Chuyển đổi số cần có bài toán phù hợp theo cách riêng của Việt Nam

Chuyển đổi số là quá trình tất yếu phải thực hiện nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của nhân loại. Tuy nhiên bài toán chuyển đổi số của Việt Nam cần phải khác với quốc tế, phù hợp với điều kiện riêng của Việt Nam.

Ngày 6/3/2020 Chính phủ đã công bố Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó xác định 3 mục tiêu trọng tâm cần phải đạt là xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Nguyên nhân nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa thật sự hiểu về chuyển đổi số

Từ đầu năm 2020 đến nay đã có nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, bàn tròn, tọa đàm, khóa học về chuyển đổi số. Tuy nhiên, với đông đảo mọi người, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chưa thật sự hiểu chuyển đổi số là gì và quan trọng hơn là thực hiện như thế nào?

Tại sao lại có hiện tượng này? Chúng ta thử xem một số định nghĩa về chuyển đổi số được nói đến nhiều nhất hiện nay:

Chuyển đổi số (digital transformation) là khái niệm mô tả việc ứng dụng công nghệ (digitalize) vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện (transformation) cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.

Chuyển đổi số thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.

Chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.

Tất cả các định nghĩa này đều đúng, nhưng chưa đủ vì chỉ đúng một phần. Cách định nghĩa như vậy làm cho người đọc, người nghe hiểu thiên về hướng các công nghệ số (IoT, Big data, AI,...) tạo ra tất cả và chỉ cần ứng dụng chúng vào tổ chức hay doanh nghiệp của mình là chuyển đổi số thành công!

Điều này chỉ đúng một phần vì công nghệ số không bao giờ có thể “bao sân” và thay thế được các công nghệ khác (như công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ tuần hoàn hóa, khoa học về quản lý,...), và các yếu tố khác (nhân lực, nguồn vốn, thị trường,...) thúc đẩy sự phát triển của tổ chức hay doanh nghiệp.

Các định nghĩa về chuyển đổi số nêu trên được nhiều diễn giả trích dẫn từ tài liệu quốc tế, vì với Việt Nam đó là khái niệm mới và những trích dẫn đó phần lớn đến từ những nước phát triển. Ở các nước này, người ta định nghĩa chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi của phương thức sản xuất từ cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 3 sang CMCN 4 hay từ phương thức sản xuất dựa trên cơ chế tự động hóa sang phương thức sản xuất dựa trên cơ chế thông minh hóa.

Phương thức sản xuất dựa trên cơ chế thông minh hóa được hiểu là phương thức sản xuất dựa trên các hệ thống kết nối giữa không gian số với thế giới thực (cyber physical systems viết tắt là CPS) để có thể xử lý, tính toán trong không gian số, quyết định, điều khiển trong thế giới thực. Hoạt động sản xuất dựa trên cơ chế thông minh hóa làm thay đổi phương thức sản xuất của xã hội dẫn tới một cuộc cách mạng mới, đó là CMCN 4.

Nước ta chưa hoàn thành CMCN 3, ở đâu đó trong một vài lĩnh vực (nông nghiệp, cơ khí,...) còn trước cả CMCN 3. Nói chung, phương thức sản xuất của Việt Nam hiện nay là thủ công – bán tự động. Từ phương thức sản xuất thủ công – bán tự động sang phương thức sản xuất dựa trên cơ chế thông minh hóa cần có phương pháp luận riêng, cách đi riêng của Việt Nam chứ không phải sao chép nguyên si từ quốc tế.

Chúng ta nên tiếp cận chuyển đổi số như thế nào?

Trước tiên, để đi đúng hướng, chúng ta cần tìm hiểu các hệ thống kết nối giữa không gian số với thế giới thực (các CPS) được thiết kế và vận hành như thế nào và nghiên cứu xem liệu chúng ta có thể xây dựng và khai thác các hệ thống này theo cách riêng của mình, phù hợp với điều kiện riêng của mình hay không.

CMCN 4 là cuộc cách mạng công nghiệp giải phóng lao động trí óc ở mức cao. Các CPS chính là các công cụ để giúp con người làm việc đó. Cụ thể là, một số CPS hoạt động theo cơ chế tự động thông minh, thay thế hoàn toàn con người trong một số hoạt động như xe tự lái (ô tô, tàu điện ngầm), thiết bị bay (drone), dây chuyền sản xuất thông minh (nuôi thủy sản, logistics thông minh),... số CPS còn lại (có số lượng đông đảo) hoạt động như những công cụ hỗ trợ đắc lực cho con người trong các việc hàng ngày.

Đặc biệt là trong những việc có tính lặp đi lặp lại (như văn thư, kế toán, kiểm toán, thống kê, thiết kế,...) bằng các trợ lý số, hay việc phổ thông (như quét dọn, bảo vệ) bằng các hệ thống thông minh trong hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp. Sự tham gia của các CPS này vào sản xuất làm thay đổi phương thức sản xuất so với truyền thống, mang lại năng suất lao động rất cao (vì nhiều việc do máy làm hay hỗ trợ).

Hiện nay, trên thế giới, các hệ thống CPS này được thiết kế và sản xuất hàng loạt bởi các tập đoàn công nghệ hùng mạnh và có một điểm chung là chúng đều được thiết kế dựa trên các cơ chế tự động tiêu chuẩn (ví dụ như SCADA). Ưu điểm của các hệ thống này là đáp ứng tốt các yêu cầu đề ra cho mục tiêu tự động, thông minh. Nhược điểm của chúng là giá thành cao và cần sự tham gia của các chuyên gia chuyên ngành IT và tự động hóa.

