Chuyển đổi đối tượng nuôi để chống dịch

Người dân lựa chọn nuôi bò để chống dịch tả heo châu Phi - Ảnh: THỦY TIÊN

Trong khi bò và gà tăng giá mạnh trong thời gian gần đây thì giá heo hạ thấp, dịch tả heo châu Phi lại chưa có cách phòng trị, nên nhiều hộ chăn nuôi đang chuyển sang nuôi bò và gà. Đây cũng là biện pháp chống dịch hiệu quả trong tình hình hiện nay.

Heo hạ, gà và bò tăng giá

Nhiều tháng qua, khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện, mặc dù dịch bệnh này không lây sang người nhưng đại đa số người tiêu dùng vẫn rất e dè với thịt heo khiến giá heo rơi xuống thấp. Hiện giá heo hơi chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg. Cùng với đà giảm này thì giá thịt heo bán ra tại các chợ cũng giảm sâu, dao động từ 50.000-80.000 đồng/kg tùy loại, giảm hơn 1/3 so với giá thịt lúc trước nhưng vẫn rất ít người mua.

Chị Lê Thị Hồng Yến, một chủ hàng thịt ở chợ Tuy Hòa cho biết: Trước khi xảy ra dịch, mỗi ngày tôi mổ 2 con heo để bán thịt. Còn nay, mỗi ngày tôi chỉ mổ 1 con nhưng vẫn bán không hết, phải chia bớt cho các chủ hàng khác để cùng bán.

Trong khi đó, hiện nay giá thịt bò và gà lại tăng cao, sức tiêu thụ cũng tăng mạnh. Khảo sát tại hàng bán gia cầm ở chợ Tuy Hòa, hầu hết các hàng đều đông khách. Chị Trần Thị Ngọc Bảo ở phường 4 (TP Tuy Hòa) đang chọn mua gà cho biết: Từ khi có thông tin dịch tả heo châu Phi xảy ra ở Phú Yên, tôi ngưng luôn các món ăn chế biến từ thịt heo. Thay vào đó tôi chuyển sang dùng thịt bò và gà để đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Và đây cũng chính là lựa chọn của rất nhiều người trong thời gian từ khi heo phát dịch đến nay.

Chính vì nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên giá thịt bò, gà tại các chợ cũng tăng theo. Hiện thịt bò đang được bán ra với mức giá từ 150.000-250.000 đồng/kg. Bà Ngô Thị Hồng, một chủ hàng bán thịt bò ở chợ phường 9 (TP Tuy Hòa) cho biết: So với lúc trước, các loại thịt bò đều tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg, số lượng thịt bán ra mỗi ngày ở sạp hàng tôi cũng tăng thêm khoảng 50kg/ngày.

Tương tự, hiện nay, gà sống bán ra tại các chợ cũng ở mức cao. Cụ thể gà ta thả vườn có giá 110.000-120.000 đồng/kg, gà ta nuôi theo kiểu bán công nghiệp có giá từ 90.000-100.000 đồng/kg. Theo bà Nguyễn Thị Thoa, một người bán gà ở chợ Tuy Hòa, nhờ sức tiêu thụ mạnh nên mỗi ngày bà bán lẻ lẫn bỏ sỉ khoảng 200 con, tăng hơn 1/3 so với lúc trước.

Chuyển đổi vật nuôi

Trước tình trạng dịch tả heo châu Phi có chiều hướng lây lan như hiện nay, người chăn nuôi ở các địa phương đã lựa chọn biện pháp chuyển đổi đối tượng để đối phó với loại dịch bệnh này.

Hiện nay, bò và gà là 2 đối tượng vật nuôi đang được nhiều hộ nông dân lựa chọn phát triển thay thế cho con heo. Bà Trần Thị Thanh Tâm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cho biết: Sau khi xuất hết lứa heo thịt vừa rồi, gia đình tôi lỗ hơn 7 triệu đồng, bây giờ không tái đàn nữa. Tận dụng các ô chuồng này, gia đình tôi vừa thả 300 con gà giống Minh Dư để nuôi, vừa hạn chế được rủi ro, vừa cắt lỗ từ nuôi heo.

Cũng theo bà Tâm, qua tìm hiểu bà được biết, từ tháng 4 đến nay, giá gà đã liên tục tăng và hiện đang được thu mua tại trại với mức giá xấp xỉ 70.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi con gà sau khi nuôi 100 ngày, bán ra sẽ đem lại lợi nhuận từ 25.000-28.000 đồng/con. Đây là mức lãi mơ ước của những người làm nông nghiệp.

Trong khi đó, gia đình ông Ngô Phước Long ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) thì lại chọn con bò làm đối tượng chuyển đổi lúc này. Theo ông Long, từ khi địa phương phát dịch tả heo châu Phi, gia đình ông đã bắt đầu giảm đàn heo, con nào có trọng lượng khoảng 60kg là ông cho xuất chuồng. Nhờ vậy, hiện đàn heo của trại nuôi chỉ còn 10 con trọng lượng dưới 25kg. Cùng với việc giảm đàn heo, gia đình ông Long chuyển sang nuôi bò.

Ông Long cho biết: Khả năng dịch tả heo châu Phi sẽ còn kéo dài trong thời gian tới nên tôi chuyển sang đầu tư nuôi bò. Tận dụng chuồng heo trống, tôi vừa mua 5 con bê lai giống BBB về nuôi. Nếu ổn định với mức giá hơn 75.000 đồng/kg hơi như hiện nay thì thu nhập từ nuôi bò sẽ khá hơn.

Theo ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, với tính chất phức tạp của dịch tả heo châu Phi, địa phương đã khuyến cáo người chăn nuôi trên địa bàn không nên tái, tăng đàn heo nuôi trong lúc này mà nên chuyển đổi sang những đối tượng vật nuôi đang có nhiều lợi thế khác như bò, gà, dê... Bước đầu đã có nhiều hộ chuyển đổi vật nuôi. Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm thâm canh trong chăn nuôi bò, gà, dê... đến với nông dân, giúp bà con ổn định sản xuất, ứng phó qua đợt dịch tả heo châu Phi.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT khuyến cáo: Chuyển đổi vật nuôi có thể là biện pháp hữu hiệu và an toàn trong giai đoạn hiện nay, giúp nông dân có nguồn thu nhập thay thế. Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, khi bắt đầu sản xuất, bà con không nên nuôi với số lượng lớn mà nên tăng dần để tích lũy kinh nghiệm và thăm dò thị trường; đồng thời, cần áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như chủng ngừa vắc xin đầy đủ, mua giống có nguồn gốc, vệ sinh thú y thường xuyên...

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/222993/chuyen-doi-doi-tuong-nuoi-de-chong-dich.html