Sương đã tan phía núi

Trung úy Lan nhìn ra ngoài ô cửa. Sương dày đặc, phả hơi lạnh khắp nơi. Cây mai anh đào góc sân trụi trơ cành lá. Ở cái làng Vực Linh này, để ngăn cái lạnh, đàn ông rủ nhau vào núi chặt lá đùng đình về che chắn chuồng dê, chuồng bò.Những người đàn bà thì cứ lặng thầm lúi húi đi ra đằng trước rồi vòng ra sau, làm những việc vặt vãnh, không lúc nào ngơi tay. Bóng họ lúc nào cũng chìm trong sương.

1. Vực Linh là tên làng cũng là tên được ghi trong bản đồ của dãy núi hình cánh cung bao lấy làng. Trong đấy đỉnh núi Chúa cao nhất, đứng uy nghiêm, bốn mùa sương phủ. Nơi đây, từ lâu đã tồn tại một mỏ vàng, dân tứ xứ mang khát vọng giàu sang lũ lượt kéo về đây khiến trật tự, an ninh lúc cao điểm phải nhờ cơ quan chức năng vào cuộc. Người dân quanh vùng lo lắng, bất an khi cuộc sống bị đảo lộn. Trẻ em lớn lên không chịu học hành, cứ bỏ nhà vào núi, ngâm mình dưới dòng nước đục, không kể nắng mưa.

Có người đào trúng một thỏi vàng có trọng lượng lớn. Tậu nhà lầu, mua xe hơi, một bước thành đại gia... Người ta truyền tai dù thực hư chưa rõ, vậy mà đa số người tin. Để rồi hì hục năm này qua tháng khác. Đào xới, múc ủi. Ngọn núi Chúa bị bức tử. Chân núi khoét sâu, đất đá ngổn ngang. Cỏ cây không mọc nổi. Từ dưới làng nhìn lên thấy một vùng nham nhở nắng và xao xác gió.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

2. Trung úy Lan đưa Nhàn đến đoạn dốc cũng là lúc trời vừa sáng. Tiếng gà nối nhau rộ lên rồi đồng loạt đập cánh loạn xạ. Bóng đêm còn rơi rớt, ngự trị ở bức tường đá đẫm lạnh màn sương. Chị cảm thấy mệt. Còn Nhàn thì sựng lại khi đứng trước cổng nhà mình. Hai tay cô bé bíu chặt thanh gỗ vắt ngang, chằng buộc bằng sợi dây thừng giữ cho cánh cổng khỏi đổ. Cứ thế, Nhàn khóc. Vì mừng, vì uất ức, vì tủi thân thì phải.

Trung úy Lan lúng túng, lặng im, chẳng biết nói gì.

Từ trong sân, con chó phóc ra, vừa mừng rỡ vừa kêu ăng ẳng khi nhận ra người quen. Nhàn nín khóc. Mẹ Nhàn đã dậy tự bao giờ, ngồi bên bếp lửa. Qua khe ván, Lan trông rõ ngọn lửa liếm quanh chiếc nồi to. Dáng người mẹ nhỏ thó, kham khổ, mặt cúi nghiêng xuống, đôi tay đưa qua đưa lại trước cửa bếp.

Chị thấy lòng mình trỗi dậy một niềm thương cảm. Đời người đàn bà ở miền núi thường chịu nhiều thiệt thòi bởi tập tục, bởi nghèo khổ, bởi đủ thứ ràng buộc khác. Nhàn từng kể với chị, nhiều lần thấy mẹ ngồi sau nhà khóc, hỏi gì mẹ cũng chỉ lắc đầu. Đêm, lén vô nằm với mẹ, Nhàn chỉ biết ôm tấm thân gầy còm thật chặt, hít hà mùi mồ hôi còn vương trên tóc, trên lưng áo mẹ. Mẹ vuốt tóc Nhàn, thủ thỉ. Nước mắt hai mẹ con trộn vào nhau, mặn chát.

- Mẹ...! Chỉ bấy nhiêu thôi, Nhàn đã nghẹn ngào, ràn rụa nước mắt. Người mẹ ngạc nhiên, đỡ lấy con gái, dìu vào nhà. Có chút hơi ấm từ bếp lửa và từ mẹ lan tỏa khiến Nhàn run rẩy, đón nhận. Cảm giác bình yên trở về. Nhàn cố dụi sâu vào lòng mẹ, thổn thức. Đợi qua cơn xúc động, Nhàn nói với mẹ điều gì đấy rồi ngước nhìn Trung úy Lan.

