Chuyển đổi năng lượng: Ai dẫn dắt, ai hưởng lợi?
Thảo luận về giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả, nhiều diễn giả đặt câu hỏi 'Ai dẫn dắt, ai hưởng lợi trong quá trình này?'.
Quốc tế đánh giá cao quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam
Trong khuôn khổ Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư năm 2025 với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, sáng 17/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã chủ trì Phiên thảo luận về các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững.
Tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện thực hóa cam kết này, Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng đã, đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển của quốc gia, đồng thời đáp ứng bối cảnh, yêu cầu, xu thế chung của toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chia sẻ 3 định hướng quan trọng và những bài học thực tiễn từ hành trình chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, từ thực tiễn hành trình chuyển đổi năng lượng, Việt Nam đã xác định 3 định hướng, đó cũng là những bài học của Việt Nam trong quá trình này, cụ thể là: Đổi mới sáng tạo; hợp tác công tư và hợp tác quốc tế; lấy con người làm trung tâm.
Thứ trưởng cho rằng, nếu đổi mới sáng tạo được coi là chìa khóa mở cánh cửa và vượt qua những thách thức trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững; thì hợp tác công - tư chính là cầu nối để hai bên cùng chia sẻ nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và mở rộng quy mô triển khai các giải pháp năng lượng bền vững.
Đặc biệt, trong hành trình chuyển đổi năng lượng thì con người là yếu tố trung tâm, then chốt. Chuyển đổi năng lượng bền vững không chỉ là một cuộc cách mạng về công nghệ, mà còn là một cơ hội để cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt là những cộng đồng nghèo, yếu thế.

Ông Leonardo A.A Teguh Sambodo - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia thông tin về quá trình chuyển đổi năng lượng của nước này
Đồng tình và đánh giá cao những định hướng của Việt Nam trong hành trình chuyển đổi năng lượng, ông Leonardo A.A Teguh Sambodo - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia cho biết, hiện nay Indonesia đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng. Indonesia cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc làm xanh, giao thông xanh, ứng dụng công nghệ vào những lĩnh vực mới, những lĩnh vực có nhu cầu năng lượng tái tạo lớn. Những việc này được thực hiện trên quy mô toàn quốc, có học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tập trung vào cải thiện quan hệ đối tác công - tư, thúc đẩy một tương lai bền vững về năng lượng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia nhấn mạnh, công nghệ là nền tảng để nước này thực hiện các mục tiêu nêu trên. “Chúng tôi đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào các dự án năng lượng điện, có nhiều dự án năng lượng điện công suất 30MW từ các nguồn thủy điện, gió, điện mặt trời… Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ giảm bớt 90% lượng khí thải” - Thứ trưởng Leonardo A.A Teguh Sambodo thông tin và nhấn mạnh, làm được điều đó cần chính sách đủ mạnh từ Chính phủ, từ các đối tác, và sự tham gia của toàn bộ các chủ thể liên quan. Nguồn lực của Chính phủ thôi là chưa đủ.
Do vậy, để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi năng lượng của nước này, Chính phủ Indonesia xác định hợp tác công tư và hợp tác quốc tế là nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Indonesia đang nỗ lực hợp tác trong việc đa dạng hóa năng lượng, bao gồm phát triển hệ sinh thái xe điện (EV) và triển khai quan hệ Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP)…
“Indonesia quyết tâm, cam kết thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, giúp nền kinh tế tự cường hơn” - Thứ trưởng Indonesia thông tin.

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký điều hành Ủy ban ESCAP Armida Salsiah Alisjahbana đánh giá cao quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam theo hướng xanh, bền vững
Đáng chú ý, bà Armida Salsiah Alisjahbana - Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký Điều hành Ủy ban Kinh tế và Xã hội Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) cũng đánh giá cao quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam trong thời gian qua.
Bà Armida Salsiah Alisjahbana cho rằng, phát thải từ ngành năng lượng tương đối lớn, bởi nhiều quốc gia vẫn đang sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, trong khi đó, năng lượng tái tạo thì khó tiếp cận, cả về vốn, nguồn lực.
Hiện nay, các nước thành viên trong P4G đã đầu tư lớn để phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ. Việt Nam đã đẩy mạnh, mở rộng quy mô phát triển năng lượng tái tạo, trong đó xác định quy mô các nguồn năng lượng điện gió, mặt trời… chiếm khoảng 25% trong tổng công suất nguồn điện. Đây sẽ là những giải pháp giúp Việt Nam tiến nhanh tới mục tiêu cam kết tại COP26.
“Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và những định hướng của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh và bền vững” - bà Armida Salsiah Alisjahbana thông tin.
Ai dẫn dắt, ai hưởng lợi trong chuyển đổi năng lượng?
Đáng chú ý, trong phiên thảo luận về các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững, nhiều đại biểu quốc tế đã đặt câu hỏi “liệu chúng ta có chuyển đổi được năng lượng hay không? Ai sẽ là người dẫn dắt, ai sẽ được hưởng lợi trong quá trình này?”.
Đề cập đến vấn đề này, trong bài phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, Chính phủ đóng vai trò định hướng chính sách, tạo hành lang pháp lý và thiết lập các mục tiêu quốc gia rõ ràng.
Chuyển đổi năng lượng không chỉ phục vụ cho các đô thị lớn mà còn tới được các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Các dự án năng lượng tái tạo, các dự án lưới điện và điện nông thôn đã giúp hàng trăm ngàn hộ dân cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc sử dụng năng lượng mặt trời tại các trường học, trạm y tế vùng khó khăn giúp cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của năng lượng sạch.
Như vậy, chuyển đổi năng lượng xanh và bền vững không chỉ là một mục tiêu mà còn là cơ hội để các quốc gia (trong đó có Việt Nam) định hình tương lai phát triển bền vững.

Nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp đều thống nhất cao về quyết tâm của các quốc gia, trong đó có Việt Nam với hành trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả, nhất là về chính sách, thể chế...
Tương tự, bà Armida Salsiah Alisjahbana cho rằng, Chính phủ các quốc gia đóng vai trò dẫn dắt, định hướng chính sách. Bởi, chuyển đổi năng lượng không chỉ thay đổi riêng nguồn năng lượng mà còn bao gồm nhiều khía cạnh như về tài chính, công nghệ, đầu tư, nguồn vốn… Doanh nghiệp, các tổ chức không thể làm được nếu không có chính sách, định hướng từ Chính phủ.
Công nghệ giúp chúng ta hướng tới môi trường xanh, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng đến tài chính xanh, giảm thiểu rủi cho cho ngành đầu tư. Quá trình chuyển đổi năng lượng cũng góp phần giải quyết cung cầu, giảm cầu đối với nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp, các quốc gia tiếp cận được những nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, giá rẻ, từ đó cải thiện cuộc sống người dân thông qua việc cải thiện môi trường.
Ngày 17/4, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 đã diễn ra các phiên Đối thoại, thảo luận như: Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với doanh nghiệp về Hợp tác công tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững; phiên thảo luận Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu; phiên thảo luận Bắt nhịp cách mạng xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực cho kỷ nguyên bền vững; phiên thảo luận Công nghệ tạo đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh; Phiên thảo luận Đầu tư vào con người - Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai.
Chiều cùng ngày, sẽ diễn ra lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh P4G. Dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu bế mạc.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-doi-nang-luong-ai-dan-dat-ai-huong-loi-383513.html