Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank đã chia sẻ góc nhìn về xu hướng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.

Ông Trần Công Quỳnh Lân chia sẻ tại một hội thảo chuyển đổi số ngành ngân hàng

Ông Trần Công Quỳnh Lân chia sẻ tại một hội thảo chuyển đổi số ngành ngân hàng

Theo nghiên cứu của nhà cung cấp dịch vụ tư vấn và công nghệ tài chính mở Konsentus, 68 quốc gia đã hoặc đang phát triển Ngân hàng mở (Open Banking). Ông có nhận xét gì về xu hướng này?

Open Banking là việc khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng không chỉ trên các kênh do ngân hàng cung cấp, mà còn là sử dụng dịch vụ của ngân hàng trên chính các kênh do các đối tác thứ ba, Fintech, ứng dụng mobile app cung cấp để đáp ứng đa dạng các nhu cầu cuộc sống. Ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng đến khách hàng qua kênh của mình, mà hướng tới là trên tất cả các kênh, các ứng dụng số của khách hàng. Không chỉ phía các ngân hàng, chính các ứng dụng số cũng có nhu cầu kết nối, sử dụng dịch vụ của ngân hàng trên ứng dụng số để đảm bảo trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Tóm lại, hiện ngân hàng cung cấp dịch vụ không chỉ qua kênh của mình, mà qua các đối tác, bên thứ ba, ứng dụng số khác tới khách hàng. Đó là xu thế đang phát triển rất nhanh và rộng hiện nay. Để có thể gia tăng tiện ích cũng như giữ chân khách hàng, các ngân hàng buộc phải đi theo xu thế này.

Nhanh chóng bắt nhịp xu thế toàn cầu, tại Việt Nam từ năm 2020 đến nay, các ngân hàng đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu ngân hàng cho bên thứ ba cung cấp dịch vụ (TPP - Third-party provider) thông qua việc sử dụng giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) như VietinBank, BIDV, OCB… Tiến trình này có gặp khó khăn gì hay không, thưa ông?

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank

Hệ sinh thái trong chuyển đổi số đã được VietinBank thực hiện cách đây khoảng 4 - 5 năm với Open Banking và Open API nhằm đóng gói dịch vụ của ngân hàng trong API. Ví dụ như Shopee có thể gọi API về thanh toán của VietinBank và cung cấp dịch vụ thanh toán ngay trên ứng dụng của Shopee, tương tự các doanh nghiệp khác cũng như vậy. Các doanh nghiệp cũng có thể gọi trực tiếp API của ngân hàng để phục vụ công tác vấn tin, đối soát, thanh toán từ ứng dụng của doanh nghiệp.

Điều đó có nghĩa, với xu thế Open Banking, ngân hàng bây giờ hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ của mình cho đối tác thứ ba và từ đó tạo ra một hệ sinh thái mở. Khách hàng dù tiếp cận qua ngân hàng hay qua các kênh là đối tác của ngân hàng đều có thể sử dụng được dịch vụ của ngân hàng một cách dễ dàng và thuận tiện.

Tuy nhiên, xu hướng này đang đối mặt với một số khó khăn. Thứ nhất, đang có sự đan xen dịch vụ, ví dụ, các công ty bên thứ ba sẽ chọn dịch vụ API của ngân hàng nào? Điều này sẽ phụ thuộc vào đối tượng khách hàng có giao thoa với nhau hay không và lựa chọn ngân hàng nào cung cấp dịch vụ an toàn và bảo mật nhất.

Thứ hai, câu chuyện pháp lý chưa được làm rõ. Cụ thể, giấy phép ngân hàng là có điều kiện, dịch vụ ngân hàng có điều kiện, vậy khi ngân hàng đóng gói các API và cung cấp cho bên thứ ba thì ngân hàng có cần kiểm tra và chịu trách nhiệm pháp lý về tính chất hoạt động kinh doanh của các đơn vị sử dụng API của ngân hàng hay không? Ví dụ, công ty về cờ bạc, gaming gọi dịch vụ API để chuyển tiền thì trách nhiệm ngân hàng như thế nào? Bản thân người cung cấp API có trách nhiệm thế nào để đảm bảo đúng pháp luật? Hay câu chuyện chưa có đơn vị thẩm định, chứng nhận, cấp phép và kiểm tra các bên thứ ba được cấp phép sử dụng Open API của ngân hàng.