Như thế, mục tiêu của chuyển đổi số là tạo ra các CPS và khai thác chúng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình một cách hiệu quả nhất. Việt Nam có 2 cách đi, một cách siêu đột phá và một cách tạm gọi là chính tắc.

Cách siêu đột phá của Việt Nam là tự tạo ra các CPS dựa trên công cụ phát triển của chính mình, không phụ thuộc vào các cơ chế phức tạp về tự động hóa định sẵn mà vẫn đáp ứng được tất cả các yêu cầu đặt ra. Vì tự làm ra được nên các hệ thống này có thể phục vụ rộng rãi trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội của Việt Nam vì chi phí đầu tư thấp và không đòi hỏi phải có chuyên gia kỹ thuật vận hành. Bằng cách này, Việt Nam nhanh chóng vươn lên top dẫn đầu về chuyển đổi số, không chỉ trong khu vực mà còn với cả thế giới vì chắc chắn các sản phẩm công cụ số Made by Vietnam này nhiều nước cần, trước tiên là các nước đang phát triển vì họ cũng đang gặp trở ngại tương tự.

Ở nước ta, theo đánh giá của cá nhân, chúng ta đã hội đủ những điều kiện cần thiết để triển khai theo hướng này. Hệ điều hành cho IoT mang tên V-SYS và công cụ lập trình bằng ngôn ngữ tự nhiên mà người dùng không chuyên IT cũng có thể sử dụng để thiết kế các CPS V-Logic do doanh nghiệp Việt Nam sáng tạo là một ví dụ.

Chúng tôi cho rằng tạo được các CPS bằng công nghệ Việt Nam là điều đáng tự hào trong kỷ nguyên mà công nghệ số phát triển rất nhanh hiện nay.

 Hình minh họa hệ thống CPS (Nguồn: Smart Industry VN)

Hình minh họa hệ thống CPS (Nguồn: Smart Industry VN)

Cách thứ hai là thế giới làm thế nào thì ta làm thế đó, cố gắng thích nghi hóa với hoàn cảnh và điều kiện riêng của Việt Nam. Đây là cách mà nhiều người đang đề cập. Theo cách này thì chỉ những tổ chức, doanh nghiệp lớn, hùng mạnh mới có thể trang bị các hệ thống CPS tự động thông minh vì chí phí đầu tư cao và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao.

Cho dù triển khai theo cách nào thì bài toán chuyển đổi số ở Việt Nam cũng vẫn khác với quốc tế. Việc đưa các hệ thống CPS vào thay thế quy trình sản xuất thủ công – bán tự động ở Việt Nam như thế nào cần có phương pháp tiếp cận và lộ trình hợp lý, tránh những cú sốc công nghệ ảnh hưởng lên toàn xã hội. Ví dụ nhiều lao động phổ thông sẽ mất việc trong khi chưa kịp đào tạo, chuyển hướng cho họ chẳng hạn.

Chuyển đổi số phải gắn liền với kinh tế tuần hoàn

Từ thực tiễn triển khai chuyển đổi số tại một số địa phương, chuyển đổi số cần song hành với hiện đại hóa, cụ thể là gắn liền với phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo đó, các hệ thống CPS cần được thiết kế nhằm thực hiện các công đoạn tuần hoàn hóa các dạng hình tài nguyên trong quá trình sản xuất. Như thế, cùng một lúc chúng ta sẽ đạt được 2 mục đích, nâng cao năng suất lao động với kinh tế tuần hoàn và vươn tới trình độ sản xuất tiên tiến của thời đại là kinh tế số. Theo đó, hơn lúc nào hết, chúng ta cần chọn hướng phát triển siêu đột phá để những công cụ công nghệ số Việt Nam có thể đi thẳng vào giải những bài toán tuần hoàn hóa có ý nghĩa trọng đại này.

Ngoài ra, cần phát triển hàng loạt các công cụ số, sản phẩm số như các trợ lý số, cơ chế quản lý kho thông minh, fintech,... và áp dụng đại trà vào mọi mặt kinh tế xã hội với chi phi thấp nhất. Điều này sẽ tạo ra bước chuyển rất mạnh mẽ trong toàn xã hội vì thực sự các công cụ số này sẽ mang lại hiệu quả cho tất cả mọi người.

Bên cạnh đó, cần thay đổi phương thức đào tạo, hướng đến đào tạo công dân 4.0 thay vì đào tạo kiến thức cơ bản như hiện nay bằng cách chú trọng đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp ngay trong môi trường đại học. Ngoài ra cũng cần chú trọng đào tạo kỹ năng cho học viên (đặc biệt là kỹ năng số) bởi những người có kỹ năng luôn có việc làm trong kỷ nguyên công nghệ số.

Từ thực tiễn phát triển, chúng tôi tin tưởng rằng chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện chuyển đổi số theo phương pháp luận và cách đi riêng của mình, phù hợp với điều kiện cụ thể của mình và tự hào về điều đó.

Nguyễn Tuấn Hoa, Lương Ngọc Tuấn

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/chuyen-doi-so-can-co-bai-toan-phu-hop-theo-cach-rieng-cua-viet-nam/20210620105329356