Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế ở xứ Thanh

Những năm qua, việc chuyên canh cây dược liệu đã giúp người dân tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa nâng cao đời sống. Phát triển cây dược liệu không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen các loại cây thuốc quý, mà còn giúp xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.

Thanh Hóa đến nay, đã từng bước đưa cây dược liệu vào cơ cấu cây trồng “mũi nhọn”, thay thế cây lúa, ngô cho năng suất kém để xóa nghèo bền vững. Với xu hướng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng. Địa phương này xác định dược liệu là lựa chọn phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Hiệu quả từ kinh tế hợp tác

Trên địa bàn huyện Bá Thước, HTX Pù Luông hiện có 20 thành viên tham gia trồng cây dược liệu, HTX đã liên kết lâu dài với doanh nghiệp chuyên thu mua dược liệu thô, với sản lượng 50 tấn/năm. Nguồn cung hiện vẫn chưa đủ, do vậy, năm 2023, HTX mở rộng vùng trồng ra nhiều địa phương khác với khoảng 80 thành viên tham gia trồng cây dược liệu.

Phát triển cây dược liệu không chỉ giúp nhiều hộ dân xóa đói, giảm nghèo, mà còn có cơ hội vươn lên làm giàu.

Phát triển cây dược liệu không chỉ giúp nhiều hộ dân xóa đói, giảm nghèo, mà còn có cơ hội vươn lên làm giàu.

Ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc HTX Pù Luông cho biết hiện đơn vị đang trồng ở huyện Bá Thước 5 ha dược liệu; trong đó có cây chè đắng, xạ đen, cà gai, hoạt ngọc, ngải cứu và một số loại cây khác.

Nếu so sánh hiệu quả kinh tế, trồng cây dược liệu cho thu nhập cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa và cây hoa màu khác. Một sào lúa, ngô cho thu nhập từ 3 đến 4 triệu, cùng diện tích đó trồng dược liệu cho thu nhập từ 6 đến 7 triệu, do vậy thành viên rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Đại Hải, xã Điền Trung, huyện Bá Thước thành viên HTX cho biết: Được HTX Pù Luông đến tư vấn, hướng dẫn và chuyển đổi diện tích vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu như cà gai leo, sài đất, xạ đen, hoàn ngọc, tía tô, ngải cứu.

Qua trồng thử nghiệm, nhận thấy cây cà gai leo cho năng suất và sản lượng cao, phù hợp với đồng đất nên ông Hải chuyển toàn bộ diện tích vườn tạp sang trồng loại cây này.

Ban đầu, do chưa có kỹ thuật chăm sóc nên năng suất và sản lượng chưa cao. Nhưng những vụ tiếp sau đó, được sự hỗ trợ của Hợp tác xã Pù Luông về giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc…, hiệu quả kinh tế từ trồng cà gai leo mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng hoa màu trước kia.

Theo ông Hải, cây cà gai leo nếu chăm sóc tốt cho năng suất và thu nhập cao gấp 4-5 lần so với trồng các loại cây hoa màu khác.

Theo tính toán 1 sào (khoảng 360m2) cà gai leo sau khi thu hoạch phơi khô cho thu nhập từ 18 đến 20 triệu. Nếu tính thu nhập bình quân hàng năm từ cây dược liệu ông thu về từ 500 đến 600 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động trong gia đình.

Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Bá Thước cho biết, năm 2023, toàn huyện có khoảng 16 hộ tham gia trồng cây dược liệu, với diện tích trên 5,5 ha. Tuy nhiên, nhận thấy giá trị kinh tế từ những loại cây dược liệu cao hơn nhiều so với các loại cây trồng truyền thống của địa phương, HTX Pù Luông đã đứng ra hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Theo đó, diện tích trồng cây dược liệu được mở rộng ra nhiều địa phương. Dự kiến, hết năm 2023, HTX sẽ phát triển khoảng 63 ha ở 8 xã, với hàng trăm hộ tham gia trồng; trong đó quý I/2023 đã trồng được 16 ha ở 2 xã Thiết Ống và Lũng Cao.

