Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở Ba Bể (bài 2)

Nhờ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh nên sản xuất nông nghiệp của huyện Ba Bể đã phát triển đúng hướng, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế cần khắc phục để nông nghiệp thực sự phát triển bền vững.

Bài 2: Giải pháp phát triển bền vững

Dễ nhận thấy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế đó là: Quy mô các mô hình kinh tế nhỏ, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác của người dân còn hạn chế; khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; các cơ sở sản xuất chế biến còn manh mún, chưa đáp ứng được khâu tiêu thụ đối với những diện tích nông sản lớn mà chỉ đáp ứng được một diện tích nhất định; người dân chưa quan tâm đến kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao; việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học khiến đất canh tác ngày càng bị thoái hóa, cằn cỗi, môi trường bị hủy hoại.

Vùng sản xuất cây chè của huyện có tổng diện tích hơn 600ha.

Vùng sản xuất cây chè của huyện có tổng diện tích hơn 600ha.

Đồng chí Mã Thị Thương Oanh- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Bể cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn là vấn đề tiêu thụ nông sản. Người dân sản xuất theo định hướng thị trường nhưng chưa có liên kết trong tiêu thụ, chế biến mà chỉ phụ thuộc thương lái sẽ dẫn đến tình trạng "được mùa mất giá, mất mùa được giá". Mặt khác, một số cây trồng hiện nay mới chỉ chú trọng đến phát triển mà chưa chú trọng khâu chế biến, do vậy sản xuất thiếu tính bền vững.

Đơn cử, hiện nay diện tích cây hồng không hạt trên địa bàn huyện khá lớn khoảng hơn 257ha, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu thị trường thì sản lượng chưa đủ. Hơn nữa, do một số người dân còn giữ tập quán canh tác cũ, chưa đầu tư chăm sóc, cộng với biến đổi khí hậu nên cây hồng bị sâu bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế. Cây bí xanh thơm mặc dù năng suất, chất lượng đã được khẳng định, thị trường đón nhận, tuy nhiên cũng chưa có hợp đồng liên kết tiêu thụ ổn định, thiếu tính bền vững. Hay như cây dong riềng, có thời điểm toàn huyện trồng gần 400ha nhưng do thiếu các cơ sở chế biến, củ dong không tiêu thụ được ảnh hưởng đến tâm lý của người nông dân, vì vậy diện tích giảm dần theo từng năm, đến nay toàn huyện chỉ còn 131ha.

Để chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn, huyện Ba Bể đã xây dựng Đề án "Phát triển sản xuất một số cây trồng, vật nuôi thế mạnh huyện Ba Bể" giai đoạn 2021 - 2025 với mục đích nhằm sắp xếp, bố trí lại để tổ chức sản xuất có hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở đó, giai đoạn 2021 - 2025, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Đặc sản bí xanh thơm của huyện Ba Bể được thị trường đón nhận.

Đặc sản bí xanh thơm của huyện Ba Bể được thị trường đón nhận.

Theo đó, huyện tiếp tục tập trung phát triển sản xuất theo vùng quy hoạch như: Vùng trồng cây hồng không hạt tại các xã Quảng Khê, Đồng Phúc, Hoàng Trĩ; cây bí xanh thơm tại các xã Địa Linh, Yến Dương, Mỹ Phương. Quy hoạch vùng chăn nuôi trâu, bò tại các xã Phúc Lộc, Bành Trạch, Thượng Giáo, Cao Thượng, Nam Mẫu, Đồng Phúc; vùng chăn nuôi lợn tại các xã Yến Dương, Địa Linh, Thượng Giáo; vùng nuôi thủy sản trên sông Năng, hồ Ba Bể tại các xã Thượng Giáo, Khang Ninh, Nam Mẫu, thị trấn Chợ Rã.

Để đạt mục tiêu, huyện đã đề ra những giải pháp thực hiện như: Đối với giải pháp về nguồn lực, ưu tiên tập trung nguồn lực từ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh như: Nghị quyết số 08/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; các chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất, các doanh nghiệp, HTX để phát triển, nâng cao chất lượng các cây trồng, vật nuôi thế mạnh của huyện theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ. Đối với giải pháp về khoa học kỹ thuật, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chuyên môn, các chương trình, dự án để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân về trồng trọt, chăn nuôi.

Đối với giải pháp tổ chức sản xuất, huyện khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ các cơ sở chế biến phát triển thành các HTX để thực hiện chế biến, bao tiêu nông sản cho nông dân theo định hướng chung của huyện. Với giải pháp thị trường, huyện sẽ định hướng cho nông dân sản xuất về quy mô, chất lượng, tốc độ phát triển đối với từng loại nông sản; hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực, hoạt động hiệu quả trong việc chế biến, tiêu thụ nông sản cho người dân; kêu gọi, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện bao tiêu nông sản địa phương.../.

H.Thanh

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202107/chuyen-doi-co-cau-san-xuat-nong-nghiep-o-ba-be-bai-2-df71169/