3. Trung úy Lan nhìn ra ngoài ô cửa. Sương dày đặc, phả hơi lạnh khắp nơi. Cây mai anh đào góc sân trụi trơ cành lá. Ở cái làng Vực Linh này, để ngăn cái lạnh, đàn ông rủ nhau vào núi chặt lá đùng đình về che chắn chuồng dê, chuồng bò.Những người đàn bà thì cứ lặng thầm lúi húi đi ra đằng trước rồi vòng ra sau, làm những việc vặt vãnh, không lúc nào ngơi tay. Bóng họ lúc nào cũng chìm trong sương.

Trung úy Lan bật máy tính. Tài liệu về làng Vực Linh, về mỏ vàng được chị đọc đi đọc lại nhiều lần. Mấy năm gần đây việc đãi cát tìm vàng có vẻ tạm lắng, nhiều lán trại bỏ hoang, bọn cai và phu vàng các tỉnh ngoài đã giải tán. Chỉ lác đác vài người dân địa phương ban đêm lén vào núi, rọi đèn pin mong vận may đến với mình. Nhiều người bất cẩn nên sa hố, sập hầm chết oan ức. Cơ quan chức năng giăng dây, cắm biển cấm. Đơn vị cũng phân công chiến sĩ túc trực ngày đêm.

Vực Linh và các làng ven biên giới còn là điểm nóng của mại dâm và buôn người. Nếu lúc trước, nhiều phụ nữ bị lừa vào núi phục vụ cho cai thầu xa vợ lâu ngày thì việc tìm "đào" cho các trung tâm môi giới đưa người qua bên biên giới hay các quán karaoke trá hình lại càng nhức nhối.

Trung úy Lan kéo cao cổ áo, bước ra ngoài. Con chó mực chạy lăng xăng đằng trước. Từ ngày về đây công tác, cô trông nó già lắm rồi, chốc chốc sủa váng lên khi thấy bóng người đi ngang cổng. Cảnh vật xung quanh gợi buồn, nhưng có lẽ cô dần quen, nên đã thấy bình thường. Hàng ngày, Lan đến cơ quan làm việc, tối về căn phòng nhỏ trong khu tập thể. Cuộc sống xa nhà được an ủi phần nào nhờ tình yêu, sự đoàn kết của đồng nghiệp, hơn hết chính công việc mà Lan theo đuổi đã tiếp thêm cho cô nhiều năng lượng. Lan bồi hồi nhớ lại cái ngày định mệnh cách nay hơn một năm xảy ra với Nhàn, làm dân làng mất ăn mất ngủ.

Hôm ấy là mùa sương, đang độ lập đông. Cái làng nhỏ như tổ chim câu, nằm vắt vẻo bên sườn núi, sương mù bao phủ. Những lối đi đầy sỏi và cây gai dẫn qua suối, xuống ruộng sương giăng mờ mịt và tê lạnh. Nhàn chạy tìm bầy dê, lùa về chuồng. Những con dê nghịch ngợm chạy nhảy lung tung, có con còn trèo lên mấy tảng đá cheo leo, kêu be be như trêu tức Nhàn. Cố lắm Nhàn mới áp chúng nối nhau, lần theo đường mòn về được. Trời cũng vừa sẩm tối. Khí lạnh mơn man da thịt. Những bóng người đi nương, đi rẫy lầm lũi trong sương. Họ thở ra hơi lạnh.

Nhà Nhàn ở đầu làng, cách con đường dẫn ra thị trấn một con suối rộng, quanh năm nước cuồn cuộn chảy. Đứng trên bờ nhìn xuống, con suối sâu thẳm, lô nhô đá, nguy hiểm vô cùng. Cách đây vài năm, Công an tỉnh tài trợ chung tay cùng chính quyền huyện xây một cây cầu, thuận tiện việc qua lại. Chứ ngày trước, mùa mưa, làng Vực Linh dường như bị cô lập, người dân chỉ biết rau cháo qua ngày.

Nhàn chốt xong gióng chuồng cuối cùng, quay ra, đúng lúc người đàn bà xa lạ thản nhiên bước vào, bắt chuyện. Lúc này, cha mẹ Nhàn vẫn còn trên rẫy. Nhàn vừa ngạc nhiên vừa sợ, nhưng cố trấn tĩnh. Người đàn bà xán lại gần Nhàn, nhìn trực diện và khen Nhàn đẹp rồi cười xởi lởi. Nhàn thấy lạ quá, bắt đầu run sợ. Người đàn bà thân thiện, bảo là người thị trấn, đi thăm bà con gần đây, trông thấy Nhàn xinh đẹp, muốn làm quen.