Một vấn đề nữa, liên quan đến Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Khi ngân hàng cung cấp API với các đối tác thứ ba và ngược lại, cần phải được sự đồng ý của khách hàng để đảm bảo dữ liệu cá nhân của khách hàng được sử dụng đúng mục đích.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN, yêu cầu các giao dịch chuyển tiền trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử có giá trị cao phải được xác thực bằng sinh trắc học khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học lưu trong chip của thẻ căn cước công dân (CCCD) từ ngày 1/7/2024. Có ý kiến cho rằng, quy định này mang đến khó khăn cho khách hàng và ngân hàng. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Chúng ta sẽ nhìn lại một chút về Đề án 06 - “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là đề án rất quan trọng; trong đó, nguồn dữ liệu dân cư quốc gia rất quan trọng đối với các ngân hàng. Thời gian qua, các ngân hàng đã tích hợp với nguồn dữ liệu này và làm sạch, làm giàu dữ liệu của mình, đặc biệt là dữ liệu về sinh trắc học.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345 yêu cầu các giao dịch chuyển tiền trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng/lần, hoặc vượt quá 20 triệu đồng/ngày, thanh toán hóa đơn trên 100 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học lưu trong chip của thẻ CCCD từ ngày 1/7/2024. Theo tôi, quyết định này giúp các ngân hàng tiếp tục làm sạch dữ liệu, dọn bớt những tài sản không chính chủ, đảm bảo người thực hiện chuyển khoản chính là chủ tài khoản và chúng ta sẽ tránh được những tình trạng như thuê mua tài khoản, hay sử dụng tài khoản vào các mục đích gian lận khác nhau. Thứ hai, thêm một lớp bảo vệ thứ ba, đảm bảo an toàn, tăng cường bảo mật cho người chuyển tiền, củng cố niềm tin trong xã hội về dịch vụ ngân hàng.

Chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng ngày càng mạnh mẽ thì càng đối mặt với thách thức lớn về nguồn nhân lực. Ông có thể chia sẻ vấn đề này tại VietinBank?

Đúng là nguồn nhân lực là bài toán rất quan trọng và cũng rất khó khăn. Ví dụ, VietinBank vừa qua đưa tin tuyển dụng hơn 250 nhân sự để phục vụ công tác chuyển đổi số và công tác về công nghệ thông tin. Đây là nguồn nhân sự đang được rất nhiều ngân hàng cũng như các công ty Fintech, công nghệ có nhu cầu thu hút cao, do đó, thị trường đang có sự cạnh tranh gay gắt và quyết liệt. Đối với người lao động, đây rõ ràng là cơ hội rất lớn, còn đối với các tổ chức, đây là một thách thức để làm sao có thể thu hút và giữ chân được những người tài, đặc biệt trong công tác chuyển đổi số.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm một thách thức trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số không đơn thuần là ứng dụng về công nghệ. Chuyển đổi số phải đi từ nhận thức của ban lãnh đạo, tất cả cán bộ, nhân viên của ngân hàng. Làm sao để các bộ phận kinh doanh, nghiệp vụ, công nghệ cùng làm việc chung với nhau để có thể ứng dụng công nghệ một cách phù hợp nhất, hữu hiệu nhất và phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Đó chính là việc thay đổi rất lớn về văn hóa của các tổ chức.

Ông có thể tiết lộ một số kết quả về chuyển đổi số của VietinBank. Nếu đề cập về một ứng dụng chuyển đổi số nổi bật dành cho khách hàng của VietinBank thời điểm này, ông tâm đắc sản phẩm nào?

Thời gian qua, các nền tảng ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp của VietinBank liên tục ghi nhận kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2023, VietinBank iPay Mobile dành cho khách hàng cá nhân thu hút gần 7,8 triệu khách hàng sử dụng, tăng 23% so với năm 2022. Số lượng giao dịch đạt 1.180 triệu (tương đương hơn 98 triệu giao dịch được thực hiện mỗi tháng), tăng 58,5% so với năm 2022. Tỷ trọng giao dịch qua kênh iPay đạt 91,6% tổng giao dịch khách hàng cá nhân, tăng 5,8% so với năm 2022. Đây không chỉ là ứng dụng ngân hàng số, mà còn là hệ sinh thái số, kết nối tới hơn 2.400 nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp mọi nhu cầu đời sống hàng ngày của khách hàng.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, ứng dụng eFAST được xem như trợ lý tài chính số với hơn 130 tính năng đã thu hút 107.000 doanh nghiệp sử dụng thường xuyên. Số lượng giao dịch trong năm 2023 đạt 32,5 triệu giao dịch, tương đương năm 2022. Tỷ trọng giao dịch qua kênh eFAST tăng lên 82% (từ mức 80% năm 2022).

Chúng ta đã nói rất nhiều về ứng dụng chuyển đổi số, đặc biệt trong hoạt động thanh toán, tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ về một lĩnh vực còn rất mới trên thị trường, đó là chuyển đổi số trong hoạt động cấp tín dụng. Hiện nay, khách hàng không cần đến chi nhánh VietinBank để thực hiện các khoản vay nhỏ lẻ, mà chỉ cần sử dụng ứng dụng ngân hàng số VietinBank iPay để vay tiêu dùng. Sau khi cài đặt xong app và trong vòng vài phút, VietinBank iPay sẽ thu thập thông tin, đánh giá tín dụng, kiểm tra thông tin về lịch sử tín dụng với dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC), từ đó quyết định cấp khoản vay tiêu dùng. Tiền sẽ được giải ngân ngay vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Đây là sự tiện lợi rất lớn dành cho khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng.

Hồng Dung thực hiện. / Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-doi-so-co-hoi-va-thach-thuc-post347182.html