Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp lợi thế địa phương

ĐBP - Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh ta đã chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở khai thác những lợi thế của địa phương để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Việc chuyển đổi trên đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho sản phẩm nông sản. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

Thay vì trồng lúa nương, người dân bản Phô, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa đã chuyển sang trồng su su, phù hợp với điều kiện địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: Lan Phương

Tại huyện Tủa Chùa, thời gian qua, nông dân các xã trên địa bàn đã chủ động chuyển hơn 200ha đất nương bạc màu, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau màu phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu của từng vùng như xoài Ðài Loan (tại các xã: Xá Nhè, Sính Phình), lê Ðài Loan (Lao Xả Phình, Sín Chải), chanh leo (Trung Thu, Lao Xả Phình, Sín Chải), mít Thái Lan (tại xã Tủa Thàng, Huổi Só), sa nhân (tại các xã Mường Ðun, Sính Phình, Tủa Thàng, Tả Phìn, Sín Chải, Huổi Só), khoai sọ, bí đỏ, su su tại Trung Thu, mắc ca (Mường Ðun, Mường Báng).

Ðiển hình trong chuyển đổi đất lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu... là các hộ dân bản Phô, xã Trung Thu. Do diện tích sản xuất nằm ở nơi có độ dốc lớn nên đất nương trồng lúa hoặc trồng sắn, ngô thường bị rửa trôi, bạc màu khiến cây trồng cho năng suất thấp. Ðược phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn, bắt đầu từ năm 2019 các hộ dân ở bản Phô đăng ký chuyển đổi hơn 4ha đất nương sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu. Mô hình này cho bà con mức thu nhập ổn định từ 25 - 30 triệu đồng/hộ/năm. Nếu so với trồng lúa thì thu nhập cao hơn gần bốn lần. Là một trong những hộ dân ở bản Phô đã chuyển đổi cây trồng, ông Thào A Tinh cho biết: Gia đình đã chuyển 5.000m2 đất trồng lúa nương, ngô sang các loại rau màu như: su su, khoai sọ, bí đỏ. Những loại cây trồng này đều thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây nên sinh trường, phát triển tốt và cho năng suất cao. Ðược cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn thêm về kỹ thuật và có hợp tác xã liên kết bao tiêu sản phẩm nên thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.

Ở huyện Ðiện Biên, ngoài sản xuất truyền thống là lúa ruộng thì mấy năm gần đây nông dân các xã vùng lòng chảo: Thanh Luông, Thanh Hưng, Noong Luống, Thanh Xương, Pom Lót, Noong Hẹt… cũng chủ động chuyển đổi đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang rau màu, các loại cây ăn quả cho nguồn thu cao hơn trồng lúa và góp phần cải tạo dinh dưỡng cho đất. Bà Nguyễn Thị Cúc, đội 3, xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) cho biết: “Mấy năm nay, tôi cũng như người dân trong xã chủ động chuyển đổi những khu đất thiếu nước, đất vườn sang trồng rau cung cấp cho thị trường TP. Ðiện Biên Phủ và các xã lân cận. Trồng rau mang lại thu nhập cao hơn từ 15 - 20% so với trồng lúa và một số cây trồng khác”. Theo thống kế, toàn xã Pom Lót hiện có hơn 10ha rau màu. Ðịnh hướng thời gian tới, nông dân Pom Lót sẽ tiếp tục chuyển đổi cây trồng trên đất lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.

UBND huyện Ðiện Biên đã chỉ đạo các xã quy hoạch chi tiết về diện tích chuyển đổi, hệ thống thủy lợi, loại cây trồng... Trên cơ sở đó, huyện có kế hoạch xây dựng các mô hình mẫu hướng dẫn nhân dân triển khai và đồng thời hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật. Tránh tình trạng người dân chuyển đổi ồ ạt hoặc chuyển đổi nhưng không áp dụng kỹ thuật sản xuất dẫn tới hiệu quả không cao, làm ảnh hưởng cơ cấu kinh tế, tâm tư của nhân dân. Hiện, toàn huyện có gần 500ha rau màu, cây ăn quả được chuyển đổi đem lại hiệu quả rõ rệt, cải thiện đời sống người nông dân.

Với sự vào cuộc tích cực của ngành Nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền các địa phương, thời gian qua, nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa, đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm với diện tích hơn 1.300ha (cây trồng được chuyển đổi chủ yếu là ngô, đậu tương, cỏ, mía, dứa, hoa, dong riềng, bí xanh) sang trồng cây lâu năm là 1.500ha (chủ yếu các loại cây trồng được chuyển đổi là cây ăn quả, chè, mắc ca, cây dược liệu, rừng sản xuất). Hiệu quả bước đầu cho thấy, các diện sau khi chuyển đổi sang cây trồng khác đều có hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa từ 1,5 - 2 lần, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/179338/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-phu-hop-loi-the-dia-phuong