Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa ở vùng cao Yên Bái

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị và thu nhập cho đồng bào vùng cao. Bởi vậy, để công tác này đạt hiệu quả tốt, các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đã luôn quan tâm, định hướng cây trồng phù hợp cũng như tận dụng sự hỗ trợ cây giống, phân bón từ các chương trình, đề án, giúp đồng bào vùng cao từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa.

Người dân huyện Trạm Tấu đã chuyển đổi được 800 ha đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng khoai sọ.

Người dân huyện Trạm Tấu đã chuyển đổi được 800 ha đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng khoai sọ.

Trạm Tấu là một trong hai huyện nghèo của tỉnh. Từ nhiều năm nay, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, người dân Trạm Tấu đã mạnh dạn chuyển đổi cả nghìn héc-ta diện tích trồng lúa nương, trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các giống lúa thuần, lúa đặc sản, ngô lai năng suất cao, chịu rét tốt… và đặc biệt là khoai sọ.

Anh Giàng Páo Lồng ở xã Bản Mù chia sẻ: "Chẳng thể ngờ khoai sọ vốn là cây trồng làm thực phẩm hàng ngày mà bây giờ lại có nhiều người mua, bán được tiền như bây giờ. Cũng nhờ có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng các mô hình liên kết mà đồng bào mình yên tâm sản xuất. Giờ toàn bộ đất trước trồng lúa nương năng suất thấp đã được chuyển sang toàn bộ trồng khoai sọ, diện tích gần 1 ha. Năm ngoái, từ diện tích ấy, gia đình mình thu 9 tấn, thu về cả trăm triệu đấy. Vụ này cũng phải tầm vậy”.

Để trồng khoai sọ đúng kỹ thuật, mang lại năng suất cao, hàng năm, các địa phương đã vận động người dân chủ động nguồn giống sẵn có tại địa phương, chuẩn bị quỹ đất, hướng dẫn và hỗ trợ phân bón để tiến hành trồng ngay khi vào vụ. Huyện cũng quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại nên sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến, dễ bán và bán được giá hơn. Bởi vậy, từ chỗ phải vận động, người dân đã chủ động chuyển đổi các diện tích đất đồi, nương rẫy sang trồng khoai sọ, diện tích ngày càng tăng từ 80 ha vào năm 2020 lên 800 ha, năng suất bình quân đạt từ 9 - 11 tấn/ha, trừ chi phí mỗi ha khoai sọ đem về cho người dân từ 40 - 50 triệu đồng/vụ.

Mặc dù tiềm năng đất đai rộng lớn nhưng đặc thù của địa bàn vùng cao về địa hình, khí hậu, trình độ, tập quán canh tác lạc hậu khiến quá trình sản xuất nông nghiệp ở vùng này gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là vùng có nhiều xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống nên không phải ai cũng dám thử nghiệm, dám đầu tư chuyển đổi từ cây trồng truyền thống sang các cây trồng mới có giá trị. Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS, việc tích cực tuyên truyền, vận động, định hướng, hỗ trợ đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, liên kết chuỗi giá trị được tỉnh cùng các địa phương đặc biệt quan tâm.

Bằng cách khuyến khích người dân giảm dần diện tích trồng ngô, lúa nương trên đất dốc kém hiệu quả, các địa phương còn đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh, đưa ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, luân canh, xen canh... đến với đồng bào.

Từ đó, cũng tận dụng nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, đề án của tỉnh theo hướng liên kết chuỗi giá trị để hỗ trợ người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tiêu biểu như huyện vùng cao Mù Cang Chải đã chuyển đổi được khoảng 300 ha đất trồng kém hiệu quả sang trồng hoa hồng, rau màu, lê tai nung, hồng giòn trong gần 4 năm qua. Qua đánh giá, các diện tích chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng hoa hồng đã cho hiệu quả kinh tế gấp 10 lần; trồng rau màu gấp 6 lần; trồng lê, hồng giòn gấp 5 lần… Các xã vùng cao của huyện Văn Chấn cũng chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng chè Shan tuyết, trồng măng sặt…

Từ các diện tích chuyển đổi trên, tư duy sản xuất tự cung, tự cấp của đồng bào dần được chuyển sang kinh tế nông nghiệp, từng bước hình thành các vùng trồng tập trung tại các huyện vùng cao như: khoai sọ nương Trạm Tấu, cây ăn quả ôn đới, hoa hồng ở Mù Cang Chải, vùng chè Shan, măng sặt ở các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn… Đồng bào cũng được tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, góp phần tạo công việc ổn định, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Nhờ đó, từ năm 2021 - 2023, tỷ lệ hộ nghèo DTTS toàn tỉnh đã giảm từ 30,36% xuống còn 16,4% tương đương với 15.981 hộ nghèo thoát nghèo.

Hoài Anh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/325700/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-hinh-thanh-vung-san-xuat-hang-hoa-o-vung-cao-yen-bai.aspx