Chuyển đổi số để sản xuất, kinh doanh hiệu quả

Đại diện các doanh nghiệp tham gia lớp tập huấn nâng cao kỹ năng kinh doanh trực tuyến. Ảnh: VÕ PHÊ

Trong xu thế phát triển công nghệ thông tin, thương mại điện tử, chuyển đổi số hiện nay, các doanh nghiệp, ngành chức năng nhanh chóng tiếp cận, thay đổi phương thức quản lý, kinh doanh trên các nền tảng số để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Muốn phát triển, phải thay đổi

Tiêu Sơn Thành, một trong số sản phẩm của tỉnh đạt OCOP 3 sao từ năm 2020 và cũng là một trong 50 sản phẩm hàng đầu trong ngành Nông nghiệp nhưng chỉ mới bắt đầu tiếp cận được với khách hàng qua môi trường trực tuyến. Theo ông Đàm Xuân Huyên, Giám đốc Công ty CP Vina cà phê Sơn Thành, sản phẩm tiêu Sơn Thành thực tế chưa xuất khẩu được, chỉ đáp ứng thị trường nội địa và chưa quảng bá được đến nhiều khách hàng. Gần đây, công ty có đăng ký website bán hàng trực tuyến nên sản phẩm được nhiều khách hàng quan tâm hơn, doanh số bán hàng cũng tăng cao. “Việc cần thiết hiện nay là đầu tư công nghệ, vận hành, bán hàng trên nền tảng số… thì sản phẩm mới phát triển và được nhiều người biết đến hơn”, ông Huyên nói.

Chia sẻ về những giải pháp tiếp cận với nền tảng số, bà Nguyễn Thị Quỳnh Châu, Trưởng điều hành xe khách Tuy Hòa (Công ty CP Dịch vụ du lịch Mộc Thảo) cho biết: Trước đây, công ty chỉ in, xuất vé và giao trực tiếp cho khách hàng, nhưng hiện tại, công ty đã có website, bố trí nhân viên phụ trách hệ thống bán vé cho khách đặt vé online. Nhờ hệ thống giao dịch trực tuyến, khách hàng chủ động hơn trong khâu đặt vé theo đúng yêu cầu về thời gian, cách thức thanh toán; lượng vé công ty bán ra tăng khoảng 30-40% so với trước đây.

Theo ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, ngoài một số doanh nghiệp trên địa bàn đã đầu tư, ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ số, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng hoặc chỉ bước đầu làm quen. Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các đơn vị chức năng đã tổ chức nhiều chương trình liên quan đến chuyển đổi số để doanh nghiệp nắm bắt, vận hành theo xu hướng công nghệ hiện đại. Chính từ chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đã thay đổi hiệu quả việc sản xuất, kinh doanh.

Tại buổi tập huấn về phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số và kinh tế số hiệu quả do Sở Công Thương tổ chức mới đây, nhận định về công tác chuyển đổi số của doanh nghiệp, ông Lê Nguyễn Hồng Phương, Phó Chủ tịch thường trực Vietnam2030, Chủ tịch BIT Group nhận định: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ về chuyển đổi số nhưng vẫn còn doanh nghiệp không nhận thức đúng và sử dụng phương thức kinh doanh cũ, ngại triển khai phương thức mới, hoặc áp dụng những cách chuyển đổi từ bên ngoài mà chưa chuyển đổi nội tại. Với yêu cầu hiện nay, nếu doanh nghiệp không thích nghi, không thay đổi sẽ trở nên lạc hậu, chậm phát triển.

Chuyển đổi từ tư duy đến kỹ năng, công cụ

Ông Lê Nguyễn Hồng Phương cũng cho biết thêm: Các doanh nghiệp vẫn đơn thuần cho rằng, chuyển đổi số là mua một phần mềm, website hoặc ứng dụng một công nghệ mới, dây chuyền sản xuất mới; thực chất, đây chỉ là một phần nhỏ trong chuyển đổi số. Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trước hết phải chuyển đổi từ tư duy, đến kỹ năng, công nghệ. Song mỗi doanh nghiệp khác nhau cần có những giải pháp thay đổi, chuyển đổi số khác nhau. Công việc này đầu tiên phải bắt đầu từ thực trạng của doanh nghiệp và tư duy, nhận thức của người quản lý doanh nghiệp; sau đó đến kỹ năng, công cụ phục vụ cho chuyển đổi số.

Theo các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn, chuyển đổi số là vấn đề cấp thiết, cần được đầu tư để phát triển hoạt động phù hợp với tình hình mới. Ngoài việc doanh nghiệp tự nắm bắt, đầu tư, xây dựng những chiến lược, giải pháp chuyển đổi số để mang lại hiệu quả thì sự hỗ trợ, đồng hành của ngành chức năng, địa phương cần được tăng cường. Bà Nguyễn Thị Diễm Lê, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Xuân chia sẻ: “Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của địa phương dần tiếp cận, phát triển hoạt động nhờ áp dụng chuyển đổi số, thay đổi phương thức bán hàng. Địa phương tiếp tục kết nối với các đơn vị chức năng trong tỉnh tổ chức các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử, chuyển đổi số để doanh nghiệp trang bị kiến thức, cập nhật thông tin, từ đó nâng cao nhận thức, kỹ năng, đầu tư công nghệ, hướng đến phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá… thông qua môi trường trực tuyến”.

Còn theo ông Ngô Lê Nhật Hoài, chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sơn Hòa, doanh nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu nhỏ lẻ, nhận thức, tư duy về công nghệ, chuyển đổi số vẫn chưa thay đổi nhiều. Những năm qua, phòng trực tiếp tham mưu UBND huyện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp xúc, tìm hiểu những phương thức kinh doanh mới, nhất là chuyển đổi số vì đây là cách để doanh nghiệp tiếp cận thị trường nhanh nhất. Huyện Sơn Hòa sẽ phối hợp, tăng cường triển khai các giải pháp về ứng dụng công nghệ, mở các lớp tập huấn, đào tạo… để doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận các nền tảng số, nâng giá trị sản phẩm địa phương.

Chuyển đổi số mang lại hiệu quả nhất định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như trong công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Bản thân doanh nghiệp cần nhận thức đúng về chuyển đổi số để có định hướng và lựa chọn đúng mục tiêu, phương pháp hoạt động, đồng thời tối ưu hóa chi phí khi sử dụng các công cụ trên nền tảng số, góp phần tăng doanh thu sản xuất, kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công Thương

VÕ PHÊ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/299066/chuyen-doi-so-de-san-xuat-kinh-doanh-hieu-qua.html