Chuyển đổi công nghệ - bài toán sống còn của công nghiệp tàu thủy - Bài 1: Hiện đại hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động

LTS: Phát triển công nghiệp tàu thủy là một giải pháp quan trọng để khai thác hiệu quả kinh tế biển, lĩnh vực Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là tạo thế chủ động trong đóng mới, sửa chữa tàu biển. Trước những yêu cầu khắt khe của thị trường, ngành công nghiệp tàu thủy cũng đứng trước bài toán cần chuyển đổi công nghệ. Không chỉ đáp ứng công nghệ hiện đại mà còn là chuyển đổi sản xuất theo xu hướng xanh hóa, cho ra đời các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bài 1: Hiện đại hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động

Ngành đóng tàu dân dụng Việt Nam đã đóng mới được những con tàu hiện đại bậc nhất thế giới và tàu chở hàng quy mô lớn, trọng tải hàng chục nghìn tấn. Nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu biển của thị trường không ngừng tăng, cả trong nước và xuất khẩu. Các nhà máy đóng tàu muốn tranh thủ được thời cơ này cần đầu tư cho hiện đại hóa sản xuất, tối ưu hóa quy trình và nâng cao năng suất lao động.

Nhu cầu thị trường tăng cao

Đầu tháng 4-2025, tàu dịch vụ điện gió ngoài khơi, một trong những loại tàu hiện đại, kỹ thuật phức tạp nhất đóng mới ở Việt Nam đã được hạ thủy tại Công ty Đóng tàu Hạ Long (Quảng Ninh). Đây là minh chứng cụ thể cho việc nhà máy đóng tàu Việt Nam có thể đảm đương được các dòng tàu đòi hỏi trình độ và kỹ năng cao trong thi công. Tàu được trang bị các công nghệ hiện đại, động cơ hydrogen, chú trọng giảm thiểu phát thải carbon, góp phần vào công nghiệp xanh, bảo vệ môi trường. Seri tàu điện gió ngoài khơi gồm 14 chiếc là chương trình hợp tác giữa Công ty Đóng tàu Hạ Long với Tập đoàn Damen (Hà Lan). Hiện nay, đã hạ thủy được 3 chiếc và nhà máy đang đóng mới những con tàu tiếp theo.

Những năm gần đây, thị trường đóng tàu trong nước và thế giới tiếp tục có những tín hiệu tích cực, nhu cầu tăng, đơn hàng cho các nhà máy dồi dào hơn. Tại Công ty Đóng tàu Hạ Long, lãnh đạo Công ty cho biết, với các hợp đồng đã ký và đang triển khai, Công ty có việc làm đến hết năm 2027. Định hướng của đơn vị là tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như tàu khách du lịch, tàu chở dầu, tàu hàng...

Theo Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam (Bộ Xây dựng), Việt Nam có hơn 1.500 tàu biển đăng ký với tổng trọng tải khoảng 14,3 triệu tấn, tổng dung tích khoảng 7,6 triệu GT (đơn vị đo tổng dung tích). Trong đó có 961 tàu vận tải với tổng trọng tải khoảng 11,6 triệu tấn, tổng dung tích khoảng 6,9 triệu GT, tuổi trung bình là 17,3 tuổi. Nhu cầu vận tải biển của Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khoảng 10%/năm trong giai đoạn đến năm 2030. Định hướng giai đoạn đến năm 2030, đội tàu biển Việt Nam được cơ cấu lại và phát triển với khoảng 1.600-1.750 chiếc, tổng trọng tải đạt 17-18 triệu tấn, trong đó đội tàu vận tải hàng hóa khoảng 1.200 chiếc với tổng trọng tải khoảng 13-14 triệu tấn. Dự báo tổng nhu cầu đóng mới bổ sung, thay thế đội tàu vận tải biển Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2030 khoảng 4-5 triệu DWT (tương đương 4-5 triệu tấn), bình quân khoảng 0,7-0,8 triệu DWT/năm.

