Chuyển đổi nghề giã cào: Khó cũng phải thực hiện
Chuyển đổi nghề cho ngư dân từ các nghề đánh bắt tận diệt (nghề giã cào) sang các ngành nghề khác nhằm bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản là việc làm cấp bách của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi vẫn gặp nhiều khó khăn, nên số lượng tàu đánh bắt tận diệt của tỉnh vẫn còn số lượng lớn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến nay toàn tỉnh có 1.414 tàu hành nghề lưới kéo hay nghề giã cào, giảm 240 chiếc so với năm 2018.
Nghề giã cào là nghề phá hủy môi trường, sinh vật tầng đáy, làm mất cân bằng hệ sinh thái biển, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, gây hại đến những loài thủy sản cần được bảo vệ như: rạng san hô, rùa biển, vích, đồi mồi, bò biển…
Theo Nghị định số 33/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản, không cho phép tàu công suất 90CV trở lên hành nghề giã cào hoạt động tại tuyến bờ và tuyến lộng. Tuy nhiên, nhiều tàu hành nghề giã cào bay sử dụng máy công suất lớn từ 150-800 CV và thường hoạt động ở vùng biển có độ sâu 30 m trở vào bờ. Do đó, các tàu giã cào đã vi phạm quy định về tuyến khai thác và vi phạm về đánh bắt hải sản non, hủy hoại nguồn lợi hải sản.
Trước tình hình sai phạm của tàu giã cào bay, những năm qua, các ngành chức năng trên địa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý hoạt động nghề giã cào trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu như: cấm nghề giã cào bay hoạt động khai thác thủy sản trong mùa sinh trưởng của các loài hải sản; cấm đóng mới phát triển tàu cá làm nghề giã cào bay; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân…. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nghề của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù nhà nước đã có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nhưng ngư dân rất khó tiếp cận.
Ông Nguyễn Văn Chung, ngụ tại khu phố Hải Tân, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ đã thực hiện việc chuyển đổi từ nghề lưới kéo sang nghề lưới đổng vào năm 2020. Ông Chung cho biết, đầu năm 2020, tàu ông bị lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện vi phạm ngành nghề đánh bắt. Sau khi được địa phương và ngành nông nghiệp tuyên truyền, vận động, ông quyết định vay mượn 1,5 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa tàu, chuyển đổi ngư cụ, máy kéo cho 2 tàu công suất 380 CV và 400 CV.
Cũng theo ông Chung, ngư trường ngày càng cạn kiệt, việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn nên ngư dân đã nhận thức được đâu là những nghề đánh bắt ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản bền vững nhưng không phải ai cũng có điều kiện để chuyển đổi nghề.
“Khó khăn lớn nhất của ngư dân là thiếu vốn để có thể chuyển đổi nghề, vì hiện nay để chuyển đổi từ nghề giã cào sang các nghề đánh bắt khác đòi hỏi vốn rất lớn phải thay mới hoàn toàn, dù Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân phát triển nhưng có rất ít ngư dân tiếp cận được”, ông Chung chia sẻ thêm.
Ngư dân Trần Văn Dư, trú tại phường 5, thành phố Vũng Tàu cũng đã có nhiều năm hành nghề lưới giã cào bày tỏ sự nhất trí chủ trương chuyển đổi dần nghề lưới giã cào sang các nghề lưới khác. Tuy nhiên, để chuyển đổi tập quán đánh bắt của ngư dân rất khó, cần có thời gian để tìm hiểu, làm quen với nghề mới. “Thời điểm này, tìm được tài công biết nhìn được luồng cá nổi, chọn con nước, điểm đánh cá cũng "đỏ mắt". Bạn ghe đi lưới rê thì phải biết vá lưới, xông lưới, cột triêng… Hàng loạt cái khó đang bủa vây”, ông Dư phân tích.
Theo tìm hiểu của phóng viên, số chuyển đổi từ nghề giã cào sang nghề lưới khác còn rất hạn chế, các tàu chuyển đổi đều hoạt động cầm chừng, không mấy hiệu quả. Một số tàu còn lại chủ yếu chuyển đổi trên giấy phép, thực tế chưa chuyển đổi do kinh phí chuyển đổi quá cao, nhưng chưa có chính sách cũng như mô hình nào phù hợp để vận động chủ tàu cá chuyển đổi.
Trước vấn đề này, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã có quy hoạch phát triển nghề khai thác thủy hải sản theo hướng giảm dần những nghề xâm hại đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, duy trì, phát triển nghề có tính thân thiện với môi trường như lưới vây khơi, rê khơi, nghề câu khơi kết hợp chụp mực… “Việc chuyển đổi nghề mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững tỉnh vẫn phải kiên quyết thực hiện”, ông Cường nhấn mạnh.
Để quản lý chặt chẽ hoạt động của nghề giã cào bay, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân để bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tiếp tục vận động ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp từ giã cào sang ngành nghề khai thác thủy sản khác; tăng cường phối hợp với lực lượng biên phòng, cảnh sát biển… tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất lớn để vươn ra khai thác tại các ngư trường xa bờ; tìm kiếm các nguồn lực khác hỗ trợ cộng đồng trong đào tạo nghề, hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề.
Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã thực hiện lấy ý kiến góp ý lần 5, đang hoàn thiện Đề án Chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên biển để trình UBND phê duyệt Đề án theo quy định. Theo đó, để đạt hiệu quả cao trong chương trình chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt ven bờ, tỉnh cần có lộ trình thời gian với sự hỗ trợ của các ban, ngành chức năng trong việc tạo nguồn vốn để ngư dân khai thác thủy sản gần bờ có điều kiện, động lực chuyển đổi nghề.
Song song đó, để phát triển ngành đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững, tỉnh tiếp tục tăng cường thực hiện nhiều giải pháp quản lý nhằm chuyển đổi sang các nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Mặt khác, mỗi ngư dân cũng cần nâng cao nhận thức, nêu cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về khai thác thủy, hải sản. Từ đó góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản hướng đến việc khai thác lâu dài, bền vững.