Trưởng thành từ khởi nghiệp

Cùng sự trợ giúp, đồng hành từ các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh và các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hay các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tuy khởi đầu còn nhỏ, non trẻ đã vượt qua những khó khăn trong hành trình khởi nghiệp và đang dần khẳng định vị thế trên thị trường.

 Tư vấn cho các dự án khởi nghiệp tiếp tục phát triển, thương mại hóa sản phẩm

Tư vấn cho các dự án khởi nghiệp tiếp tục phát triển, thương mại hóa sản phẩm

Lớn mạnh từ một sân chơi

Những tên tuổi, thương hiệu đang được nhắc đến khá nhiều và dần nổi tiếng trên thị trường như Maypaperflower - Hoa giấy Huế, Mộc Truly Huế, Bánh ép Huế One Food, Gia vị Bún bò Huế, tinh dầu NEO, trà vả Lộc Mai... hầu hết đều được khởi nguồn và khai sinh từ các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) hằng năm của tỉnh. Điều đáng mừng là các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đoạt giải hay vào sâu vào vòng trong qua các cuộc thi KNĐMST đều được quan tâm hỗ trợ thông qua các chương trình, chính sách của tỉnh. Nhờ đó, nhiều ý tưởng, dự án đã phát triển thành các sản phẩm và không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để phát triển trên thị trường. Trong đó phải kể đến những sản phẩm quen thuộc như: Gia vị Bún bò Huế, Giày Xưa, Tinh dầu Sao La, sản phẩm Atiso đỏ, Sen Huế của Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt, Tranh hoa giấy…

Được sự quan tâm, hỗ trợ, tư vấn từ Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp xanh Mộc An đã đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp. Giám đốc công ty - Hoàng Thị Cẩm Nhung cho biết, đến nay, công ty đã mở rộng liên kết vùng trồng nguyên liệu theo mô hình hữu cơ để cung cấp đảm bảo, thường xuyên nguồn nguyên liệu cho nhà máy. Đặc biệt, sau khi dự án khởi nghiệp “Ngũ cốc Mộc An - Hành trình phát triển bền vững từ vùng tài nguyên bản địa” đoạt giải Nhất tại Cuộc thi KNĐMST tỉnh năm 2023, công ty đã có nhiều cải tiến về bao bì và sản xuất thêm nhiều dòng sản phẩm từ các loại hạt để đáp ứng nhu cầu thị trường trong ngoài tỉnh.

Nhiều doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp được hỗ trợ về cải tiến mẫu mã, không gian trưng bày và phát triển vùng nguyên liệu

Nhiều doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp được hỗ trợ về cải tiến mẫu mã, không gian trưng bày và phát triển vùng nguyên liệu

Chị Nguyễn Thị Trà My, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản phẩm thiên nhiên Trà My sau hành trình tham gia Cuộc thi KNĐMST năm 2023 với dự án "Sản xuất nước giặt đồ lót sinh học Myy Nature cho trẻ em từ quả khế chua - Hành trình để phát triển bền vững" cũng đã tìm thấy nhiều cơ hội mở cho sản phẩm khởi nghiệp của mình. Chị Trà My chia sẻ, ngoài tham gia các hoạt động hỗ trợ, kết nối các nhà đầu tư, kết nối chuyên gia để được tư vấn phát triển sản phẩm khởi nghiệp, chị còn tranh thủ góp mặt tại các cuộc gọi vốn trực tiếp từ các nhà đầu tư, doanh nhân với mong muốn tìm được nhà đầu tư thiên thần để nâng quy mô, đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp.

May mắn đến nhanh hơn so với những bạn đồng hành, ngay sau chung kết trao giải Cuộc thi KNĐMST năm 2023, Trần Vũ, chủ nhân của dự án khởi nghiệp "Xây dựng nhà kính trồng rau, trồng hoa công nghệ cao" tại thị trấn A Lưới, huyện A Lưới đã được một shark rót vốn hơn 1,5 tỷ đồng vào dự án. Có thêm nguồn lực mạnh, Trần Vũ đã tập trung vào đầu tư cơ sở nhà kính, trồng những giống hoa chủ lực, rau hữu cơ theo hướng công nghệ cao phục vụ thị trường.

