Một đề xuất được dư luận quan tâm

Pháp lệnh Dân số được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2003, sửa đổi Điều 10 năm 2008. Ngay sau khi có hiệu lực thi hành, Pháp lệnh Dân số đã có nhiều tác động tích cực trong việc điều chỉnh các vấn đề dân số, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác dân số.

Tuy nhiên, qua hơn 20 năm thực hiện, pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế khi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước có những thay đổi khác biệt so với thời điểm ban hành. Cụ thể, vấn đề mất cân bằng giới tính và già hóa dân số đang là điều đáng lo ngại. Vì thế, Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì soạn thảo Luật Dân số để thay thế Pháp lệnh Dân số hiện hành có nhiều nội dung không còn phù hợp. Một trong những điểm mới được dư luận và cộng đồng mạng xã hội quan tâm là dự luật đã đặt ra mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước và không quy định số con với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, cá nhân gắn với trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con tốt.

Cụ thể, Điều 10 của dự thảo Luật Dân số quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung sau: Quyền của cặp vợ chồng, cá nhân quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh… Khuyến khích mỗi cặp vợ chồng và cá nhân tự nguyện thực hiện các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước về công tác dân số phù hợp với từng thời kỳ. Như vậy, dự thảo luật đã quy định cụ thể về quyền của cặp vợ chồng, cá nhân được quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh, mà không còn quy định về số con được sinh chỉ từ 1 đến 2 con như quy định hiện nay. Bên cạnh đó, mỗi cặp vợ chồng phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con tốt và các nghĩa vụ khác liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Đề xuất nêu trên không những thu hút sự quan tâm mà còn nhận được sự đồng thuận cao của dư luận và cộng đồng mạng xã hội. Trước hết là vì, quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh “một hoặc hai con” trong Pháp lệnh Dân số hiện hành không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, quy định này không phù hợp với những điều ước quốc tế liên quan đến công tác dân số mà Việt Nam là thành viên, cũng như các cam kết chính trị mà Việt Nam đã đưa ra tại các diễn đàn đa phương về quyền sinh sản. Điều quan trọng hơn, đề xuất mới này là giải pháp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mức sinh xuống quá thấp hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn, gây già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Theo số liệu của Bộ Y tế, mức sinh ở Việt Nam năm 2023 giảm còn 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Hiện nước ta đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Bộ Y tế dự báo đến năm 2039, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, tức là cứ 5 người dân sẽ có 1 người trên 60 tuổi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con hoặc không muốn sinh, khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ thời kỳ “dân số vàng” qua nhanh. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến nhiều thanh niên kết hôn muộn hoặc lập gia đình nhưng ngại sinh con là do áp lực về kinh tế, giáo dục, việc làm và chi phí nuôi dạy con cao. Vì thế, đây mới là cái gốc cần những giải pháp phù hợp, hiệu quả từ các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, để dân số thực sự là mục tiêu, động lực của sự phát triển.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/160092/mot-de-xuat-duoc-du-luan-quan-tam