Chuyển đổi công nghiệp, tạo động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM

Việc tháo gỡ các điểm nghẽn kết hợp với ứng dụng giải pháp chuyển đổi sẽ là cơ sở để TP.HCM tạo động lực, dư địa mới cho ngành công nghiệp phát triển bền vững…

Cấp thiết phải chuyển đổi

Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2024, Anna Skarbek - Tổng giám đốc Điều hành Trung tâm Climateworks, Đại học Monash (Úc) cho rằng, chuyển đổi công nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững. Việt Nam là một trong những nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á và có khả năng tăng trưởng nhu cầu về công nghiệp xanh. Xây dựng các khu công nghiệp không phát thải ròng (NZIPs) là cần thiết giúp ngành công nghiệp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng.

Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2024

Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2024

Cũng theo bà Anna Skarbek, hiện xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên 93% GDP. Việc cải cách đầu tư nước ngoài đã tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang có nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài do các biện pháp, cơ chế điều chỉnh carbon. Chuyển đổi sản xuất công nghiệp đang phát triển của Việt Nam là điều cần thiết để thu hút đầu tư xanh từ nước ngoài đang ngày càng tăng.

Riêng với TP.HCM, việc sớm phát triển các khu công nghiệp sạch, sử dụng năng lượng không phát thải đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi công nghiệp của thành phố. “TP.HCM đang ở vị trí tốt để dẫn đầu khu vực trong việc thúc đẩy các dự án đầu tư không phát thải ròng nhờ vào vai trò của một trung kinh doanh, tài chính và kỹ năng xanh”, bà Anna Skarbek nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM khẳng định, phải cấp thiết chuyển đổi ngành công nghiệp thành phố. Hiện nay, các quốc gia đang tăng cường hợp tác về kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi sang năng lượng sạch… Các doanh nghiệp và thị trường nhập khẩu đặt ra tiêu chuẩn về tính minh bạch và bền vững của sản phẩm…

TP.HCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước, là địa phương có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. TP.HCM cũng đã thực hiện chuyển đổi công nghiệp và cũng đã có những chuyển biến nhất định như nhiều doanh nghiệp ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, sản xuất thông minh, các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI)… đã được kích hoạt và ứng dụng vào thực tế.

Thế nhưng, so với xu thế phát triển kinh tế hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, ngành công nghiệp thành phố đang bị suy giảm đà tăng trưởng. Năng lực cạnh tranh DN thấp, chưa có doanh nghiệp có tính dẫn dắt, doanh nghiệp khó phát triển theo chiều rộng do chi phí hạ tầng tăng cao…

Cần xây dựng các khu công nghiệp xanh

Theo ông Phạm Bình An, để TP.HCM quay lại đà tăng trưởng cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng đa dạng bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không song song với thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, hạ tầng số. TP.HCM cần nhanh chóng xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 DWT (24.000 TEU), đồng thời phát triển 7 cảng cạn và 9 trung tâm logistics.

Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, tháo các điểm nghẽn kết hợp với ứng dụng giải pháp chuyển đổi là cơ sở để ngành công nghiệp TP.HCM phát triển bền vững

Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, tháo các điểm nghẽn kết hợp với ứng dụng giải pháp chuyển đổi là cơ sở để ngành công nghiệp TP.HCM phát triển bền vững

Thành phố cần phát triển hạ tầng công nghiệp, chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, KCN-KCX theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sinh thái. Bên cạnh đó, Thành phố phải tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực và đầu tư nâng cao chất lượng nguồn lực.

Việc chuyển đổi công nghiệp theo hướng xanh, số, công nghệ cao đòi hỏi nguồn tài chính lớn cũng là vấn đề rất quan trọng. Vì hiện nay, việc thu xếp các nguồn tài chính mới đang ở dạng tiềm năng, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận còn thấp. “Việc tháo gỡ các điểm nghẽn kết hợp với ứng dụng giải pháp chuyển đổi sẽ là cơ sở để thành phố tạo động lực, dư địa mới cho ngành công nghiệp phát triển bền vững”, ông Bình An nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, để quá trình chuyển đổi công nghiệp thành công, TP.HCM cần hình thành và phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, có sức ảnh hưởng, các “sếu đầu đàn” dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thành phố cũng cần sự hỗ trợ về ý tưởng và vốn từ các tổ chức trong nước (như Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM - ICTI, Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM - DX Center, nhóm Công tác chung TP.HCM - NHTG, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 - C4IR); từ các tổ chức quốc tế có nhiều kinh nghiệm phát triển và nguồn lực quan trọng cho chuyển đổi; từ các địa phương là đối tác của Thành phố và từ các tập đoàn, các công ty xuyên quốc gia, các viện trường cũng như các chuyên gia hàng đầu trong khu vực và trên thế giới...

Hồng Nga

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/chuyen-doi-cong-nghiep-tao-dong-luc-tang-truong-moi-cho-tp-hcm-313550.html