Dự báo giai đoạn đến năm 2028, quy mô thị trường đóng tàu thế giới tăng trưởng bình quân 3,95% /năm và dự kiến đạt giá trị khoảng 195 tỷ USD vào năm 2030. Giai đoạn 2024-2033 có khoảng 479 triệu GT tàu trên thế giới sẽ cần được thay thế; 71% thuộc về tàu hàng rời, tàu chở dầu, trong đó phần lớn nhu cầu đóng tàu mới do yêu cầu về môi trường và thay thế đội tàu già hơn 20 năm tuổi.

Tàu dịch vụ điện gió ngoài khơi được đóng mới tại Công ty Đóng tàu Hạ Long. Ảnh: TẠ HẢI

Tàu dịch vụ điện gió ngoài khơi được đóng mới tại Công ty Đóng tàu Hạ Long. Ảnh: TẠ HẢI

Không ứng dụng công nghệ sẽ bị tụt hậu, đào thải

Sau hơn 20 năm hợp tác với đối tác nước ngoài, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm (Hải Phòng) không ngừng được đầu tư, hiện đại hóa, đặc biệt là liên tục cải tiến quy trình, tối ưu hóa sản xuất. Nhờ vậy, năng lực sản xuất của nhà máy được nâng lên đáng kể. "Năm 2020, đối tác của Công ty là Tập đoàn Damen (Hà Lan) cử đội chuyên gia sang để đánh giá năng lực đóng tàu, nhận định là nhà máy có thể đóng được 25-27 tàu mỗi năm. Quá trình điều hành sản xuất, chúng tôi nhận thấy có thể tiếp tục tối ưu hóa, cải tiến các khâu trong quy trình, đầu tư, sắp xếp lại nhà xưởng. Năm 2024, Công ty đã bàn giao được 41 tàu, đây là con số kỷ lục", ông Đàm Quang Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm cho biết.

Đặc thù đóng các loại tàu nhỏ như tàu kéo, tàu cao tốc với hàm lượng kỹ thuật cao, việc đầu tư cho nhân lực, công nghệ là yêu cầu hàng đầu. "Dù tàu nhỏ nhưng mỗi sản phẩm đều phải đáp ứng đầy đủ quy trình, công nghệ. Vì vậy, để tăng năng suất, chất lượng, nhà máy phải luôn không ngừng đổi mới, cải tiến, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng hiện có. Nếu không áp dụng công nghệ sẽ bị tụt hậu, tự đào thải", ông Đàm Quang Trung chia sẻ. Công ty cũng triển khai nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân viên, mới đây nhất là lớp học về trí tuệ nhân tạo (AI) với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp tục tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Từ nền tảng của công nghệ đóng tàu, một số đơn vị đã mạnh dạn triển khai các sản phẩm khó. Đơn cử như Công ty Đóng tàu Bạch Đằng đi đầu trong đóng tàu chở khí hóa lỏng LNG. Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Bạch Đằng cho biết, tàu chở khí hóa lỏng 4.500m3 xuất khẩu sang Italy có độ khó gấp 2-3 lần sản phẩm bình thường, lần đầu tiên Việt Nam đóng loại tàu này. Công ty Đóng tàu Bạch Đằng tự đóng bồn chở khí hóa lỏng, đây là loại bồn độc lập, bọc cách nhiệt để duy trì mức nhiệt độ âm 100 độ C. Bồn được gia công bằng thép mác cao, được hàn khác hẳn với hàn tàu, bảo đảm các tổ chức thép liên kết thành một khối. "Đóng một con tàu bình thường có khi chỉ bằng một nửa thời gian so với đóng hai bồn chứa khí hóa lỏng. Một điểm đặc biệt là thiết kế bồn chứa do Việt Nam đảm nhận", ông Nguyễn Bá Sơn bày tỏ. Mạnh dạn thực hiện những gam tàu phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao là nền tảng để các nhà máy đóng tàu dân dụng của Việt Nam tiếp tục khẳng định, nâng cao năng lực.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chuyen-doi-cong-nghe-bai-toan-song-con-cua-cong-nghiep-tau-thuy-bai-1-hien-dai-hoa-san-xuat-nang-cao-nang-suat-lao-dong-838012