Chuyển đổi số để hiện đại, chuyên nghiệp và bền vững
Ngày 10/7, nhân kỷ niệm 40 năm ngày phát hành số báo đầu tiên, Báo Pháp luật Việt Nam đã chính thức ra mắt mô hình tòa soạn hội tụ, thêm một bước phát triển mới trên hành trình chuyển đổi số, chuyên nghiệp và bền vững.

Báo pháp luật Việt Nam ra mắt mô hình tòa soạn hội tụ
Chuyển đổi số tại báo Pháp luật Việt Nam là hành trình chuyển mình đầy quyết tâm và sáng tạo. Từ những ngày đầu gõ máy chữ giữa âm vang của tiếng in ro ro, đến những buổi giao lưu trực tuyến giữa khó khăn cơ sở vật chất, rồi nay là mô hình tòa soạn hội tụ đang dần hiện hữu… tất cả là sự tiếp nối một khát vọng: phục vụ công chúng ngày một tốt hơn, góp phần vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Từ máy đánh chữ đến nền tảng số
Cách đây hơn ba thập kỷ, khi tờ báo Pháp luật Việt Nam ra những số đầu tiên, phương tiện làm báo là chiếc máy đánh chữ kêu lạch cạch trong một góc phòng họp của Bộ Tư pháp. Những bài viết được gõ tay, chỉnh sửa bằng bút mực đỏ, rồi chuyển sang bộ phận dàn trang, sắp chữ, in thử và sửa morat. Đó là thời kỳ đầy gian nan nhưng cũng rất đáng nhớ của người làm báo, khi từng con chữ là kết quả của sự miệt mài, tỉ mỉ và đam mê.
Chiếc máy đánh chữ Remington cũ kỹ, những tờ bản thảo lem mực, hành trình vượt qua gió bui giờ tan tầm để mang bản thảo đến nhà in... tất cả đã từng là những biểu tượng sống động của nghề báo. Nhưng rồi thời gian trôi qua, công nghệ bắt đầu len lỏi vào từng quy trình làm báo. Những chiếc máy vi tính đầu tiên được trang bị, phần mềm soạn thảo văn bản dần thay thế máy đánh chữ. Sự xuất hiện của internet đã mở ra một chân trời mới cho ngành báo chí.
Báo Pháp luật Việt Nam, với tinh thần đổi mới, đã từng bước hòa mình vào dòng chảy đó. Năm 2015 báo Pháp luật Việt Nam điện tử ra đời, mô hình báo in ấn thuần túy đã được chuyển sang mô hình kết hợp giữa báo in và báo điện tử. Cùng với đó là những thách thức không nhỏ về cơ sở hạ tầng, nhân lực và tư duy nghề nghiệp.
Vượt qua rào cản công nghệ - đặt nền móng cho chuyển đổi số
Trong bối cảnh cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, đội ngũ phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên của báo đã có những sáng tạo đáng khâm phục. Với cơ sở hạ tầng kỹ thuật rất hạn chế, nhưng báo vẫn thực hiện được đủ các hình thức của ấn phẩm điện tử. Ngày 10/5/2016, Chương trình giao lưu trực tuyến đầu tiên của báo về Thừa phát lại được tổ chức trong sự hồi hộp của những người làm báo Pháp luật Việt Nam điện tử. Chương trình được thực hiện trên chức năng edit tin bài - đây là một bước đi đột phá vào thời điểm mà nhiều cơ quan báo chí vẫn đang loay hoay định hình vai trò của internet.
Những buổi giao lưu trực tuyến ấy không chỉ là hình thức tương tác mới mẻ giữa báo chí và công chúng, mà còn là minh chứng cho tư duy cởi mở, dám làm, dám đổi mới. Đằng sau thành công của mỗi buổi giao lưu là sự chuẩn bị kỹ lưỡng của đội ngũ kỹ thuật, sự hỗ trợ không ngừng nghỉ của các thư ký tòa soạn, những người không chỉ làm công việc hậu trường mà còn học hỏi nhanh chóng các kỹ thuật trình bày, thiết kế, đồ họa để làm nổi bật thông tin.
