Bài 3: La bàn cho du lịch xanh ở TP.HCM
Việc phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững được đặt ra như một chiến lược quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch, đồng thời trở thành tiền đề cho định hướng phát triển du lịch net zero tại Việt Nam.
Với vai trò là ngành kinh tế tổng hợp, có tính lan tỏa cao, du lịch được xác định là một trong những ngành cần tiên phong chuyển đổi xanh để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với sự phục hồi về lượng khách và doanh thu, các xu hướng du lịch tại TP. Hồ chí Minh cũng cần có nhiều thay đổi mang tính chiến lược theo hướng xanh và bền vững hơn.
Bài 1. Khách sạn xanh, giao thông xanh giữa lòng siêu đô thị TP.HCM
Bài 2. Đặc sắc du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng TP.HCM
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. “Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”.
“Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 1-10-2021) đã phê duyệt 4 mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030, như giảm phát thải khí nhà kính; xanh hóa các nền kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Đồng thời, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu, trong đó có việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong ngành du lịch.
Đối với ngành du lịch, phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang là yêu cầu được đặt ra. Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị, về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” đã nhấn mạnh quan điểm phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên.... Đồng thời, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch là tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao.
Những năm gần đây, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng, phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế để xây dựng các chương trình liên kết nhằm phát triển một cách bền vững và thúc đẩy nhận thức chung của cộng đồng về du lịch xanh.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng ra đời. Không chỉ là những địa điểm trải nghiệm vui chơi, những mô hình này còn kết hợp với việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm oganic, không sử dụng chất hóa học gây tác hại đến môi trường nhằm phục vụ nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân.
Những sản phẩm này không chỉ để phục vụ nhu cầu của con người mà nó mang ý nghĩa vô cùng lớn lao thể hiện sự thay đổi về mặt tư duy của những người làm du lịch trong vấn đề bảo vệ môi trường. Và đó chính là du lịch xanh – tức một nền du lịch mà ở đó cả người làm du lịch và khách du lịch đều có ý thức về việc bảo vệ môi trường.
Du lịch xanh không chỉ là tạo ra điểm đến xanh mà còn tạo ra nhiều giá trị xanh khác trong công việc, ý thức và thói quen tiêu dùng
Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết: Đối với TP.HCM, phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững là xu hướng chung và cũng chính là xu hướng tất yếu. Bởi du lịch xanh, điểm đến xanh đang là lựa chọn ưu tiên của du khách trong nước và quốc tế.
“Bên cạnh đó, ngành du lịch đang phối hợp với các ngành liên quan để chung tay xây dựng và phát triển TP.HCM trở thành thành phố của du lịch bền vững”, ông Hòa bày tỏ.
Với những nét đặc trưng riêng biệt, mỗi địa phương dựa vào những “bản sắc” vốn có của địa phương mình để thúc đẩy phát triển du lịch xanh.
TP.HCM là một trong những đô thị lớn, với vị trí trung tâm du lịch của cả nước, đang phải đối mặt với nhiều thách thức phát triển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống để phát triển một cách bền vững. Từ những nét đặc trưng vốn có, theo TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, TP.HCM có ba trụ cột chính để phát triển du lịch xanh.
Thứ nhất phải kể đến hệ thống tài nguyên du lịch. TP.HCM sở hữu một dòng sông tuyệt đẹp mang tên sông Sài Gòn. Từ con sông này đổ ra biển thì “bắt gặp” hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Với mảng xanh rộng lớn của mình, Cần Giờ bảo đảm đủ khả năng làm sạch và tái tạo môi trường cho một vùng rộng lớn như TP.HCM với các giá trị giúp nuôi dưỡng điều kiện sống trong lành, bảo toàn sự cân bằng sinh thái. Cần Giờ chiếm đến một phần ba diện tích toàn thành phố với hơn 70.000 ha. Tận dụng điều này, thành phố có thể triển khai các hoạt động trải nghiệm dưới tán rừng, gắn với các hoạt động sinh kế của những người dân đang góp phần “giữ rừng”.
Thứ hai, TP.HCM có những vùng ven đô thị với hệ sinh thái nông nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi để thành phố có thể phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn và nhiều dạng thức khác nhằm phát triển du lịch xanh. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Thời gian gần đây, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp của các vùng, miền trải dài từ Bắc đến Nam. Làm được điều này, TP.HCM có những bước đi chuyển mình trong phát triển du lịch nói chung và du lịch bền vững nói riêng.
Thứ ba, yếu tố mang tính chiến lược để các mô hình kể trên có thể đưa vào hoạt động một cách có hiệu quả đó chính là định hướng, chính sách của thành phố. Phát triển du lịch xanh của thành phố cần có sự đóng góp, tham gia của các sở, ban, ngành, cùng với các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các đối tác quốc tế trong việc xây dựng chi tiết các giải pháp, bao gồm các kế hoạch hành động, phân bổ nguồn lực, đánh giá tác động và lộ trình triển khai thực hiện. Đây được xem là yếu tố nòng cốt để giúp TP.HCM có những bước đi chuyển mình trong phát triển du lịch bền vững.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện kinh tế tuần hoàn, ĐHQG TP.HCM cho rằng, các sở, ban, ngành liên quan như sở TN&MT, Sở GTVT cần có sự liên kết chặt chẽ với Sở Du lịch để cùng nhau phục vụ du khách từ khâu đi lại, nghỉ dưỡng cho đến trải nghiệm.
