Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực, nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh, góp phần rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh, giảm tải áp lực cho nhân viên y tế, đem đến sự hài lòng cho người bệnh và người nhà người bệnh.

Triển khai mô hình ki ốt y tế thông minh

Trước đây, mỗi khi đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện ở Thủ đô, người dân phải mang nhiều giấy tờ, hồ sơ bệnh án, đăng ký, xếp hàng chờ khám và thanh toán bằng tiền mặt mất nhiều thời gian... Hiện nay, những đổi mới, chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Y tế Hà Nội đang góp phần thay đổi thực trạng này.

Điển hình, tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa mỗi ngày tiếp đón khoảng 1.000 lượt bệnh nhân đến thăm khám, điều trị. Phần lớn trong số họ là những người cao tuổi, người trung niên, nhóm thường xuyên gặp phải các vấn đề về sức khỏe.Nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân được nhanh chóng, rút ngắn thời gian chờ đợi, từ tháng 2/2024, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã đưa vào sử dụng hệ thống ki ốt đăng ký khám bệnh bằng căn cước công dân, VNeID và nhận diện khuôn mặt tại phòng khám theo yêu cầu.

Ki ốt thông minh giúp người dân tự đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Ki ốt thông minh giúp người dân tự đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Theo đó, máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động sử dụng căn cước công dân gắn chíp và nhận diện khuôn mặt được Bệnh viện lắp đặt tại sảnh Khoa Khám bệnh của bệnh viện. Khi người bệnh lấy số, số thứ tự sẽ được máy kết nối vào khu đăng ký khám bệnh, bằng thao tác nhấn vào màn hình đơn giản, người bệnh có thể dễ dàng nhận số thứ tự vào làm thủ tục khám. Để giúp người dân không bị bỡ ngỡ, bệnh viện đã bố trí cán bộ y tế thường trực để hướng dẫn sử dụng.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Phúc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, với cách tiếp nhận bệnh nhân qua cách truyền thống, người bệnh phải qua quầy tiếp đón và làm một số thủ tục hành chính liên quan đến nhiều giấy tờ, việc đưa vào sử dụng máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động này giúp người dân giảm được rất nhiều thời gian.

Trong lần đầu tiên đến khám bệnh, người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp và nhận diện khuôn mặt để đăng ký dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện, cũng như thanh toán viện phí. Đối với những lần hẹn khám bệnh tiếp theo thì tất cả thông tin của người bệnh đã được lưu trữ trên phần mềm, người bệnh chỉ cần nhận diện khuôn mặt là có thể đăng ký các dịch vụ khám chữa bệnh. Sau khi đăng ký người bệnh được nhận ngay phiếu khám và đến trực tiếp nơi làm các dịch vụ kỹ thuật mong muốn.

Việc sử dụng máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động giúp người bệnh thuận tiện trong việc đăng ký khám bệnh, không phải xếp hàng chờ đợi, rút ngắn thời gian, giảm tải các thủ tục hành chính, đem lại sự hài lòng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đồng thời, giúp các y, bác sĩ chủ động tiếp nhận thông tin của người bệnh, theo dõi, truy cập lịch sử khám bệnh của bệnh nhân một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện hơn.

Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng áp dụng phương thức thanh toán điện tử bằng mã QR để giúp người bệnh thanh toán viện phí mà không phải chờ đợi, giảm thiểu các rủi ro nhầm lẫn, sai sót khi giao dịch tiền mặt, đồng thời tiết kiệm chi phí quản lý, in ấn...

Đồng bộ nhiều giải pháp

Tương tự, là bệnh viện hạng I của Hà Nội với 7 chuyên khoa đầu ngành, quy mô 870 giường bệnh, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Từ tháng 5/2023, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã thử nghiệm và đưa vào sử dụng ki ốt đăng ký khám bệnh tự động sử dụng căn cước công dân gắn chíp và nhận diện khuôn mặt. Cuối tháng 9/2023, bệnh viện đã đưa vào sử dụng hệ thống 5 ki ốt.Đến nay, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 lượt người bệnh đăng ký khám bệnh và thanh toán qua ki ốt. Dự kiến, đến cuối năm 2024 sẽ có khoảng 90% người dân sử dụng ki ốt trong đăng ký khám bệnh và thanh toán viện phí tại bệnh viện.

Thời gian qua ngành Y tế Hà Nội đã triển khai thí điểm 5 ki ốt tự phục vụ tiếp đón khoảng 1.600 bệnh nhân/ngày tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và 1 ki ốt tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa; đồng thời tiếp tục triển khai thí điểm ki ốt tự phục vụ tại Bệnh viện đa khoa Ba Vì và Bệnh viện Hòe Nhai.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai mô hình ki ốt y tế thông minh tại các cơ sở khám chữa bệnh của Thành phố do Sở Y tế Hà Nội tổ chức vừa qua, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, đăng ký triển khai mô hình ki ốt y tế thông minh góp phần chuyển đổi số ngành Y tế, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện.

Để triển khai hiệu quả mô hình này, các đơn vị cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hệ thống hoạt động được thông suốt; đưa ra yêu cầu cụ thể về mặt chuyên môn trong việc xây dựng hệ thống theo thực tế của từng đơn vị làm sao hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đăng ký khám chữa bệnh của người dân. Đặc biệt, sau khi triển khai cần tiếp tục kiểm tra, theo dõi, đánh giá hiệu quả mô hình để có những giải pháp điều chỉnh kịp thời.

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình phát triển bệnh viện, với sự đầu tư đồng bộ, bài bản về công nghệ thông tin, đến nay, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã hình thành, phát triển kho dữ liệu và xây dựng các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành, bao gồm: App khám bệnh, bệnh án điện tử, ứng dụng AI trong nội soi tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh; thanh toán không dùng tiền mặt…

Ngoài Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn,đã có nhiều bệnh viện của ngành Y tế Hà Nội triển khai hiệu quả bệnh án điện tử như: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình và Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai. Đồng thời, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng nằm trong nhóm năm bệnh viện triển khai hiệu quả công tác khám chữa bệnh từ xa, đem lại nhiều lợi ích cho cả bác sĩ và người bệnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành Y tế Hà Nội đã triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe, Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn Thành phố; kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa, 297 trạm y tế với trên 3,5 triệu hồ sơ đã được đẩy thành công lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VneID; hơn 16,2 triệu lượt khám chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh lên Hệ thống Hồ sơ sức khỏe Thành phố…

Thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý điều hành, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị. Đồng thời, ngành Y tế Thủ đô cũng sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị về công nghệ thông tin; hoàn thành triển khai thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử… nhằm hướng tới việc chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân ngày một tốt hơn.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-doi-so-de-nang-cao-chat-luong-kham-chua-benh-176073.html