Chuyển đổi số: Chậm mà chắc hơn nhanh mà rối!
Trong hai năm gần đây, một loạt dự án chuyển đổi số dịch vụ công được các bộ, ngành chức năng đưa ra trong khuôn khổ các chương trình cải cách hành chánh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc chuyển đổi lại không được chuẩn bị kỹ càng gây phiền hà cho người dân và tốn kém cho cả xã hội lẫn ngân sách.
Cùng với việc phục vụ người dân thì việc chuyển đổi số cũng giúp cho việc quản lý của cơ quan chức năng nhà nước thuận tiện hơn. Đây là một xu thế tất yếu được người dân ủng hộ, nhưng việc chuyển đổi này phải đáp ứng hài hòa lợi ích cho cả người dân lẫn cơ quan quản lý nhà nước, đó mới là điểm mấu chốt phải đạt được.
Đầu tuần này, nhiều tờ báo dẫn thông tin từ Bộ Công an cho biết, bộ đã đề xuất đưa vào dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ quy định “Giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1-7-2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định”(*).
Đây là loại giấy phép lái xe (bằng lái) dạng giấy bìa và được cấp cho người lái xe mô tô trước khi có loại bằng lái bằng nhựa PET như hiện nay với thông tin của người được cấp bằng lái là chứng minh nhân dân 9 số.
Hệ thống dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đang quản lý trên 8,8 triệu bằng lái xe ô tô và trên 46,7 triệu bằng lái xe mô tô, xe gắn máy. Trong số này còn hơn 20 triệu bằng lái mô tô loại giấy được cấp từ năm 1995 đến tháng 7-2012.
Do khác cấu trúc thông tin, dữ liệu của loại bằng lái này trong hệ thống của Cục Đường bộ không tích hợp được vào hệ thống định danh điện tử VNeID của Bộ Công an vì hệ thống chỉ nhận diện được dữ liệu bằng lái với căn cước công dân 12 số.
Theo đề xuất nói trên, với số bằng lái giấy phải đổi là 20 triệu cái và lệ phí đổi bằng lái xe sang thẻ PET là 135.000 đồng/lần theo quy định tại Thông tư 188/2016/TT-BTC, tổng chi phí sẽ là 2.700 tỉ đồng.
Dù người dân được cơ quan nhà nước hỗ trợ đổi bằng lái không thu phí thì ngân sách vẫn phải tốn một số tiền rất lớn cho việc triển khai bao gồm chi phí mua phôi bằng và nhân công thực hiện.
Đó là chưa nói đến việc, kể cả khi người dân được đổi bằng lái miễn phí, thì nền kinh tế vẫn bị thiệt hại không ít vì tổng số giờ công mà người dân phải bỏ ra để đi đổi bằng, mỗi người ít nhất 1-2 giờ làm việc.
Có một cách chuyển đổi đơn giản và ít tốn kém mà vẫn đáp ứng nhu cầu quản lý của cơ quan nhà nước, đó là xây dựng một cổng thông tin cho người dân tự cập nhật dữ liệu. Với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã hoàn chỉnh hiện nay, hầu như tất cả người dân đã được cấp căn cước công dân 12 số kèm theo dữ liệu các lần chứng minh nhân dân 9 số được cấp trước khi có căn cước.
Như vậy, chỉ cần đầu tư một khoản tiền rất nhỏ so với con số hàng ngàn tỉ đồng để đổi bằng lái giấy sang bằng lái nhựa PET là có thể xây dựng một cổng thông tin cho người dân tự cập nhật thông tin bằng lái bao gồm hình chụp bằng lái, số chứng minh nhân dân và số căn cước công dân.
Sau khi người dân nhập liệu, hệ thống dễ dàng dò khớp dữ liệu đang có về bằng lái của Bộ Giao thông Vận tải với dữ liệu về chứng minh nhân dân và căn cước công dân của Bộ Công an để cập nhật. Như vậy, vấn đề không kết nối được dữ liệu về bằng lái do thiếu thông tin căn cước công dân 12 số mà cơ quan chức năng nêu ra được giải quyết dễ dàng, ít tốn kém và tiện lợi cho người dân.
Một lý do khác về việc đổi bằng được đại diện Cục Cảnh sát giao thông nêu ra là do Việt Nam đã gia nhập Công ước Vienna về giao thông đường bộ nên cần đổi bằng lái theo mẫu quốc tế để có thể lái xe mô tô ở nước ngoài.
Với lý do này, có vẻ cơ quan quản lý đang lo quá xa. Thử hỏi, trong 20 triệu người dân có bằng lái xe hai bánh, có bao nhiêu người cần dùng bằng lái quốc tế để lái xe mô tô ở nước ngoài? Nhu cầu này nếu có, tự người dân sẽ đi đăng ký đổi bằng, không cần nhà nước phải lo giúp làm gì!
—————
(*) https://nld.com.vn/thoi-su/vi-sao-bo-cong-an-de-xuat-doi-nhung-giay-phep-lai-xe-cap-truoc-thang-7-2012-20230926130652715.htm
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuyen-doi-so-cham-ma-chac-hon-nhanh-ma-roi/