Cạnh đó, “TP.HCM cần đẩy mạnh việc kết nối với các khu vực lân cận như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ để phát triển du lịch mang tính liên kết vùng mà ở đó TP.HCM là khu vực hạt nhân, trung tâm”, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh thêm.
Du lịch xanh không phải ở đâu xa lạ, du lịch xanh bắt đầu từ mỗi hành động của mỗi thành viên trong tổ chức gồm: Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, doanh nghiệp giữ vai trò tạo ra dòng sản phẩm, nhân dân là chủ thể để tổ chức thực hiện.
Thứ nhất, các cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra định hướng về mặt chính sách, các chủ trương, nghị quyết. Những chính sách, chủ trương, nghị quyết này phải thực tiễn, đi vào trong cuộc sống, mang hơi thở của cuộc sống để dễ dàng triển khai thực hiện. Đây chính là cơ sở, là nền tảng để các bên liên quan có điểm tựa về mặt pháp lý, từ đó tạo ra các hoạt động du lịch mang tính bền vững và có trách nhiệm. TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch nhận định, du lịch xanh là một ngành còn khá mới mẻ ở Việt Nam và tốn kém khá nhiều chi phí ở bước đầu tư ban đầu. Chính vì thế, nhà nước cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích sự sáng tạo, đột phá, loại bỏ tâm lý bàn lùi và cùng nhau chia sẻ rủi ro vì lợi ích dài lâu của xã hội.
Thứ hai, ở góc độ doanh nghiệp, TS Minh đánh giá doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong vấn đề kiến tạo các chuỗi cung ứng mới dựa trên cơ sở là nguồn năng lượng hiện hữu và có hạn.
Theo TS Dương Đức Minh, trong quá trình tạo ra các sản phẩm du lịch, doanh nghiệp cần ưu tiên các sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo, tiêu thụ năng lượng một cách tiết kiệm. Những dòng chảy năng lượng phải chuyển hóa thành những dòng chảy sản phẩm vừa thú vị, vừa hấp dẫn, vừa bảo vệ môi trường.
Thứ ba, mỗi một vị khách du lịch đóng vai trò là đại sứ trong việc truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường. Để phát triển du lịch xanh theo đúng định hướng và có giá trị bền vững, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch còn cần có sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là khách du lịch.
Việc lồng ghép hoạt động tình nguyện vào mô hình du lịch không chỉ giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà còn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của du khách đối với bảo vệ môi trường tự nhiên. Điều quan trọng hơn đó chính là để mỗi khách du lịch là một người truyền thông điệp về ý thức bảo vệ môi trường.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà - Phó tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, Saigontourist những năm gần đây đều chú trọng đầu tư liên tục và thường xuyên vào tất cả tiêu chí bảo vệ môi trường, làm sao để các sản phẩm đem đến cho du khách đều truyền tải được thông điệp tích cực này.
“Cam kết hàng đầu của chúng tôi trong việc phát triển du lịch bền vững không chỉ xuất phát từ doanh nghiệp mà quan trọng nhất vẫn là xây dựng cam kết này dựa trên sự hợp tác giữa công ty du lịch và khách hàng cả trong và ngoài nước. Từ đó sẽ tạo nên được nền tảng vững chắc nhất cho phát triển bền vững”, bà Trà chia sẻ.
Tựu chung lại, trong chiếc kiềng ba chân để phát triển du lịch xanh ở TP.HCM, cần có vai trò dẫn dắt về mặt chính sách và định hướng về mặt pháp luật của các cơ quan nhà nước; vai trò cung ứng sản phẩm độc đáo, thân thiện với môi trường từ các doanh nghiệp và vai trò đại sứ truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường từ chính người dân, du khách.
Trên thế giới đã có rất nhiều nước phát triển du lịch xanh. Tại Anh, kinh doanh du lịch xanh được xác định từ năm 1997. Cải thiện tính bền vững trong khi vẫn cung cấp dịch vụ chất lượng cao là điều bắt buộc tại nước Anh và tất cả các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú phải đạt được xếp hạng sao trước khi họ có thể đạt được xếp hạng xanh.
Ở Nhật Bản, khái niệm du lịch xanh tương tự như khái niệm du lịch nông thôn, nơi du lịch được diễn ra trong môi trường tự nhiên và mang lại cho khách du lịch cơ hội trải nghiệm văn hóa địa phương và lối sống nông thôn. Cư dân nông thôn tham gia vào ngành nông nghiệp và lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý môi trường.
Ở Malaysia, việc thực hiện du lịch xanh thể hiện ở việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm xanh ở chính du khách. Cụ thể, khách nghỉ dưỡng được khuyến khích sử dụng lại khăn tắm và khăn trải giường để tiết kiệm tài nguyên như nước và bột giặt.
Theo TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có thể học hỏi mô hình du lịch xanh ở đất nước Thái Lan. Thái Lan là một ví dụ rất điển hình về sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương chung tay để bảo vệ môi trường. Cụ thể, đất nước này ban hành bộ tiêu chí để chứng nhận danh hiệu doanh nghiệp du lịch xanh. Hiện tại đã có gần 700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Thái Lan nhận được danh hiệu này. Điều này góp phần lan tỏa, khích lệ, động viên các doanh nghiệp khác cùng nhau chung tay để bảo vệ môi trường. Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một bộ tiêu chí riêng để làm thước đo chứng nhận danh hiệu doanh nghiệp đạt chuẩn du lịch xanh. Đây là một phương cách để cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau chung tay bảo vệ du lịch phát triển bền vững.
Nguồn PLO: https://plo.vn/bai-3-la-ban-cho-du-lich-xanh-o-tphcm-post822582.html