Chuyển đổi mô hình kinh tế hiệu quả ở vùng khó
Tận dụng lợi thế địa phương có nhiều nguồn cỏ và các loại lá cây làm thức ăn cho gia súc, anh Hồ A Cơ, Trưởng thôn Ta Xía, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa quyết định đầu tư chăn nuôi dê nhốt chuồng. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình chăn nuôi của anh Cơ đã có hiệu quả kinh tế, tạo động lực để anh tiếp tục mở rộng chăn nuôi và đầu tư kinh doanh.
Trước đây, gia đình anh Cơ chủ yếu trồng chuối và sắn ở nương rẫy. Do sản xuất lâu ngày, đất dọc các triền đồi bạc màu nên hiệu quả kinh tế các loại cây trồng ngày càng giảm. Nhận thấy nuôi dê phù hợp với khả năng của gia đình như vốn đầu tư ban đầu ít, đặc biệt là tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương, vợ chồng anh Cơ quyết định vay vốn ngân hàng chính sách để chăn nuôi dê. Để thực hiện mô hình một cách hiệu quả, anh dành thời gian tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi dê của các hộ dân trong vùng. Đầu năm 2020, anh bắt tay làm chuồng trại theo kiểu nhà sàn cao ráo, dựng vách chuồng bằng ván gỗ và ngăn thành từng ô để dễ quan sát, chăm sóc đàn dê.
Tiếp đó, anh tìm và chọn mua được 5 con dê sinh sản giống bản địa. Qua 2 năm chăn nuôi, nhờ chăm sóc tốt nên đàn dê của gia đình anh phát triển nhanh. Bình quân mỗi năm dê mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con, có lúc đàn dê lên đến gần 50 con. Để có kinh phí duy trì mô hình, anh xuất chuồng bán một số con dê thịt, với trọng lượng từ 25 - 35 kg, giá bán từ 90.000 - 110.000 đồng/kg. Hiện tổng đàn dê trong chuồng của gia đình anh Cơ còn gần 30 con.
Anh Cơ cho biết: “Qua kinh nghiệm chăn của gia đình tôi và người dân vùng Lìa thì nuôi dê ít bị rủi ro hơn so với các loại vật nuôi khác. Dê ở đây rất ít khi bị bệnh, chuồng nuôi cũng đơn giản. Tôi chọn phương thức nuôi nhốt trong chuồng để dễ quản lý và chăm sóc, chất lượng đàn cũng tốt hơn. Thức ăn của dê rất dễ tìm, chủ yếu là cỏ, lá cây và các phụ phẩm nông nghiệp có sẵn ở địa phương nên gia đình tôi không phải tốn nhiều chi phí đầu tư thức ăn. Hiện nay, giá dê thịt khá cao, nhiều thương lái đến tận nhà để thu mua nên người chăn nuôi yên tâm”.
Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Cơ ngoài dê còn có bò, lợn. Để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi anh Cơ đã đầu tư máy xay xát lúa gạo, vừa phục vụ nhu cầu xay xát lương thực của người dân trong xã, vừa tận dụng phụ phẩm tấm, cám phục vụ chăn nuôi. Bên cạnh đó, anh Cơ còn mở cửa hàng tạp hóa phục vụ người dân địa phương. Nhờ siêng năng, chăm chỉ, kinh tế gia đình anh Cơ ngày càng phát triển, với tổng thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Không chỉ chịu khó làm ăn, anh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho người dân trong bản.
Trên cương vị là trưởng thôn, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, anh Cơ hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình và địa phương; vận động người dân từ bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, đồng thời không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, các chương trình, dự án mà nỗ lực nhiều hơn trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, hăng hái tham gia các phong trào thi đua xây dựng đời sống mới.
Nói về mô hình phát triển kinh tế của anh Cơ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Lộc Hồ Văn Bảy cho hay: “Anh Hồ A Cơ là một nông dân rất chịu khó tìm hiểu cách thức làm ăn mới, phù hợp, hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, mô hình chăn nuôi dê bản địa nhốt chuồng của anh bước đầu mang lại hiệu quả khá. Anh tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và vận động người dân trong thôn cùng nỗ lực đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Mô hình nuôi dê nhốt chuồng của anh Cơ được Hội Nông dân xã chọn là một trong số mô hình điểm để vận động nông dân địa phương học tập, làm theo”.