Sắp xếp tinh gọn bộ máy: Bỏ cấp huyện, sáp nhập một số tỉnh là đòi hỏi khách quan

Thực tiễn và ý kiến của một số chuyên gia cho thấy, yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục bỏ cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là đòi hỏi tất yếu, khách quan để nước ta tiếp tục bứt phá, đi lên.

Công an TP Hà Nội quán triệt về tinh gọn tổ chức bộ máy. (Ảnh: VGP)

Công an TP Hà Nội quán triệt về tinh gọn tổ chức bộ máy. (Ảnh: VGP)

Lực lượng Công an gương mẫu đi đầu

Để tiếp tục thực hiện sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong năm 2025 và nhiệm kỳ 2025 - 2030, Kết luận số 126-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025 đã giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện), xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã, định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị trong quý III/2025.

Nhìn lại từ năm 2018 đến nay, Đảng ủy Công an Trung ương đã 2 lần kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, với nhiều điểm thay đổi có tính lịch sử, đột phá, khắc phục cơ bản những hạn chế kéo dài nhiều năm. Và với định hướng bỏ cấp huyện lần này, ngành Công an tiếp tục gương mẫu đi đầu khi mới đây, Đảng ủy Công an Trung ương đã thông qua Đề án số 25 về “tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy Công an địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới”, không tổ chức Công an cấp huyện, sắp xếp tổ chức bộ máy Công an địa phương theo hướng “tỉnh toàn diện, xã vững mạnh, bám cơ sở”. Đây là một chủ trương lớn của Đảng ủy Công an Trung ương nhằm xây dựng lực lượng Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo đó, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Công an địa phương là một cuộc cách mạng, thực hiện theo sự chỉ đạo từ Trung ương Đảng, thời gian thực hiện rất gấp, làm việc khẩn trương. Trên tinh thần này, với quyết tâm chính trị cao nhất, Công an các tỉnh đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch, phương án tổ chức thực hiện. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị để sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng “Tỉnh toàn diện, xã vững mạnh, bám cơ sở” của nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng bàn giao và nối tiếp công việc khi triển khai mô hình mới.

Điển hình, Công an TP Hà Nội sẽ kết thúc hoạt động đối với 30 công an cấp huyện, khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy. Công an tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng xong phương án bố trí Công an cấp xã tối thiểu 12 cán bộ; sẵn sàng triển khai nối tiếp công việc khi mô hình mới đi vào hoạt động ngày 1/3/2025. Công an tỉnh Lào Cai cũng đã sẵn sàng các điều kiện cho việc triển khai sắp xếp bộ máy theo mô hình mới…

Kỳ vọng tạo ra sự phát triển mới

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam Trần Hữu Hậu, Đại biểu Quốc hội Đoàn Tây Ninh bày tỏ kỳ vọng việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ giúp giảm thủ tục hành chính, giúp tiến độ giải quyết công việc nhanh và thuận lợi hơn. Từng là lãnh đạo địa phương, ông Hậu kể, có những vấn đề chỉ riêng việc xin đầy đủ ý kiến từ các cơ quan, đơn vị đã mất rất nhiều thời gian. Bởi vậy, theo ông Hậu, việc cải cách tổ chức bộ máy là cấp thiết để tạo động lực mới cho phát triển.

Bày tỏ ý kiến về Kết luận số 126-KL/TW của Bộ Chính trị, chia sẻ với báo chí, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, sáp nhập tỉnh là điều tất yếu. Trung ương, các Bộ, ngành đang hợp nhất, sáp nhập. Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vừa qua cũng đã được sắp xếp nên bước tiếp theo sẽ phải tính tới cấp tỉnh, TP.

Cho rằng trở về con số 38 tỉnh, TP như trước đây là phù hợp, nhưng nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh lưu ý, không nhất thiết tỉnh nào về lại tỉnh đó như giai đoạn trước mà sắp xếp phù hợp với đặc điểm của các tỉnh. Để xác định nhập tỉnh nào với tỉnh nào phải căn cứ tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên, những yếu tố đặc thù khác về văn hóa, lịch sử… theo Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Để giải “bài toán” sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện sao cho thuận lợi, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, phải xác định quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân. Nhân dân đồng tình ủng hộ, cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thấy đây là thời cơ, không còn thời cơ nào khác nếu muốn vươn mình. Cùng với đó, Nhà nước phải có chính sách vượt trội.

Qua theo dõi sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy ở Trung ương, chỉ trong 2 tháng đã thực hiện xong, ông Dĩnh tin tưởng, tinh thần “thần tốc” này sẽ được tiếp nối trong nghiên cứu thực hiện định hướng sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện. Đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV vào tháng 1/2026, cần thực hiện quyết liệt để sớm ổn định tổ chức bộ máy.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, vấn đề đặt ra là tính toán sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện sao cho phù hợp để việc sắp xếp bộ máy bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Với định hướng nghiên cứu bộ máy hành chính chỉ còn 3 cấp, bỏ cấp trung gian là cấp huyện, đây cũng là thông lệ của nhiều nước trên thế giới.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.(Ảnh: moha.gov.vn)

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.(Ảnh: moha.gov.vn)

Đánh giá cấp huyện có những mặt hạn chế, ông Dĩnh dẫn chứng, ngoài Trung ương đưa ra thể chế, pháp luật, chính sách chỉ đạo, thì cấp tỉnh cơ bản quyết ngân sách, chính sách của địa phương. Cấp huyện là cấp trung gian, chỉ chuyển tải ngân sách, chính sách của tỉnh xuống cơ sở (cấp xã). Cấp xã là cấp trực tiếp thực hiện nhiều nhất.

“Qua cấp trung gian có 2 vấn đề đặt ra: Một là, dễ có độ trễ, vì qua huyện lại phải ngồi bàn, ra văn bản rồi tổ chức thực hiện. Mà thực ra anh không làm gì khác được chỉ đạo, chính sách, ngân sách cấp tỉnh đã quyết. Thậm chí, không chỉ có độ trễ mà còn nguy cơ tạo ra lực cản nữa. Quá trình thực hiện anh không triển khai và triển khai không đúng thì thành lực cản”, ông Dĩnh phân tích và nhấn mạnh “bỏ cấp trung gian này sẽ thông suốt luôn xuống cấp xã”.

Về sáp nhập tỉnh, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, giao thông thuận lợi và thời điểm này các tỉnh phát triển đã đến giới hạn, các nguồn lực tài nguyên khoáng sản, đặc biệt đất đai dần cạn kiệt nên theo ông Dĩnh, việc các tỉnh sáp nhập lại sẽ phát huy được lợi thế, đồng thời, tạo ra không gian, dư địa rộng lớn hơn để thu hút tiềm năng, nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

T. Hoàng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/sap-xep-tinh-gon-bo-may-bo-cap-huyen-sap-nhap-mot-so-tinh-la-doi-hoi-khach-quan-post540603.html