Chuyển đổi kép để ngành in gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo PGS.TS Ngô Anh Tuấn, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là điều kiện bắt buộc, tiên quyết để doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.

 Ảnh: StartupEuronews.

Ảnh: StartupEuronews.

Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu khoa học Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm cho biết chuyển đổi số gồm các khía cạnh chính là chính phủ số, xã hội số và kinh tế số.

Tại Việt Nam trong các năm gần đây, chính phủ số (hay chính phủ điện tử) đã từng bước được triển khai mạnh mẽ khi hệ thống quản lý, lưu trữ của nhà nước được số hóa toàn diện, người dân có thể dễ dàng tra cứu và thực hiện dịch vụ hành chính công qua các nền tảng số. Xã hội số cũng đang phủ khắp khi hầu hết hoạt động thương mại, dịch vụ đều cho phép bên cung cấp và bên thụ hưởng thao tác thuận tiện, nhanh chóng qua các ứng dụng, website, nền tảng số.

Khó khăn nhất lớn nhất trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay của Việt Nam, theo PGS Nguyễn Ngọc Lâm, là kinh tế số. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp còn hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên do như chính sách, chế tài, tư duy, nguồn lực... và cũng mang đến nhiều hệ lụy cho bản thân doanh nghiệp và khách hàng.

Chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu kiểm định chất lượng và bảo mật

Phó chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, Chủ tịch Hội In TP.HCM, PGS.TS Ngô Anh Tuấn nhận định những chế tài, chính sách của ngành in hiện nay vẫn còn tập trung chủ yếu vào xuất bản phẩm, trong khi thực tế thì xuất bản phẩm chỉ còn chiếm phần nhỏ, dưới 20% quy mô ngành in.

Trên thế giới, in xuất bản phẩm cũng chỉ chiếm khoảng 8% tổng quy mô ngành. Ngành in thế giới phụ thuộc rất lớn vào các ngành sản xuất hàng hóa.

Một lợi thế lớn của Việt Nam là có nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương với các nước trên thế giới, tạo điều kiện cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy hợp tác sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.

Theo xu thế quan sát được trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp từ Trung Quốc di chuyển sang hoạt động ở Việt Nam, mà như thế thì nhà cung ứng di chuyển theo. Mỗi công đoạn trong chuỗi cung ứng đều buộc phải có bao bì nhãn hàng.

Đơn cử ngành dệt may, thời trang cần đến lượng bao bì, nhãn mác lên đến 3 tỷ đôla mỗi năm nhưng ở Việt Nam chỉ gia công, đa phần để doanh nghiệp ngoại vào làm.

Việt Nam chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ, đẩy mạnh in công nghiệp, thương mại. Còn doanh nghiệp in ấn Việt thì không đủ năng lực đáp ứng được cơ hội, nhu cầu này; hầu như chỉ làm được cho hàng hóa nội địa.

Lấy ví dụ, ta không làm được cho LEGO vì không bảo vệ được dữ liệu số mà khách hàng chuyển cho mình. Đối với họ, bản vẽ lắp ráp là tài sản trí tuệ quan trọng bậc nhất. "Nếu hệ thống của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo trong bảo mật thì sẽ không ai dám làm cùng mình", ông Ngô Anh Tuấn nói.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm nhấn mạnh rằng doanh nghiệp phải hiểu, bảo mật trong kinh tế thị trường gắn liền với cách mạng công nghiệp 4.0, tức là bảo vệ chính mình và khách hàng.

Khách hàng muốn có một hệ thống quản lý chất lượng mà tại các điểm kiểm tra trong quy trình sản xuất, họ có thể yêu cầu nhà cung ứng quét thanh kiểm tra, gửi hình ảnh, thông tin lên server (máy chủ) để theo dõi theo thời gian thực.

"Không có chuyển đổi số thì doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng yêu cầu tối thiểu này của khách hàng, nên họ không giao cho ta làm", PGS Ngô Anh Tuấn lý giải.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã áp dụng được tự động hóa trong sản xuất, tin học hóa trong quản lý, nhưng chuyển đổi số tích hợp toàn diện thì hầu như chưa có đơn vị nào trong nước làm được.

Chuyển đổi xanh để thực hiện cam kết với quốc tế

Tương tự, Việt Nam cũng đang đứng trước bài toán chuyển đổi xanh khi chính phủ nhiều quốc gia dần thiết lập hệ thống tiêu chuẩn yêu cầu sản phẩm nhập khẩu vào đất nước của họ phải đảm bảo được các tiêu chí về năng lượng xanh.

