Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp
Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện. Qua đó, giúp nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp.
Tích cực triển khai
Thực hiện nội dung Nghị định số 35 ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, Nghị định số 62 ngày 11/7/2019 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35 của Chính phủ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện và thành phố quán triệt, phổ biến, hướng dẫn nông dân trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, hằng năm, Sở NN&PTNT đều xây dựng kế hoạch chuyển đối cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trình UBND tỉnh phê duyệt.
Trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi đã được ban hành, UBND các huyện, thành phố đã chủ động triển khai thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Đơn cử, tại huyện Bắc Sơn, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được quan tâm thực hiện và mang lại hiệu quả bước đầu.
Ông Hoàng Văn Thủy, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Sơn cho biết: Thời gian qua, để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã căn cứ vào điều kiện tự nhiên để tuyên truyền, định hướng người dân phát triển cây trồng phù hợp. Đồng thời, hằng năm, phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Qua đó, giúp bà con có thêm kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Nhờ đó, người dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả. Trong năm 2023, người dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi 12,1 ha diện tích đất trồng lúa 1 vụ, khô hạn sang trồng các loại cây ăn quả có múi, đào cảnh... đem lại thu nhập cao cho người dân. Các hộ tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng có thu nhập từ 100 triệu đến 300 triệu đồng/hộ/năm (cao gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa).
Không chỉ huyện Bắc Sơn, thời gian qua, UBND các huyện, thành phố cũng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, UBND các huyện, thành phố tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, định hướng bà con nông dân trồng các loại cây có giá trị cao phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật cho người dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Ông Lành Văn Lôi, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Nhà tôi có hơn 8 sào ruộng, trước đây, tôi chủ yếu trồng lúa nhưng do ruộng hạn, năng suất lúa rất thấp, hiệu quả không cao. Năm 2022, tôi được cán bộ xã tuyên truyền về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, với mong muốn nâng thu nhập, gia đình tôi đã đăng ký chuyển đổi và được cán bộ xã hướng dẫn quy trình. Từ đó, gia đình tôi đã chuyển đổi 8 sào đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng táo Đài Loan. Đến năm 2023, gia đình tôi thu được hơn 2 tấn quả, thu nhập đạt trên 60 triệu đồng, cao gấp 6 lần so với trồng lúa.
Nhờ các giải pháp của ngành chức năng và sự chủ động của người dân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả tích cực. Năm 2023, người dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi trên 2.127 ha đất lúa sang trồng cây trồng khác. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được thực hiện đối với diện tích đất trồng lúa có hiệu quả kinh tế thấp, thường xuyên bị ngập úng hoặc khô hạn, diện tích bị xen kẹp, chia cắt bởi các khu dân cư... sang trồng cây hằng năm, cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như: khoai tây, ớt, thạch đen, dưa hấu, thuốc lá, táo, ổi, cây có múi...
Theo Nghị định số 62 ngày 11/7/2019 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35 ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất lúa, điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản gồm: không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa, không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa; phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã, đảm bảo công khai, minh bạch.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng, để hình thành các vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có, phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120 cm, khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa trở lại.
Hiệu quả rõ nét
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác giúp nông dân biết cách khai thác nguồn tài nguyên đất một cách hợp lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5 – 7 lần trên cùng một đơn vị diện tích, nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng góp phần tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị, phát triển bền vững. Năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá hiện hành đạt trên 19.000 tỷ đồng (tăng 4.700 tỷ đồng so với năm 2022), tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 6,55%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Ông Lâm Văn Hoan, xã Xuân Dương, huyện Lộc Bình cho biết: Được sự định hướng của chính quyền xã, năm 2018, gia đình tôi đã chuyển đổi 4 sào đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng giống táo Đài Loan. Chỉ sau 1 năm chăm sóc, cây đã cho thu hoạch. Hiện nay trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch khoảng 8 tấn quả, thu nhập đạt 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao hơn gấp 7 lần so với trồng lúa. Nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý, gia đình tôi từ hộ nghèo đến nay đã thoát nghèo.
Từ những diện tích chuyển đổi cũng đã góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng khoai lang, khoai tây (tập trung tại các huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Tràng Định, Chi Lăng) với diện tích 1.100 ha, sản lượng ước đạt 12.000 tấn (năm 2023), giá trị trên 90 tỷ đồng; vùng trồng ớt cay (tập trung tại các huyện Chi Lăng, Lộc Bình, Cao Lộc, Hữu Lũng, Văn Quan) với diện tích 1.547 ha, sản lượng đạt 13.928 tấn (năm 2023), giá trị đạt trên 340 tỷ đồng; vùng trồng na tại Chi Lăng, Hữu Lũng, diện tích 4.509 ha, sản lượng năm 2023 đạt trên 35.000 tấn, giá trị đạt 1.400 tỷ đồng...
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, sở đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố phổ biến, hướng dẫn người dân trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa thường xuyên, liên tục để nắm bắt tình hình, hướng dẫn người dân chuyển đổi theo đúng quy định tại các nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa... Qua đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả đã góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển bền vững.
Năm 2024, ngành chuyên môn, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tập trung hướng dẫn người dân có nhu cầu làm thủ tục đăng ký chuyển đổi, tuyên truyền bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sau khi chuyển đổi sang các loại cây trồng mới. Theo đó, năm 2024, toàn tỉnh dự kiến thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích hơn 2.199 ha đất lúa kém hiệu quả.