- Em muốn đổi đời không? Ra thành phố ở với chị?

Nói rồi, người đàn bà lục túi xách lấy ra chiếc vòng tay bằng cẩm thạch rồi khen lấy khen để:

- Ôi tay của em hợp quá chừng... Xem nào, đẹp hẳn ra...

Nhàn sợ hãi, rụt tay lại. Người đàn bà cứ rót vào tai Nhàn những lời ngọt ngào, khó cưỡng. Một mùi hương thơm nhẹ váng vất khiến Nhàn mụ mị, chìm vào vô thức...

Cả làng Vực Linh nhốn nháo cả lên khi tin đứa con gái mới lớn, ngoan ngoãn, suốt ngày ở với cha mẹ, chỉ biết lên rẫy, xuống ruộng, đột nhiên đi đâu mấy ngày chưa về. Người ta đổ xô đi tìm. Người ta ra sông, lên rừng, xuống chợ. Các chiến sĩ Công an cũng xuống nhà thăm hỏi, chia nhau các hướng để điều tra. Người cha già là thương binh, từng phục vụ ở chiến trường K, ngày thường hiền lành, chỉ biết ruộng rẫy, nay bỗng trở nên gắt gỏng, dữ tợn. Dù một chân bị cụt, di chuyển khó khăn nhưng ông vẫn băng qua mấy quả đồi, vượt nhiều con dốc để gặp thầy cúng, gieo quẻ tìm con. Người mẹ thì buồn bã, cứ hờ khóc, mỗi chiều ra đỉnh dốc dõi theo con đường chìm trong sương cóng lạnh.

Người ta làm đủ mọi cách nhưng Nhàn vẫn bặt vô âm tín. Mùa đốt nương, làm rẫy cận kề. Chuyện Nhàn mất tích dần tạm lắng, cuộc sống dân làng trở lại như bao mùa sương khác, như bao mùa rẫy khác. Chỉ có cha mẹ Nhàn là buồn bã. Người cha già bắt đầu chìm vào rượu, khi say cặp mắt vằn lên, hằn học. Mẹ Nhàn thì bỏ cả việc chăn nuôi, trồng tỉa, xuôi ngược khắp nơi, có khi rảo chân ra tuốt chợ huyện hóng tin con gái.

4. Đêm ở miền núi yên tĩnh lạ, lắng tai có thể nghe được tiếng thác phía đại ngàn, có thể cảm nhận được sự trở mình của đá, đường đi của ngọn gió sắc như dao, cả sức nặng của giọt sương khuya ngoài bãi vắng. Tiếng chim khuya từng hồi, tiếng côn trùng hoang sơ... Trung úy Lan khép cửa sổ lại, tự nhiên chị cảm thấy lạnh. Ngồi bó gối nhìn ra khoảng đêm bao la, chị nghe tâm tư mình xáo động, bồi hồi nhớ lại...

Trung úy Lan về công tác ở huyện miền núi này gần ba năm, đến nay chị nắm tình hình tương đối rõ.Nhớ lại ngày đầu, người con gái tuổi ngoài đôi mươi từ dưới xuôi lên, trông cái gì cũng lạ lẫm. Thời gian trôi qua, chính sự thân thiết, gần gũi trong tình quân dân đã giúp dân làng xem những chiến sĩ Công an là con cháu và những quân nhân trẻ trung, yêu đời ấy xem cái làng nhỏ xa hút này là chốn đi về, để thăm hỏi, yêu thương. Nhiều lần Trung úy Lan được thủ trưởng đơn vị phân công xuống từng xã, từng làng nói chuyện. Trong những lần như thế, điều Bác Hồ dạy Lực lượng Công an nhân dân luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, giúp chị và đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ An ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, những gia đình thuộc diện chính sách như thương binh, liệt sĩ hay người già neo đơn được đơn vị quan tâm, giúp đỡ.

Phải phối hợp với Công an các xã, huyện lân cận, nhất là các thị trấn vùng biên thôi. Trung úy Lan đã nhiều đêm suy nghĩ. Và sau khi nắm được tình hình, chị bàn với cấp trên cho mình tham gia phá án. Thủ trưởng đơn vị nhìn Lan ngạc nhiên. Bởi chị thuộc diện trẻ nhất, lại công tác ở địa bàn khó khăn này chưa lâu. Nhưng cô đã quyết tâm nên đã thuyết phục được.