Bản thân Việt Nam cũng đã cam kết đạt Net Zero - phát thải ròng bằng 0 vào 2050, thì các nước khác sẽ yêu cầu doanh nghiệp của họ theo lộ trình giảm phát thải của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam không chuyển đổi xanh thì cũng không được làm hàng cho doanh nghiệp ngoại.

"Doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhìn vào xem công ty của bạn có tham gia trồng rừng, có dùng năng lượng mặt trời trong nhà máy sản xuất hay không", ông Ngô Anh Tuấn nói. Hoặc lấy ví dụ, nếu làm gần khu dân cư thì chủ doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Nhìn vào bài toán chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, có thể thấy Việt Nam cần tiếp cận mạnh mẽ hơn và tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông cho rằng cần thay đổi tư duy căn bản về xuất khẩu: xuất khẩu không chỉ bao gồm việc duy nhất là làm hàng hóa xuất ra nước ngoài, mà còn phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để doanh nghiệp nước ngoài về Việt Nam, lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam để đặt hàng sản phẩm.

Một khi “có chân” trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì doanh nghiệp in ấn có thể đi khắp năm châu theo chân các nhà sản xuất, như Đài Loan (TQ) đi trước, chuỗi cung ứng của Trung Quốc theo sau.

Ngoài ra, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thì nên hướng đến kinh doanh minh bạch, trong đó hàng đầu là đối với chính phủ, đừng vin vào những mưu chước với hy vọng "luồn lách", trốn thuế. Tạo dựng uy tín của doanh nghiệp, trước nhất nằm ở việc thượng tôn pháp luật và làm tròn trách nhiệm xã hội.

Đừng tiếc tiền mua chất xám của chuyên gia

Một điểm nữa về tư duy đầu tư mà doanh nghiệp cũng cần lưu tâm, đó là nếu đã bỏ tiền ra để đầu tư công nghệ thì cũng phải bỏ tiền thuê chuyên gia giỏi. “Nhiều người dành ra 100 tỷ mua máy thì được, nhưng bảo dành 100 triệu đi học cách quản lý, vận hành máy móc thì họ không chịu,” ông Anh Tuấn nói.

Ông cho biết Hiệp hội In những năm qua thường xuyên kêu gọi, vận động doanh nghiệp: với mỗi 100 đồng vốn đầu tư cho máy móc, trang thiết bị, hãy dành ra 4 đồng đầu tư cho con người, tức những người sẽ trực tiếp sử dụng, vận hành máy móc, và 1 đồng đầu tư cho chuyên gia.

Một trường hợp đáng tiếc là nhiều doanh nghiệp đầu từ tiền chục tỷ, trăm tỷ mua máy móc, mà lại không mời chuyên gia tư vấn thấu đáo, chỉ nghe theo lời “dụ dỗ” của nhà thương mại bán máy móc, đến khi sử dụng không phù hợp, không ổn định, chất lượng không mong muốn, chi phí duy trì - bảo dưỡng phát sinh thì lại “tiền mất tật mang”. Không thể giữ mãi tư duy “xài miễn phí” chất xám, mong chờ chuyên gia họ “làm không công” hỗ trợ mình.

Doanh nghiệp nhỏ lại càng cần đầu tư cho con người, đạt được mức tối thiểu 15%. Có người giỏi thì doanh nghiệp mới phát triển được.

Đồng tình với các nhận định trên đây, PGS Nguyễn Ngọc Lâm nhấn mạnh rằng doanh nghiệp sản xuất rất cần sự tư vấn của doanh nghiệp công nghệ thông tin để thực hiện khoa học quy trình chuyển đổi số.

Hiện nay, riêng trong ngành in, Việt Nam đang xây dựng "Khung năng lực số ngành in" để giúp doanh nghiệp, nhân sự đánh giá hiện trạng chuyển đổi số của mình, từ đó có kế hoạch trau dồi, học tập để thực hiện chuyển đổi số.

Theo chuyên gia ERP (Enterprise Resource Planning - hoạch định tài nguyên doanh nghiệp) của Hội In TP.HCM Vũ Bảo Long, chuyển đổi số gắn liền với chuyển đổi xanh không chỉ trong ngành in mà rộng hơn là cả trong các nhà máy thông minh, đô thị thông minh.

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tương hỗ lẫn nhau, trong đó chuyển đổi số giúp hoạch định, sử dụng tối ưu hơn, giúp giảm thiểu tiêu hao tài nguyên và phục vụ cho chuyển đổi xanh diễn ra nhịp nhàng, quy củ hơn.

Do đó, những chính sách tầm cỡ quốc gia để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi kép này là chìa khóa quan trọng để ngành in sách góp phần nhiều hơn nào trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-doi-kep-de-nganh-in-gia-nhap-chuoi-cung-ung-toan-cau-post1502993.html