Chuyển đổi quản lý hướng tới sản xuất xanh
Ngày 18/1, tại Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng Công ty Becamex IDC tổ chức Hội thảo Net Zero – Chủ đề: 'Hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ tiến tới Net Zero, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải cho công nghiệp bền vững'.
Nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác Hoa Kỳ - Việt Nam và ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp để đạt kết quả sử dụng tốt hơn, giảm phát thải carbon, khí nhà kính, nâng cao năng suất, tăng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, ngày 18/1, tại Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng Công ty Becamex IDC tổ chức Hội thảo Net Zero - Chủ đề: "Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ tiến tới Net Zero, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải cho công nghiệp bền vững".
Tham dự hội thảo có bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh, đại diện các cơ tham tán Thương mại Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh và đại diện nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ chuyên về lĩnh vực khoa học - công nghệ, tiết kiệm năng lượng; Lãnh tỉnh Bình Dương cùng các sở, ban, ngành và hơn 200 doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp cho rằng việc chuyển đổi số hóa và Net Zero là hai xu hướng của toàn cầu. Cùng với đó, người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm ngày càng thân thiện, sản phẩm xanh bền vững. Do đó, hội thảo mở ra hoạch định chiến lược để doanh nghiệp thấy rõ các xu hướng nhằm chuyển đổi quản lý, đưa các giải pháp vào điều hành nhằm hướng tới sản xuất xanh.
Cụ thể, trước mắt tại Bình Dương đang định hướng thành lập các khu công nghiệp khoa học – công nghệ phục vụ các lĩnh vực AI ( trí tuệ nhân tạo) và sản phẩm bán dẫn… Đồng thời, chuyển dần các khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp xanh, hình thành hệ sinh thái kiểu mới ứng dụng quản lý thông minh vào mục tiêu chung trong điều hành. Chẳng hạn như các khu công nghiệp hiện nay đang tích hợp quản lý xả thải đều đưa về trung tâm điều hành thông minh và có thể điều khiển từ xa các hệ thống thu gom, xử lý nguồn xả thải…
Đây là một trong những giải pháp được khuyến khích ứng dụng thực tiễn; đồng thời áp dụng cho những khu công nghiệp thế hệ mới, hình thành vành đai xanh ngay từ đầu trong quá trình xây dựng và phát triển. Điển hình như Khu công nghiệp thế hệ mới Việt Nam –Singapore 3 đã thu hút nhiều dự án sản xuất xanh; trong đó, nổi bật dự án của Tập đoàn LEGO có vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD được áp dụng sản xuất xanh hoàn toàn; sử dụng điện năng lượng tái tạo.
Ông Alexander Christopher Falter, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ECCO Việt Nam, cho biết, công ty có 100% vốn Đan Mạch, chuyên ngành sản xuất giày, túi da… xuất khẩu tới các nước trên thế giới, hiện công ty đang có chủ trương chuyển đổi sản xuất xanh. Theo đó, trước mắt doanh nghiệp sử dụng điện năng lượng mặt trời tại nhà máy, tiếp đến là tái sử dụng nước mưa và trang bị trạm sạc điện cho một số phương tiện dùng điện. Ngoài ra, công ty còn có kế hoạch chuyển đổi máy móc sang tự động hóa, giảm nhân công, giảm rác thải ra môi trường... Tuy nhiên, hiện công ty đang nỗ lực tìm nguồn trích trữ nguồn điện áp mái để giữ vững ổn định sản xuất.
Tổng Giám đốc ECCO Việt Nam đánh giá nền kinh tế của Bình Dương và cả nước nói chung năm 2024 vẫn giữ vững phát triển và để kỳ vọng đột phá là chưa thể do bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều thách thức và rủi ro.
"Tuy nhiên, tôi nhận thấy Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng có đội ngũ lao động trẻ, giàu tham vọng và ham học hỏi, đó là cơ hội để gia tăng sự phát triển; qua đó Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của thế giới và trong bối cảnh chuyển đổi sản xuất xanh cũng phù hợp với xu hướng và nhu cầu của doanh nghiệp quốc tế hiện nay. Đây là lợi thế cho Bình Dương ngày càng phát triển đi lên", ông Alexander Christopher Falter nhìn nhận.
Phát biểu tại hội thảo, bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh cho rằng biến đổi khí hậu đang là vấn đề thách thức toàn cầu; trong đó có Việt Nam. Việt Nam nổi lên là trung tâm sản xuất công nghiệp của khu vực. Không chỉ vậy, ngành logistics cũng phát triển mạnh, đang đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề môi trường. Do đó, với nhu cầu chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp phải thực hành sản xuất xanh; cùng với đó tham gia chuyển đổi năng lượng sạch để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Tổng lãnh sự Hoa Kỳ còn cho hay, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ quan tâm đến các lĩnh vực về khoa học- công nghệ để tham gia vào các giải pháp như việc sử dụng điện năng lượng áp mái là giải pháp tối ưu cho việc áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng sạch; qua đó góp phần quan trọng giảm khí phát thải, thúc đẩy mục tiêu tiến tới Net Zero.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, cho biết, với Việt Nam, mục tiêu đặt ra tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc (COP26) là đạt được Net Zero vào năm 2050. Và để thích nghi với những biến động, được tạo ra bởi các yếu tố địa chính trị và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra những biến số khó lường, Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới – Mô hình phát triển mới, bổ sung cho mô hình Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ. Theo đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh sinh thái, bền vững, phát triển lấy bền vững làm trong tâm, đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai, tham gia tích cực vào quá trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà chính phủ Việt Nam đã cam kết.
"Với vai trò là một trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam, Bình Dương cam kết sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình đưa phát thải ròng về bằng 0, với mong muốn góp sức xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung", ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.