Chuyển đổi số báo chí - Cơ hội và giải pháp

Ngày 16-7, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn ra Hội thảo báo Đảng các tỉnh trung du và niền núi phía Bắc lần thứ XXIII - năm 2024.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Cục Trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh dự hội thảo.

Tham dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh và đại diện 27 cơ quan báo Đảng khu vực Trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh lân cận.

Yêu cầu tất yếu

Phát biểu khai mạc, Giám đốc, Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thế Lãm cho rằng, trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, đặc biệt là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) cùng với khối lượng thông tin khổng lồ trên mạng Internet và thông tin đa chiều của mạng xã hội, có thể nhận thấy sự suy giảm của báo in và các loại hình báo chí truyền thống. Báo chí cần nhanh chóng trở thành một “nền tảng số” để phân tích dữ liệu chuẩn xác, đưa thông tin, tuyên truyền tới bạn đọc một cách nhanh chóng, hữu ích.

Quang cảnh hội thảo "Chuyển đổi số báo chí - Cơ hội và giải pháp". Ảnh: Hương Ly

Quang cảnh hội thảo "Chuyển đổi số báo chí - Cơ hội và giải pháp". Ảnh: Hương Ly

Ông Nguyễn Thế Lãm cũng cho rằng, chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số lĩnh vực báo chí nói riêng đã giúp các cơ quan báo chí phát triển ngày càng chuyên nghiệp, làm chủ công nghệ truyền thông hiện đại, sản xuất ra các tác phẩm chất lượng, góp phần đổi mới công tác tuyên truyền của Đảng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của công chúng.

Tuy nhiên, chuyển đổi số báo chí hiện nay vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như: Nhận thức; nguồn lực cho chuyển đổi số; vấn đề làm chủ về công nghệ; kỹ năng nghiệp vụ và khả năng áp dụng công nghệ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên trên môi trường số…

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan báo Đảng khu vực phía Bắc đã tham luận về việc thực hiện chuyển đổi số tại các địa phương, đơn vị.

Đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí đều khẳng định, cùng với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã được Chính phủ phê duyệt, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí cũng được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030: “100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động”.

Đại diện lãnh đạo các cơ quan báo Đảng khu vực phía Bắc tham dự hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Đại diện lãnh đạo các cơ quan báo Đảng khu vực phía Bắc tham dự hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra sôi động và là xu thế tất yếu trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tình hình chuyển đổi số trong hoạt động báo chí Việt Nam cũng đang diễn ra đầy tiềm năng và mang lại nhiều cơ hội mới cho ngành báo chí, truyền thông.

Nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí trung ương đã đi tiên phong và thành công trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là: Trí tuệ nhân tạo, Cloud, Big data... Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường thuận lợi cho báo chí phát triển theo các xu hướng: Cá nhân hóa nội dung; đa nền tảng; báo chí di động; báo chí xã hội; báo chí dữ liệu; báo chí sáng tạo; siêu tác phẩm báo chí…

Trong đó, diễn giả, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietNamPlus đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ quốc tế và Việt Nam khi ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo vào hoạt động của tòa soạn Thông tấn xã Việt Nam với 4 bài học: Thay đổi tư duy từ bài viết sang sản phẩm, chú trọng việc phát triển độc giả trẻ, đầu tư cho công nghệ là đầu tư cho tương lai, coi trọng các nền tảng mới bên cạnh nền tảng truyền thống.

Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietNamPlus Nguyễn Hoàng Nhật phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietNamPlus Nguyễn Hoàng Nhật phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Thông qua phần tham luận, các cơ quan báo đảng khu vực phía Bắc cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng vào sản xuất các sản phẩm báo chí; hiệu quả của việc thực hiện chuyển đổi số trong việc thu hút và tiếp cận nhanh với công chúng…

Đại diện các cơ quan báo Đảng khu vực phía Bắc cũng trao đổi những kinh nghiệm, kỹ năng, giải pháp trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong báo chí. Từ đó, xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng hiện đại, phục vụ tốt hơn cho bạn đọc, đáp ứng các yêu cầu đang đặt ra trong bối cảnh có khoảng 80% người dân Việt Nam sử dụng Internet; 70% có tài khoản mạng xã hội và trung bình mỗi ngày, người dân dành 6 giờ 18 phút để truy cập Internet.

Tận dụng công nghệ, phát huy những giá trị truyền thống

Phân tích những giải pháp để chuyển đổi số báo chí thành công, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc nhấn mạnh, chuyển đổi số báo chí là một quá trình thay đổi toàn diện của cá nhân và tổ chức, thay đổi về phương thức sản xuất dựa trên công nghệ, thay đổi tổng thể và toàn diện, nhưng khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số hiện nay chính là thói quen và nhận thức, vì vậy rất cần sự thay đổi và khẳng định vai trò quan trọng của người đứng đầu cơ quan báo chí.

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Cục trưởng Cục Báo chí cũng đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm hơn nữa đến độc giả và thay đổi phương thức quản lý, có chiến lược cụ thể hướng đến xã hội nhiều hơn với những thông tin chính thống, có tính định hướng, đấu tranh với các thông tin xấu, độc trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục có những giải pháp nhằm đem lại cơ chế tối ưu cho các cơ quan báo chí trong việc xây dựng cách tính định mức cho mỗi sản phẩm báo chí, cũng như tiếp thu các ý kiến tại hội thảo để có kiến nghị phù hợp.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã phân tích và làm rõ thêm những lợi ích của việc chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí, sự phổ biến của AI và việc ứng dụng AI trong sản xuất các sản phẩm báo chí.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cũng chỉ rõ những khía cạnh trái chiều khi ứng dụng AI vào sản xuất các sản phẩm báo chí; sự nguy hại của vấn nạn tin giả và tác hại khôn lường mà tin giả mang lại… đồng thời, lưu ý việc thúc đẩy ban hành những quy định pháp lý để quản lý việc sử dụng AI vào hoạt động báo chí. Cùng với đó, các cơ quan báo chí cần có định hướng để phát triển kinh tế báo chí song hành với công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Khẳng định giá trị và vai trò của báo in, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam báo Lê Quốc Minh cũng nhấn mạnh: “Báo in cần được nâng niu và đối xử như là những sản phẩm cao cấp, mang lại những thông tin giá trị với chiều sâu cùng sự hiểu biết mà chỉ có con người mới có thể mang lại”. Trong quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí, công nghệ số là ưu tiên hàng đầu nhưng báo in truyền thống vẫn là sản phẩm tốt nhất và được coi trọng. Tuy nhiên, để thu hút độc giả trong hàng tỷ kênh thông tin hiện nay, mỗi tờ báo phải có sự chuyển mình mạnh mẽ về cách thể hiện.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Dẫn ví dụ về việc thực hiện chuyển đổi số khi xây dựng chuyên trang về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; chuyên trang về OCOP trên Báo Nhân Dân và những đánh giá tích cực nhận được từ phía độc giả, Tổng Biên tập báo Nhân dân khẳng định, khi các cơ quan báo chí tạo ra được sản phẩm khác lạ và đặc biệt thì chắc chắn sẽ giữ chân được độc giả, nhất là khi sản phẩm báo chí này thực sự mới mẻ, hiện đại và độc đáo. Đây cũng chính là những nền tảng quan trọng để quá trình số hóa trong các cơ quan báo chí gặt hái được thành công trong thời gian tới.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chuyen-doi-so-bao-chi-co-hoi-va-giai-phap-672215.html