Lợi ích kép từ cây dược liệu

Tại huyện Đông Sơn, HTX trồng và chế biến cây dược liệu Đông Hoàng, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, HTX đã vận động các thành viên chuyển đổi hơn 12 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó trồng và sản xuất chế biến chủ yếu cây cà gai leo. Năm 2022, sản lượng sản phẩm của HTX đạt 170 tấn, doanh thu đã trừ chi phí đạt 1,6 tỷ đồng.

Chị Lê Thị Nước, Giám đốc HTX cho biết: Ban đầu, gia đình chị trồng thí điểm để kiểm nghiệm, sau đó mới mở rộng diện tích, nhưng quá trình làm vẫn gặp khó khăn. Sau khi chuyển đổi cây trồng mới, chị Nước đã chịu khó học hỏi, dần quen việc và có thêm kinh nghiệm nên những khó khăn như cây chết, sâu bệnh, cây đẻ nhánh ít... được khắc phục ngay. Đến nay, trung bình mỗi sào trồng cây dược liệu của gia đình chị đã cho lợi nhuận 20 - 30 triệu đồng/năm.

Nhiều HTX, tổ hợp tác sản xuất cây dược liệu đã liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn, từ đó tăng thu nhập cho người nông dân.

Nhiều HTX, tổ hợp tác sản xuất cây dược liệu đã liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn, từ đó tăng thu nhập cho người nông dân.

Theo ông Cao Văn Cường, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 loài cây dược liệu; trong đó có khoảng 20 loài dược liệu quý như ba kích, đinh lăng, hòe, hương nhu trắng, sa nhân, huyền sâm, xuyên tâm liên, nghệ vàng, cà gai leo…, chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi như. Tỉnh Thanh Hóa đang tập trung đẩy mạnh trồng cây dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng cao, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

“Với tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu và chủ trương phát triển cây dược liệu ở Thanh Hóa góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại các huyện miền núi. Qua đó, thay đổi thói quen canh tác nhỏ lẻ, tự phát, đặc biệt là tư duy trong sản xuất của người nông dân ở vùng miền núi, từ việc chuyển đổi cây trồng có giá trị thấp sang trồng loại cây giá trị theo mô hình công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao...”, ông Cường khẳng định.

Thay đổi tập quán để giảm nhanh đói nghèo

Có thể nói, hiện nay, nhu cầu của thị trường về sử dụng các sản phẩm dược liệu ngày càng cao, do vậy nhiều HTX đã tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các HTX cũng đang đầu tư liên kết, hỗ trợ chi phí sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Với tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu và chủ trương phát triển cây dược liệu ở Thanh Hóa đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại các huyện miền núi.

Qua đó, thay đổi thói quen canh tác nhỏ lẻ, tự phát, đặc biệt là tư duy trong sản xuất của người nông dân ở vùng miền núi, từ việc chuyển đổi cây trồng có giá trị thấp sang trồng loại cây giá trị theo mô hình công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để có thêm cơ hội phát triển cho cây dược liệu trên địa bàn huyện miền núi, các địa phương đang tích cực hướng dẫn HTX, tổ hợp tác sản xuất cây dược liệu tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, các địa phương đang phối hợp với đơn vị chuyên môn mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng cây dược liệu cho nông dân miền núi xứ Thanh.

“Với tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu và chủ trương phát triển cây dược liệu đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, nhiều địa phương đã chuyển từ tập quán canh tác nhỏ lẻ, tự phát sang mô hình liên kết hợp tác sản xuất hàng hóa hiện đại, từ đó tăng thu nhập cho người nông dân”, ông Cao văn Cường chia sẻ.

Đoàn Huyền

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-nang-cao-hieu-qua-kinh-te-o-xu-thanh-1093330.html