Trong thời kỳ ấy, không thể không nhắc đến vai trò của đội ngũ thư ký điện tử - những người âm thầm đảm nhận phần việc rất quan trọng trong chuyển đổi nội dung từ dạng truyền thống sang số hóa. Họ là những “kiến trúc sư ngầm” của bài báo điện tử, từ việc định dạng văn bản, nhúng video, chọn hình ảnh, tạo liên kết nội dung, cho đến việc ứng dụng kỹ xảo đồ họa để giúp bài báo trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.
Có những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời của những người lám báo Pháp luật Việt Nam điện tử, ví như sự cố trong vụ giao lưu trực tuyến với về “Hành trình giải oan cho tử tù Trần Văn Thêm”. Khi ấy, nội dung chương trình đã được ban biên tập duyệt, khách mời đã nhận lời tham gia, mọi thông tin về chương trình giao lưu đã được thông báo tới bạn đọc, đột ngột phóng viên phụ trách đón ông Thêm – nhân vật chính trong buổi giao lưu – thông báo ông Thêm bị sự cố sức khỏe, không thể đến tòa soạn được. Tổ thư ký nhanh chóng hội ý. Không thể dừng chương trình - Đó là mệnh lệnh, là uy tính với bạn đọc. Nhưng làm sao để thực hiện nhiệm vụ khó khăn ấy? Và trong cái khó, ló ra giải pháp: Một phóng viên được phân công trực tiếp đến nhà ông Thêm – và nhà riêng của ông Thêm là một đầu cầu, một “trường quay” cho chương trình giao lưu trực tuyến.
Sự cố và hướng khắc phục của ngày hôm đó, đã mở ra cho Báo Pháp luật Việt Nam một hướng đi mới, tổ chức những chương trình giao lưu trực tuyến ở nhiều địa phương mà không cần khách mời phải đến trụ sở của báo. Giải pháp này không chỉ làm đa dạng nội dung, hình thức, thành phần của chương trình, còn tiết kiệm được kinh phí, thời gian của cơ quan và khách mời.
Và vẫn chỉ với những điều kiện khó khăn về kỹ thuật, những người làm báo Pháp luật Việt Nam không đi bên lề dòng chảy của sự tiến bộ trong kỹ thuật làm báo. Chúng tôi đã có những bản tin, những chương trình tường thuật trực tiếp gần như ngay lập tức sự kiện ở hiện trường đến với bạn đọc như những vụ phong tỏa, mở phong tỏa thời covid, vụ sập cầu Phong Châu…
Hiện nay, Báo pháp luật Việt Nam đã có một bền tảng khá đa dạng với các thể loại báo chí đa phương tiện. Nhưng trong sự đa dạng đó, vẫn còn khuyết rất nhiều những kỹ thuật chuyên sâu phục vụ công tác báo chí.

Chương trình giao lưu trực tuyến đầu tiên của Báo về Thừa phát lại được tổ chức tháng 5/2016.
Xây dựng nền tảng tòa soạn hội tụ – bước chuyển mình chiến lược
Hiện nay, trong bối cảnh truyền thông số bùng nổ và người dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn về tốc độ, hình thức và chất lượng nội dung, báo Pháp luật Việt Nam đang triển khai xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ – một bước đi tất yếu để theo kịp thời đại.
Tòa soạn hội tụ không chỉ là nơi hợp nhất các bộ phận nội dung, kỹ thuật và quản trị, mà còn là không gian linh hoạt nơi các dòng thông tin được xử lý đồng bộ, đa nền tảng và theo thời gian thực. Phóng viên không còn viết bài đơn thuần cho báo in, mà đồng thời tác nghiệp cho báo điện tử, mạng xã hội, podcast, video clip...
Mỗi tác phẩm báo chí giờ đây là một “gói thông tin đa phương tiện” được xuất bản đồng thời trên nhiều nền tảng, phục vụ nhiều nhóm độc giả khác nhau. Trong đó, nội dung được tối ưu hóa theo thói quen tiêu thụ thông tin: bản tin ngắn gọn cho người đọc qua điện thoại, video ngắn cho mạng xã hội, podcast chuyên sâu cho người nghe khi di chuyển…
Để đáp ứng điều đó, báo Pháp luật Việt Nam đang đầu tư nâng cấp hệ thống quản trị nội dung (CMS) thông minh, tích hợp nhiều công cụ biên tập, xuất bản và phân tích dữ liệu. Hạ tầng kỹ thuật số được cải tiến mạnh mẽ, giúp thông tin được xử lý nhanh, chính xác và bảo mật cao.