5. Lan đứng ở nơi chị từng đến, đã hơn mười năm. Một ngôi làng xa xôi, dân cư thưa thớt. Cách đây chừng hai năm, trận lũ quét tràn qua khiến toàn bộ nhà cửa, tài sản, lợn gà trôi theo dòng nước. Cũng may được báo động sớm, người dân chạy lên núi kịp thời. Ngỡ rằng họ sẽ rời xa chốn cũ, tìm vùng đất mới ít rủi ro do thời tiết gây nên nhưng nhờ các cấp chính quyền, người dân khắp nơi hỗ trợ, tinh thần họ được vực dậy. Những nếp nhà vững chãi được dựng lên. Cuộc sống lại sinh sôi từ chính nơi cái chết từng đi qua.

Trung úy Lan gặp lại nhiều người quen cũ. Họ vui vẻ kể cho chị nghe về cuộc sống mới, những chính sách ưu đãi cho người dân vùng núi. Họ tiếp nhận và thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất và nuôi trồng. Chuyện lẻn lên rừng chặt cây gỗ quý hay vào núi Chúa đào vàng đã không còn tái diễn.

Lan khẽ mỉm cười, ánh mắt ngời lên niềm vui. Nhưng rồi chị bỗng trầm lặng, ưu tư khi đến bên gốc cây gạo đang mùa trút lá. Kỉ niệm xưa ùa về. Vẫn còn đây bóng dáng người bố thân yêu. Bên cây gạo mới cao hơn đầu người, bố đã nói về công việc của một chiến sĩ an ninh. Đứa trẻ vừa học xong cấp hai, được nghỉ hè theo mẹ lên thăm bố công tác ở vùng này. Mười lăm tuổi, Lan ngưỡng mộ và có niềm tin vào lực lượng Công an, mà bố là một tấm gương sáng. Bố hay nói cho con gái nghe về nhiệm vụ trấn áp tội phạm để bảo vệ sự bình yên cho đất nước, về lý tưởng tốt đẹp được xây dựng trên nền tảng của khát vọng dâng hiến.

Có lần, khi về phép, lúc này Lan đang học cấp ba, bố tâm sự với Lan về tình hình bảo vệ Tổ quốc và an ninh Quốc phòng thời nay có nhiều thuận lợi, song cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, cả ở trong nước và quan hệ quốc tế. Lan ngồi nghe như nuốt từng lời và hiểu được nhiều điều bổ ích, nhất là việc đấu tranh ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các loại đối tượng hình sự, nhất là tội phạm nguy hiểm, có tổ chức. Để rồi không biết tự khi nào, ước mơ trở thành chiến sĩ Công an cứ lớn dần. Tốt nghiệp phổ thông trung học, Lan nộp đơn vào Trường Cảnh sát nhân dân. Lúc này, bố cũng vừa nhận quyết định nghỉ hưu, sau một thời gian dài nằm viện vì bị thương trong lúc truy đuổi bọn tội phạm có vũ khí.

6. Trung úy Lan mở toang cửa sổ vì tự nhiên thấy ngột ngạt vô cùng. Cô nhìn xuống con đường uốn lượn, chạy dài tít tắp. Đã đến mùa sương. Sương len mờ cửa kính, buông xuống trắng xóa cả không gian trước mắt và phủ đầy lên cây cối trong vườn. Chị thấy có chút gì đấy rất thân thuộc đến ngỡ ngàng. Những người đàn bà từ sáng sớm đã lầm lũi trong sương. Họ đi ra đồng, lên rẫy hay xuống chợ. Họ đi một mình lặng thầm như chiếc bóng. Họ đi từng tốp thì cũng kiệm lời. Cứ thế từng bước chân xa dần.

Lan đã phối hợp với đồng đội giải cứu được Nhàn. Chị nhìn Nhàn trìu mến như nhìn một đứa em xa cách lâu ngày gặp lại. Nhàn im lặng, gương mặt đầy lo lắng. Lan xúc động khi nhìn vào đôi mắt của Nhàn. Có lẽ hơn một năm qua, Nhàn đau khổ bởi thân xác bị giày vò, bởi tinh thần bị hoảng loạn. Nhàn không biết tâm sự cùng ai, chỉ biết cắn răng chịu đựng và tự độc thoại trong yên lặng, tự nén nỗi đau vào cõi lòng đang trầy xước.

Lan thấy thương Nhàn quá đỗi. Chị chồm tới ôm vai Nhàn, thủ thỉ, động viên, nghe tâm hồn nồng nàn ấm áp từ những mùa sương bồng bềnh trôi về trong một buổi mai đầy nắng.

Bất chợt, Trung úy Lan mỉm cười. Nhìn về phía đỉnh núi Chúa, sương đã dần tan.

Truyện ngắn của Sơn Trần

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/suong-da-tan-phia-nui-i750352/