 1,2 đến 1,5 lần so với sản xuất thông thường; sản xuất rau, quả thực phẩm an toàn trong nhà màng, nhà lưới tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Ngọc Lặc, Yên Định, Hoằng Hóa,... cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha/năm (đối với trồng dưa vàng Kim Hoàng hậu, dưa lưới...); trồng cây ăn quả tập trung tại các huyện Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Ngọc Lặc, Như Xuân... cho thu nhập 500 triệu đồng/ha, lợi nhuận 350 triệu đồng/ha; trồng cây dược liệu ở huyện Triệu Sơn cho thu nhập 400 triệu/ha/năm... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, với lợi nhuận cao gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường.
Người dân xã Nga Thành (Nga Sơn) chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng dưa trong nhà màng, nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Hợi
Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực chuyển dịch các đối tượng cây trồng theo hướng quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, sản xuất liên kết theo chuỗi gắn với thương hiệu sản phẩm. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh đã ban hành về phát triển nông nghiệp; cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Đồng thời, các địa phương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Trên cơ sở kết quả xây dựng bản đồ nông hóa, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương rà soát, điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở từng địa phương; xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, HACCP...