Chuyển đổi số: Bệnh viện và người dân cùng thuận lợi
Trên phạm vi cả nước, nhiều bệnh viện đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp người bệnh dễ dàng đặt lịch khám, tra cứu hồ sơ sức khỏe, thanh toán không dùng tiền mặt nhờ chuyển đổi số.
Tiết kiệm thời gian, công sức
Đến Bệnh viện Bạch Mai để khám sức khỏe tổng quát, ông Vũ Trọng Hùng (68 tuổi, ở Hà Nội) cho biết: “Trước khi vào viện, tôi đã xác định tâm lý phải chờ đợi, thủ tục khám chữa bệnh kéo dài, thậm chí cả ngày, nhưng thực tế nằm ngoài kỳ vọng. Mọi thứ rất nhanh, thuận tiện, chỉ khoảng 2 giờ từ thủ tục đến các chỉ định thủ thuật xét nghiệm, chụp chiếu và sau cùng là kết quả đã hoàn thiện. Gần như tất cả các công đoạn đều làm thông qua công nghệ số. Thanh toán chi phí tại phòng khám, không phải di chuyển khắp nơi nộp tiền. Sau khi làm các thủ thuật, quay lại phòng khám các bác sĩ đã có thể đọc kết quả trên máy. Giảm thiểu di chuyển và thất lạc giấy tờ”.
Không chỉ khiến người bệnh cảm thấy dễ dàng, thuận tiện trong thăm khám, việc chuyển đổi số tại các bệnh viện còn giúp các nhân viên y tế có thể tập trung hơn vào công tác chuyên môn, đồng thời giúp tiết kiệm nguồn lực cho bệnh viện và tối ưu hóa công tác quản lý.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) hướng dẫn người dân đăng ký khám, chữa bệnh bằng ki-ốt thông minh. Ảnh: BVCC
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Với việc áp dụng chuyển đổi số, bệnh án điện tử, thủ tục hành chính không mất nhiều thời gian, các bác sĩ có thể nhanh chóng thăm khám. Kết quả trả về cũng rất nhanh, thậm chí trước cả khi bệnh nhân quay lại phòng khám. Với những ca bệnh khó, có thể lập tức thảo luận, hội chẩn liên khoa, kịp thời xử trí các tình huống bệnh lý chạy đua với thời gian. Nếu người bệnh cần phải chuyển tiếp đến các khoa điều trị, cũng chỉ cần thao tác trên phần mềm là có thể được tiếp nhận ngay lập tức với đầy đủ thông tin, thay vì phải đợi bệnh án giấy hàng trăm trang chuyển sang bàn giao”.
Còn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hiện nay, trên 60% bệnh nhân khám theo yêu cầu đã thực hiện đặt lịch khám online và thanh toán QR-code, giúp rút ngắn các bước khám bệnh từ 6 - 7 bước, chỉ còn 2 - 3 bước. Thực hiện ký số và văn bản điện tử trong bệnh viện, hạn chế được một phần giấy tờ hành chính thông thường. Ứng dụng công nghệ sinh trắc học trong tiếp nhận bệnh nhân tại các điểm tiếp nhận.
Thiếu tướng GS.TS Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Một trong những ưu tiên đột phá hàng đầu của chúng tôi là công tác chuyển đổi số toàn diện, hướng tới mục tiêu "bệnh viện không giấy tờ". Trong năm 2025, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 dự kiến hoàn thành triển khai bệnh án điện tử trên toàn bộ hệ thống khám, chữa bệnh. Đồng thời tất cả cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện phải sử dụng môi trường số để thực hiện công việc chuyên môn, quản lý hồ sơ bệnh án và xử lý thủ tục hành chính.
Bệnh viện tuyến dưới quyết tâm thay đổi
Không chỉ tại các bệnh viện tuyến Trung ương, chuyển đổi số cũng đang thay đổi bộ mặt của những bệnh viện tuyến dưới. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái là một trong 35 bệnh viện đầu tiên của cả nước sớm triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn cho hồ sơ bệnh án giấy; sử dụng, lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho in phim. Tất cả thông tin liên quan đến bệnh nhân, bao gồm thông tin cá nhân, số lần khám, kết quả xét nghiệm, kết quả chẩn đoán, đơn thuốc điện tử… đều được số hóa, lưu trữ khoa học theo cấp độ mật và được quản lý theo mã số riêng, đảm bảo chính xác, an toàn. Qua đó góp phần kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế tốt mà không tốn thêm chi phí lao động. Hiện nay, bệnh viện chỉ có 500 nhân sự làm việc trực tiếp cho quy mô 750 giường bệnh, với điểm chất lượng 4,32/5, cao nhất trong các bệnh viện cùng khu vực.
Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh thông tin, đã triển khai thành công mô hình Bệnh viện không giấy tờ, với 52 đầu mục giấy tờ đã được đơn vị loại bỏ, không thực hiện trên sổ sách, in ấn mà dùng kí số, lưu file điện tử và lưu trữ trên phần mềm.
Hiện nay, việc theo dõi, quản lí, thống kê, báo cáo trở nên thuận lợi, dễ dàng, minh bạch và chính xác hơn rất nhiều nhờ vào hệ thống phần mềm của bệnh án điện tử. Kết quả xét nghiệm sẽ được liên thông gửi về phòng khám nên không còn tình trạng người bệnh phải ngồi chờ xếp hàng đợi trả kết quả bằng giấy.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, hình ảnh người dân xếp hàng dài chờ đợi trước quầy đăng ký khám bệnh đã dần được xóa bỏ. Thay vào đó, các ki-ốt thông minh đặt ngay từ cổng bệnh viện cho phép người dân tự đăng ký khám bệnh một cách nhanh chóng và dễ dàng. Hệ thống này cung cấp nhiều lựa chọn dịch vụ phù hợp, từ khám bảo hiểm y tế đúng tuyến, trái tuyến đến các dịch vụ khám tự nguyện. Chỉ với một vài thao tác đơn giản trên màn hình, người bệnh đã hoàn tất thủ tục mà không cần giấy tờ phức tạp hay mất nhiều thời gian chờ đợi.
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp đón khoảng 1.600 bệnh nhân qua các ki-ốt thông minh, quy trình tiếp đón từ 6 bước giảm xuống còn 2 bước, thời gian tiếp đón khoảng 10 giây, trong khi trước đây phải mất 5 - 15 phút. Xét về hiệu quả kinh tế, mỗi ki-ốt thay một nhân viên hướng dẫn, tiết kiệm cho bệnh viện khoảng 52,8 triệu đồng/năm. Hiệu quả về kinh tế, giảm giấy tờ, giảm thủ tục hành chính, bớt phiền hà và giảm thời gian chờ đợi, được quan tâm, chăm sóc chu đáo hơn - đó là những điều mà người bệnh cảm nhận rõ nhất trước những thay đổi của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khi thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh.