Chuyển đổi số - 'Chìa khóa' phát triển nông nghiệp

Bắt đầu từ tháng 11/2021, ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện mô hình 'Chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ' nhằm mở rộng thị trường, quảng bá và tiêu thụ nông sản. Đây được coi là 'chìa khóa' tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay, góp phần giúp nông nghiệp phát triển hiện đại, bền vững.

Ứng dụng chuyển đổi số vào quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh đã có mặt tại một số trang thương mại điện tử, thuận tiện cho mở rộng thị trường tiêu thụ.

Lợi ích từ chuyển đổi số

Để thực hiện nội dung chuyển đổi số, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng hệ thống phần mềm hoạt động đa nền tảng phục vụ cho các đơn vị sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng, vận hành phần mềm hoạt động trên website: http://phutho.idfood.net/ và ứng dụng “Agritech - Chuỗi nông nghiệp số” cho thiết bị di động. Các tính năng đều được minh họa bằng biểu tượng, hình ảnh, dễ sử dụng cho mọi người dân. Phần mềm và ứng dụng đã tích hợp đầy đủ các phân hệ trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông lâm sản. Trong mỗi phân hệ có đủ công cụ quản lý, thống kê, mẫu biểu hồ sơ hỗ trợ cấp chứng nhận, chứng chỉ (VietGAP, hữu cơ, FSC, an toàn vệ sinh thực phẩm...) các thủ tục hành chính liên quan đến từng lĩnh vực.

Sau gần một năm triển khai, đến nay ngành Nông nghiệp đã thực hiện lắp đặt một phòng truyền thông, hội thảo, đào tạo trực tuyến đa luồng với tối thiểu 100 điểm cầu, hỗ trợ trực tiếp, trực tuyến cho các cơ sở tham gia chuyển đổi số. Tổ chức đào tạo TOT cho lãnh đạo và cán bộ chuyên môn phụ trách chuyển đổi số của các cơ quan chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT và các huyện, thành, thị, tổ chức tập huấn theo cụm cho các đơn vị tham gia. Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp được hơn 10.000 tem QR kiểm dịch, tương đương với hơn 10.000 chuyến hàng vận chuyển động vật và sản phẩm động vật. Ngoài ra, chương trình cũng đã hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, biển bảng mô hình cho các đơn vị tham gia và áp dụng tốt chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm: Thiết kế, in ấn, hỗ trợ 2.000 hộp, 2.500 túi đựng sản phẩm, 40.000 nhãn sản phẩm gắn mã QR, 80.000 tem QR truy xuất nguồn gốc cho nhiều chủ thể khác.

Dù mới thành lập được hơn năm năm, quy mô sản xuất chưa lớn song HTX chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn đã chú trọng đầu tư vào thực hiện chuyển đổi số ngay từ những ngày đầu. Bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ - Giám đốc HTX chia sẻ: “Trong khâu tiêu thụ nông sản hiện nay, nếu chỉ qua các kênh bán hàng truyền thống thì rất khó để quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, nhờ công nghệ thông tin bùng nổ, người tiêu dùng hiện nay chỉ cần lên mạng là có thể tìm hiểu được đầy đủ các thông tin về sản phẩm mình muốn mua. Vì thế, ngay từ khi thành lập HTX, chúng tôi cũng xác định phải thực hiện chuyển đổi số để xây dựng thương hiệu. Hiện HTX có trang Web riêng, đăng ký tên miền chính chủ, có fanpage trên mạng xã hội Facebook. Nhờ đó, không chỉ khách hàng trong tỉnh mà ở các tỉnh, thành khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh… đã biết đến chè xanh Cẩm Mỹ và đặt hàng. Năm nay, chúng tôi đã tiêu thụ được trên 45 tấn chè các loại, trong đó có 2/3 ở ngoại tỉnh. Để hướng tới mục tiêu xuất khẩu, thời gian tới HTX sẽ tiếp tục đăng ký để thành lập trang của mình trên các mạng xã hội được nước ngoài quan tâm như Twiter, Instagram”.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như dự báo nhu cầu thị trường chính xác, nguồn cung sản phẩm, giảm thiểu chi phí sản xuất, tối ưu chi phí phân bón, tưới tiêu. Đặc biệt, chuyển đổi số còn giúp hoàn thành những công việc con người khó thực hiện được như giám sát tình trạng cây trồng, vật nuôi một cách liên tục, phân tích diện rộng tình hình thời tiết, độ ẩm, sâu bệnh... Thông qua việc chuyển đổi số trong nông nghiệp còn tạo ra nhiều giá trị gia tăng, truy xuất nguồn gốc, theo dõi quá trình tăng trưởng, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, đưa nông sản đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, an toàn với giá cả hợp lý.

Nhân viên Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với doanh nghiệp ứng dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc BVTV tại xã Phú Mỹ, huyện Phù Ninh.

Giải pháp để thực hiện hiệu quả

Để thực hiện chuyển đổi số cần dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá tiềm năng, thế mạnh, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp. Theo đó, cần xác định việc chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, chú trọng xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản… Đồng thời thiết lập mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai… để nông dân biết, tìm cách nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Ông Đặng Ngọc Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, trang trại và đặc biệt là các chủ thể OCOP cài đặt, sử dụng phần mềm nhằm chuẩn hóa quy trình sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa, xuất code tem QR truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản, tiến tới xây dựng thương hiệu cho một số nông sản đặc trưng của Đất Tổ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phối hợp với các ngành như Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, đưa nông sản lên các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm tạo động lực nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.Thời gian tới, để thúc đẩy chuyển đổi số, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, tăng tỉ trọng của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong nền kinh tế. Đồng thời ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng hệ thống dữ liệu nhằm lưu trữ, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và nhu cầu khai thác của doanh nghiệp; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số... Quan trọng nhất là cần có sự thay đổi và quyết tâm phối hợp thực hiện của người dân với các cơ quan chuyên môn để có thể đạt được hiệu quả cao nhất.

Mặt khác, đẩy mạnh phát triển dịch vụ phục vụ nông nghiệp, kinh doanh nông sản, thực hiện tốt các chương trình hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học. Đồng thời thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có quy mô lớn, làm nòng cốt tác động chuyển đổi phương thức sản xuất, liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản tập trung để chuyển đổi số phát huy hiệu quả.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/chuyen-doi-so-chia-khoa-phat-trien-nong-nghiep/189768.htm