Nhiều dự án đoạt giải cao tại các cuộc thi KNĐMST tỉnh trong những năm qua còn được hỗ trợ thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Đơn cử như các dự án về ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền; sản xuất một số cây đặc sản thương hiệu Nam Đông tại khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi Thác Mơ; Nghiên cứu ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn trong đánh giá, phân loại xếp hạng sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế; hỗ trợ các dự án khởi nghiệp thiết kế, xây dựng bộ chuẩn nhận diện thương hiệu và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ...

Hậu thuẫn

Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng cho biết, những năm qua, Sở KH&CN đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển khởi nghiệp như đào tạo, hướng dẫn, tập huấn, nâng cao năng lực, lập kế hoạch, định hướng phát triển cho các dự án khởi nghiệp, các sản phẩm khởi nghiệp. Bên cạnh đó, đơn vị còn kết nối đội ngũ chuyên gia cố vấn khởi nghiệp, tài chính trong khởi nghiệp để tập huấn, huấn luyện kỹ năng thuyết trình dự án, thuyết trình gọi vốn và phổ biến, hướng dẫn các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.

 Dự án khởi nghiệp trồng hoa công nghệ cao ở A Lưới được đầu tư phát triển về quy mô, chủng loại để đáp ứng nhu cầu thị trường

Dự án khởi nghiệp trồng hoa công nghệ cao ở A Lưới được đầu tư phát triển về quy mô, chủng loại để đáp ứng nhu cầu thị trường

Cùng với chính quyền, các đơn vị hỗ trợ, đơn vị tài trợ vốn, tổ chức nghiên cứu..., cơ sở ươm tạo còn là thành tố quan trọng trong hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh để doanh nghiệp khởi nghiệp tương tác và nhận sự trợ giúp để từng bước trưởng thành hơn. Một số cơ sở ươm tạo được phát triển trong hệ sinh thái KNĐMST tỉnh trong những năm qua như: Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư cộng hưởng; Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo - Đại học Huế; Trung tâm Đổi mới sáng tạo - Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, Trung tâm KNĐMST Thừa Thiên Huế - Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh; Câu lạc bộ Khởi nghiệp Huế... đã giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn và định hướng cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp thời gian qua phát triển đúng hướng, phù hợp thị trường, giúp nâng cao năng lực, tiến đến thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ.

Theo ông Hồ Thắng, sở dĩ tập trung vào đối tượng là doanh nghiệp khởi nghiệp với những ý tưởng, dự án khởi nghiệp hay, mới lạ, có khả năng thương mại hóa cao một phần là để doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ của Thừa Thiên Huế bắt kịp xu thế công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, rút ngắn thời gian từ việc hình thành ý tưởng, dự án khởi nghiệp, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích… cho đến khi đưa ra sản phẩm thương mại và phát triển thị trường có hiệu quả.

Còn với quan điểm của ông Trương Thanh Hùng, Chủ tịch FiNNO Group, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn KNĐMST Quốc gia, thực tế, bên cạnh những ưu điểm, hoạt động KNĐMST vẫn còn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro. Vì thế, doanh nghiệp khởi nghiệp, startup cần phải vượt qua nhiều thách thức để có thể đứng vững, đem lại những giá trị thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mà trong đó không thể thiếu bóng dáng của những "bà đỡ", thậm chí là của những doanh nghiệp khởi nghiệp là "đàn anh, đàn chị" đi trước. Hơn hết, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phải luôn xây dựng cho mình một hình ảnh mới, riêng biệt so với các loại hình doanh nghiệp thông thường.

Hoài Thương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/truong-thanh-tu-khoi-nghiep-142155.html