Chuyển đổi số báo chí: Vừa là nhu cầu cần thiết, vừa là đòi hỏi khách quan Thúc đẩy chuyển đổi số báo chí
Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với đó là làn sóng chuyển đổi số, đã hiện diện ở khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong xu thế đó, báo chí - truyền thông cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Báo Hànôịmới đã lược ghi ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này.
Tiến sĩ Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam:
Xu hướng tất yếu
Trên thế giới, chuyển đổi số báo chí đã trải qua 3 mốc thời gian. Đó là năm 1992, khi tờ báo điện tử đầu tiên ra đời, đánh dấu một thời kỳ mới của báo chí hiện đại, đồng thời cũng mang đến khó khăn lớn cho nhiều tòa soạn báo.
Năm 2016, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự tích hợp dữ liệu lớn big data, rồi điện toán đám mây đưa báo chí chuyển sang giai đoạn bùng nổ thông tin, bùng nổ dữ liệu với sự thay đổi về mô hình tòa soạn, tổ chức bộ máy, phương thức tác nghiệp...
Giai đoạn 3, năm 2018 xuất hiện trợ lý ảo và mới đây Chat GPT ra đời, đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào sử dụng rộng rãi tại các tòa soạn trên thế giới. AI hỗ trợ quá trình chuyển đổi số báo chí diễn ra nhanh hơn.
Hiện nay, có những tờ báo với lịch sử hàng trăm năm đã dừng xuất bản, nhiều thư viện vắng người đọc vì khách hàng chỉ đến để tìm những gì không có trên mạng. Chuyển đổi số báo chí, xuất bản đã trở thành một xu hướng tất yếu không thể thay đổi. Nếu trước đây, tòa soạn chỉ riêng từng loại hình báo in, báo hình..., thì ngày nay là mô hình tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện với đội ngũ phóng viên đa năng.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất của chuyển đổi số báo chí là nguồn nhân lực, điều này đòi hỏi một sự thay đổi ngay từ lĩnh vực đào tạo, nếu chỉ đào tạo hàn lâm thì sinh viên báo chí ra trường không thể tác nghiệp được. Ngoài ra, người đứng đầu các cơ quan báo chí giữ vai trò vô cùng quan trọng, bởi nếu không có chiến lược, tầm nhìn chuyển đổi số thì tòa soạn ấy khó tồn tại.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Vietnam Plus:
Hành vi của độc giả quyết định hướng đi của báo chí
Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa số hóa với chuyển đổi số. Theo Hiệp hội Báo chí thế giới WAN-IFRA, có 7 sự chuyển đổi lớn của truyền thông thế giới trong những năm qua, đó là chuyển đổi từ báo in sang báo điện tử; từ cách kể chuyện gồm ảnh text sang đa phương tiện; từ màn hình desktop sang mobile; từ tìm kiếm (search) sang mạng xã hội (social media); từ ti vi truyền thống sang streaming (video trực tuyến) hoặc VOD (video theo yêu cầu); từ quảng cáo truyền thống sang quảng cáo lập trình; từ người đọc ẩn danh (anonymous) sang người đọc có đăng ký định danh (Identify internet).
Những cuộc "di cư truyền thông" cho thấy rõ sự thay đổi lớn nhất trong chuyển đổi số báo chí nằm ở tư duy coi độc giả là trung tâm - độc giả ở đâu, báo chí đi tới đó. Nếu 10 năm trước có cuộc di cư từ báo giấy lên báo điện tử thì nay, xu hướng của độc giả là di cư lên các nền tảng số, và điều đó đòi hỏi các cơ quan báo chí phải thích ứng và cũng phải di chuyển lên các nền tảng số để giữ chân độc giả.
Hiện có một điều thuận lợi cho việc chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam là số người Việt sử dụng internet ngày càng lớn. Hành vi của độc giả quyết định hướng đi của các cơ quan báo chí. Thời lượng đọc báo trung bình của độc giả Việt đã giảm mạnh, thay vào đó là xem video, livestream, lướt mạng xã hội, like và share ảnh... Tuy nhiên, các kênh này rất ít nội dung tin tức và nhiệm vụ của báo chí là phải lấp đầy khoảng trống tin tức đó. Điều đó đòi hỏi các cơ quan báo chí phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Điều quan trọng là các cơ quan báo chí phải tạo dựng được mối quan hệ mới với độc giả, sử dụng dữ liệu để tối ưu hóa trải nghiệm cho độc giả, cũng như xây dựng nhóm độc giả trung thành.
Chúng ta không thể làm tốt nếu không biết độc giả của chúng ta là ai. Do đó, việc đầu tiên cần thực hiện là thu thập dữ liệu, Dữ liệu là trung tâm để tòa soạn phát triển trong thời đại chuyển đổi số. Dữ liệu giúp quảng cáo tốt hơn, giúp tăng lượng thuê bao, giúp tạo ra những sản phẩm mới đẹp hơn, tốt hơn, phù hợp hơn, giúp xây dựng những chiến lược nội dung trong tòa soạn, giúp cá nhân hóa và tự động hóa về mặt nội dung cho người đọc. Nếu có dữ liệu tốt thì sẽ quảng cáo trúng đích, tránh được quảng cáo rác. Dữ liệu giúp tòa soạn báo hiểu rõ hơn về hành trình của độc giả, từ đó điều chỉnh chiến lược nội dung cho phù hợp để phục vụ độc giả, và dần dẫn đến đích cuối cùng là thu phí độc giả.
Ông Nguyễn Siêu Đẳng, chuyên gia bảo mật Smart Pro, Giám đốc Giải pháp & Dịch vụ:
An toàn thông tin đóng vai trò quan trọng
Cách mạng số mang đến nhiều cơ hội khi tin tức có thể được cập nhật và chia sẻ ngay, cơ hội tương tác với độc giả tăng lên, thông tin lan truyền vượt biên giới. Nhưng cách mạng số cũng mang lại các thách thức mới, đặc biệt là về tin giả và an ninh mạng - những vấn đề đáng quan ngại. An toàn thông tin đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình chuyển đổi số báo chí và truyền thông. Các tòa soạn cần thực hiện các biện pháp bảo mật và quy trình kiểm soát mạnh mẽ để đảm bảo thông tin quan trọng của họ được bảo vệ, sự tin tưởng của độc giả được duy trì.
Ngày nay, sự cạnh tranh giữa nguồn tin và áp lực cập nhật thông tin nhanh có thể dẫn đến việc lan truyền tin tức chưa được kiểm định trên các trang thông tin, mạng xã hội, gây khó khăn cho việc xác định sự thật. Vì vậy, các cơ quan báo chí không chỉ phải đảm bảo thông tin mà họ cung cấp là đáng tin cậy và không gây hại cho độc giả, mà còn phải có các biện pháp bảo vệ an toàn thông tin, đối phó hiệu quả với các cuộc tấn công từ các nhóm tin tặc, các trang web và tài khoản mạng xã hội giả mạo.
Mỗi cơ quan báo chí phải có chiến lược an toàn thông tin với 8 giải pháp quan trọng: Cập nhật hệ thống bảo mật và chính sách an toàn thông tin; Sử dụng phần mềm bảo mật; Mã hóa dữ liệu; Quản lý quyền truy cập; Sao lưu dữ liệu định kỳ; Theo dõi hoạt động mạng; Kiểm tra, đánh giá rủi ro; Đào tạo an toàn thông tin cho tất cả nhân viên, tạo ra môi trường làm việc mà an toàn thông tin được coi trọng và tuân thủ một cách nghiêm ngặt.