Đội ngũ phóng viên cũng được đào tạo lại để có thể làm việc trong môi trường số: từ sử dụng flycam để ghi hình từ xa, dựng clip bằng phần mềm di động, đến kỹ năng khai thác dữ liệu lớn (big data) để phục vụ điều tra, phản biện.
Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, mà là chuyển đổi tư duy
Chuyển đổi số không đơn thuần là thay đổi công cụ. Đó là một cuộc cách mạng toàn diện về tư duy làm báo, tư duy quản trị và văn hóa tòa soạn. Từ chỗ chỉ đưa tin, báo chí ngày nay phải chủ động tạo ra dòng chảy thông tin, đồng thời biết cách lắng nghe, phân tích và phản hồi nhu cầu độc giả một cách tức thời.
Báo Pháp luật Việt Nam đã xác định rõ vai trò của chuyển đổi số không chỉ trong hoạt động nghiệp vụ, mà còn trong công tác quản lý, điều hành. Việc triển khai hệ thống Basa báo cáo trực tuyến, công cụ phân tích hiệu quả nội dung theo thời gian thực giúp lãnh đạo tòa soạn nắm bắt tình hình kịp thời, điều phối nhân lực hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu suất và giảm chi phí vận hành.
Bên cạnh đó, báo cũng không ngừng thử nghiệm các định dạng nội dung mới: long-form kết hợp đồ họa tương tác, chuyên đề multimedia, infographic dữ liệu pháp lý... Các sản phẩm này không chỉ giúp truyền tải nội dung một cách trực quan, hấp dẫn hơn, mà còn nâng tầm thương hiệu báo chí chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật.
Hướng tới hiện đại, chuyên nghiệp và bền vững
Báo chí hiện đại phải mang tính chuyên nghiệp và bền vững. Báo Pháp luật Việt Nam xác định: chuyển đổi số là nền tảng để thực hiện mục tiêu đó. Sự hiện đại không chỉ đến từ thiết bị, phần mềm, mà còn từ đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, có tư duy số, năng lực đa nhiệm và khả năng sáng tạo không ngừng.
Về cơ sở hạ tầng, Báo Pháp luật Việt Nam đã nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết bị, mạng Internet, phòng họp trực tuyến, thiết bị số hóa..., tiến tới số hóa 100% các hoạt động quản lý, chuyên môn và nghiệp vụ trên một nền tảng duy nhất. Đồng thời, toàn bộ nội dung các ấn phẩm của Báo cũng được chia sẻ trên nền tảng số và mạng xã hội.
Mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, Báo vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu dùng chung để kết nối các phòng ban, xây dựng hệ sinh thái dữ liệu lớn (Big Data), phát triển dịch vụ thu phí đọc báo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động báo chí.
Bên cạnh các sản phẩm nội dung, Báo cũng đặt mục tiêu phát triển nguồn thu từ chuyển đổi số làm trụ cột, với doanh thu từ quảng cáo trên nền tảng số phấn đấu đạt từ 13 đến 15 tỷ đồng mỗi năm, tăng trưởng 20-30% so với hiện tại.
Một hành trình không ngừng chuyển động
Chuyển đổi số không phải là đích đến. Đó là quá trình không ngừng đổi mới để thích nghi, sáng tạo và dẫn dắt. Với nền tảng đã được vun đắp suốt nhiều năm và tầm nhìn chiến lược đúng đắn, Báo Pháp luật Việt Nam đang từng bước trở thành một tòa soạn số hội tụ – hiện đại – chuyên nghiệp, góp phần quan trọng trong việc hiện đại hóa nền báo chí quốc gia. Chúng tôi đang tiếp tục vững bước trên con đường hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa và phát triển bền vững – xứng đáng là cơ quan ngôn luận uy tín trong lĩnh vực pháp luật, đồng hành cùng công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế của đất nước.
Với quyết tâm đổi mới và khát vọng chuyển mình mạnh mẽ, Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày phát hành số báo đầu tiên (10/7/1985 - 10/7/2025), Báo Pháp luật Việt Nam chính thức ra mắt Tòa soạn hội tụ, đánh dấu bước chuyển từ tư duy làm báo truyền thống sang mô hình báo chí tích hợp, hiện đại, nhanh nhạy và đa phương tiện.