Đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn cần 26.000 tỷ đồng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng về Đề án 'Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050'. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án đến năm 2030 khoảng 26.000 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu là đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam có thể tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất. Theo đó, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Trong đó, có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam đang có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Việt Nam đang có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Đặc biệt, trong số này, tối thiểu 5.000 kỹ sư có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện nay việc ứng dụng AI để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ phát triển AI đang ngày càng phổ biến và là xu thế chung không thể đảo ngược, với sự tham gia của các tập đoàn lớn như NVIDIA, Google, Meta, Apple, Microsoft… Vì vậy, trong số 50.000 kỹ sư cần có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ chuyên môn sâu về AI.

Để thực hiện đề án phát triển nguồn lực cho ngành này, Bộ KH&ĐT tính toán, đến năm 2030, kinh phí cần 26.000 tỷ đồng. Trong đó, 17.000 tỷ đồng đến từ ngân sách Nhà nước. Kinh phí phân bổ làm 2 giai đoạn 2024-2025 (7.900 tỷ đồng), 2026-2030 (18.100 tỷ đồng). Nguồn lực dự kiến phân bổ cho 5 nhóm: Đào tạo nguồn nhân lực (14.000 tỷ đồng); nghiên cứu và phát triển (1.500 tỷ đồng); đầu tư cơ sở vật chất (6.400 tỷ đồng); xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực (3.700 tỷ đồng); nhiệm vụ, giải pháp khác (400 tỷ đồng). 50.000 kỹ sư được đào tạo theo cơ cấu gồm 500 tiến sĩ, 7.500 thạc sĩ, 42.000 kỹ sư. Theo lĩnh vực chuyên sâu, có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Việc đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên cũng được triển khai song song. Những giảng viên này sẽ giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Trong việc đầu tư, vận hành các cơ sở phòng thí nghiệm về bán dẫn, căn cứ khả năng cân đối, ngân sách Nhà nước dự kiến đầu tư, xây dựng 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (1.000 tỷ đồng), Đại học Quốc gia Hà Nội (1.500 tỷ đồng), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (2.000 tỷ đồng) và tại TP Đà Nẵng (430 tỷ đồng). 18 phòng thí nghiệm bán dẫn tiêu chuẩn tại 18 trường đại học công lập cũng được hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, phần mềm bản quyền để hình thành, nâng cấp. Mỗi phòng thí nghiệm được đầu tư 80 tỷ đồng.

Để thực hiện Đề án, thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã thực hiện nhiều chương trình phát triển nguồn nhân lực như chương trình nhân tài số hợp tác với Google; chương trình thách thức đổi mới sáng tạo hợp tác với Meta; chương trình đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn hợp tác với Synopsys, Cadence, Siemens, Đại học Bang Arizona...

Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Võ Xuân Hoài cho rằng, hệ thống các cơ sở đào tạo, các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước đủ khả năng để đào tạo đủ số kỹ sư như mục tiêu của Đề án. Theo khảo sát của Bộ KH&ĐT, với khả năng cung cấp nhân lực của các trường đại học và cơ sở đào tạo của Việt Nam, hoàn toàn có thể cung cấp được 50.000 kỹ sư chất lượng cao trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Nếu kết hợp các chương trình đào tạo ngắn hạn tốt, hoàn toàn có thể có số lượng lớn hơn, chất lượng tốt trên cơ sở hợp tác quốc tế.

Theo các chuyên gia, thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút được các doanh nghiệp FDI công nghệ trong các khâu đóng gói, kiểm thử, sản xuất, thiết kế. Khảo sát của Hiệp hội Bán dẫn Hoa Kỳ cũng cho biết nhu cầu nguồn nhân lực của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới rất lớn chứ không chỉ ở Việt Nam. Song, Bộ KH&ĐT cho rằng, hiện số lượng kỹ sư Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn chưa mạnh cả chất lượng và số lượng. Việt Nam đặc biệt thiếu các tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng - người làm chủ hoàn toàn công nghệ thiết kế để phát triển nên những chip bán dẫn mới. Khả năng làm việc bằng tiếng Anh, trong môi trường quốc tế của kỹ sư Việt Nam còn yếu. Việt Nam cũng chưa có các trung tâm đào tạo, nghiên cứu lớn về bán dẫn. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ với nhân tài, chuyên gia nước ngoài chưa hấp dẫn. Bộ KH&ĐT cho rằng, khoảng hơn 2.000 người Việt Nam đang làm việc trong các tập đoàn công nghiệp bán dẫn lớn tại các quốc gia, nền kinh tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu... Đây là một nguồn tài nguyên quan trọng đối với sự phát triển của ngành này tại Việt Nam. Để thúc đẩy sự phát triển của ngành, cần thiết phải xây dựng các cơ chế chính sách và đãi ngộ cạnh tranh, hấp dẫn để tăng tỷ lệ tham gia của nhóm nhân sự này với Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, theo Đề án, Bộ TT&TT có nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn trong phạm vi lĩnh vực quản lý. Bộ TT&TT dự kiến phối hợp với Bộ KH&ĐT triển khai các nội dung thuộc Đề án đảm bảo bám sát mục tiêu của chiến lược liên quan về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia; đồng thời Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự liên kết của các doanh nghiệp công nghệ vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Phan Đức

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/dao-tao-50-000-ky-su-ban-dan-can-26-000-ty-dong-i735179/