Chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải

Với việc đưa vào khởi công hàng loạt nhà máy xử lý chất thải hiện đại, TP HCM kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu 50% lượng chất thải phải chôn lấp trong năm 2020, cải thiện môi trường sống cho người dân.

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tổng lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý trên địa bàn TP HCM năm 2019 tới gần 3 triệu tấn. Từ năm 2017 đến nay, lượng rác thải sinh hoạt đã tăng từ 7.000 tấn/ngày lên gần 10.000 tấn/ngày; rác thải công nghiệp tăng từ 1.000 tấn/ngày lên 2.500 tấn/ngày; rác thải xây dựng tăng từ 500 tấn/ngày lên 1.500 tấn/ngày. Dự báo năm 2020, lượng rác của thành phố tăng thêm 15% so với năm 2019. Thực tế đó đặt ra rất nhiều thách thức cho công tác thu gom, xử lý chất thải của TP HCM.

Dự án Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa

Dự án Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm tại bãi chôn lấp rác Đa Phước ngày càng diễn biến phức tạp. Thực tế, công nghệ chôn lấp, dù hợp vệ sinh, vẫn không thể tránh khỏi nguy cơ phát sinh mùi hôi, gây ô nhiễm, đòi hỏi nhiều quỹ đất...

Trong bối cảnh đó, UBND TP HCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng gấp rút chuyển hướng thu hút đầu tư xử lý chất thải rắn, ưu tiên xã hội hóa đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ xử lý hiện đại, biến chất thải rắn thành năng lượng, tăng thêm nguồn năng lượng sạch, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm.

Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước

Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước

Hiện tại, TP HCM đã cấp phép đầu tư và đã khởi công xây dựng 3 nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt công nghệ đốt - phát điện. Công ty CP Vietstar đã khởi công dự án nhà máy đốt - phát điện tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi). Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa khởi công xây dựng nhà máy xử rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt - phát điện 2.000 tấn/ngày. Nhà máy xử lý và tái chế chất thải công nghiệp - chất thải nguy hại do Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu làm chủ đầu tư cũng vừa được khởi công. Ngoài ra, trong năm 2020, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM, Công ty Tasco... được kỳ vọng sẽ đầu tư, chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải phù hợp với xu hướng phát triển của thành phố.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hình thức xã hội hóa đầu tư hạ tầng xử lý chất thải là giải pháp hiệu quả nhất để thành phố xử lý tốt lượng chất thải phát sinh hiện nay. Song, điều quan trọng là các cơ quan chức năng cần xác định và ban hành đơn giá phù hợp cho từng loại chất thải phải xử lý, các quy chuẩn, quy định về quản lý chất thải... Hiện vẫn còn lượng lớn chất thải được xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Do vậy, cần có các cơ chế khuyến khích việc chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải theo hướng hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của thành phố

Trúc Lâm

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chuyen-doi-cong-nghe-xu-ly-chat-thai-571127.html