Chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số

Theo Kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023-2025, mục tiêu của tỉnh là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số để phục vụ chuyển đổi số.

Hải Dương phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt trên 90%

Hải Dương phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt trên 90%

Cụ thể, Hải Dương đặt mục tiêu phát triển hạ tầng số với năng lực, chất lượng cao, băng thông rộng tương đương các nước phát triển, đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu. Phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động là cơ sở cho việc sử dụng các thiết bị số (5G, IoT, AI, Blockchain…) và dịch vụ số (điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng không có người phục vụ). Đến năm 2025, tỉnh Hải Dương có hạ tầng kỹ thuật viễn thông hiện đại, rộng khắp, bảo đảm tính bền vững, ổn định, khai thác, quản lý hạ tầng hiệu quả làm cơ sở phát triển đô thị thông minh, có khả năng chia sẻ và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật để cung cấp đa dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin trên cùng một hạ tầng kỹ thuật (hội tụ giữa công nghệ - dịch vụ). Các dịch vụ yêu cầu quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động gồm: giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh.

Duy trì 100% thôn, khu dân cư được phủ băng rộng di động, cố định (cáp quang FTTH); UBND cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao điện thoại di động đạt trên 90%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 85%. Trên 90% số người sử dụng internet. Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt trên 85%. Tỷ lệ gia đình có thuê bao băng rộng cáp quang FTTH đạt trên 80%.

90% đường truyền internet cố định có kết nối đến cá nhân tốc độ trung bình 200 Mb/s; đường truyền internet kết nối đến cơ quan, tổ chức có tốc độ trung bình 1 Gb/s. Mạng băng rộng di động với tốc độ trung bình 70Mb/s phủ sóng 100% số dân.

Phủ sóng kết nối internet vạn vật (IoT) bao phủ các thành phố, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sản xuất; sẵn sàng cung cấp dịch vụ, khả năng tích hợp với tất cả các thành phần hạ tầng vật lý của các ngành y tế, giáo dục, giao thông, năng lượng, điện, nước.

100% cơ quan quản lý nhà nước dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số. 70% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp. Trung bình mỗi người dân có 1 tài khoản sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.

Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), IoT từng bước thâm nhập vào nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội. Tất cả các cơ quan, tổ chức nhà nước, 70% số doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số...

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chuyen-doi-ha-tang-vien-thong-thanh-ha-tang-so-367811.html