Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Ngọc Thanh
Những năm qua, xã Ngọc Thanh (Kim Động) đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao thu nhập của nông dân.
Trong quá trình chuyển đổi, xã công khai vùng quy hoạch tập trung, cây trồng chủ lực tại vùng chuyển đổi để Nhân dân nắm bắt. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hỗ trợ chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tuyên truyền người dân áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất. Hiện nay, xã đã chuyển đổi được gần 100 héc-ta đất nông nghiệp. Trong đó có gần 70 héc-ta chuyển đổi sang trồng cây ăn quả như: cam, bưởi, nhãn… với hơn 10 héc-ta diện tích cây ăn quả chủ lực được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời, xã thành lập được 3 mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều thành viên tham gia. Từ những chủ trương, định hướng phù hợp, tại xã đã hình thành nhiều mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần cấy lúa như: Mô hình trồng cây có múi (cam, bưởi...) cho thu nhập trên 250 triệu đồng/héc-ta/năm; mô hình trồng sen lấy củ cho thu nhập trên 300 triệu đồng/héc-ta/năm...
Anh Nguyễn Trí Bứa ở thôn Thanh Cù, một trong những hộ có diện tích chuyển đổi hiệu quả, cho biết: Được địa phương tạo điều kiện, tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hiện nay, gia đình tôi có hơn 5 sào trồng cây bưởi hoàng, bưởi Diễn. Trong thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi, đồng thời, thường xuyên chiết cành bán cho các hộ có nhu cầu để nhân rộng giống cây trồng có chất lượng cao, phát triển kinh tế.
Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân trong xã đã khai thác diện tích mặt nước ao, hồ, ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây sen. Toàn xã hiện có khoảng 18 héc-ta trồng sen các loại. Trước đây, gia đình anh Trần Đình Hinh ở thôn Duyên Yên chủ yếu cấy lúa nhưng do ruộng trũng nên ảnh hưởng nhiều đến năng suất, hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi học tập kinh nghiệm, nghiên cứu về mô hình trồng sen, gia đình anh quyết định chuyển đổi sang trồng sen lấy củ, với diện tích hơn 2 mẫu, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Anh Hinh cho biết: Cây sen thích hợp với đất ruộng thấp, trũng, không đòi hỏi cao về kỹ thuật mà lại nhanh cho thu hoạch với năng suất và hiệu quả kinh tế khá. Khi thực hiện chuyển đổi, tôi tiến hành đắp bờ xung quanh để giữ nước. Sau khoảng từ 5 đến 6 tháng trồng, sen sẽ cho thu hoạch củ. Với nhiều công dụng cho sức khỏe, hiện nay, các sản phẩm từ cây sen bán khá chạy, tôi không phải lo tìm đầu ra mà được thương lái đến tận nơi đặt hàng, thu mua. Ngoài nguồn thu chính từ bán củ, tôi còn có thêm thu nhập từ bán cây giống, hoa sen hoặc từ dịch vụ chụp ảnh lưu niệm...
Kinh tế phát triển, người dân trong xã tích cực góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương, những tuyến đường nội đồng được đầu tư tu sửa đã tạo thuận lợi cho quá trình vận chuyển và tiêu thụ nông sản của người dân.
Địa phương khuyến khích nông dân tích cực thi đua lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trồng trọt, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất canh tác. Hiện nay, xã có trên 8km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, chiều rộng mặt đường từ 3 đến 4m, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Để làm được những tuyến đường nội đồng kiên cố, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong xã đã chủ động hiến trên 900m2 đất, đóng góp hàng trăm ngày công lao động...
Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích người dân chú trọng lựa chọn giống cây trồng mới, có triển vọng và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất nhằm giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường, tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bảo đảm hiệu quả sản xuất…
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-o-xa-ngoc-thanh-3178082.html