Chuyển đổi số để tạo động lực phát triển trong giai đoạn mới

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số, TS. Trần Văn, chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Chuyển đổi số là một cuộc cải cách từ mô hình kinh doanh đến quản trị nhà nước, trong đó lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

- Theo ông, đâu là động lực tăng trưởng 2023 và chúng ta cần phải làm gì để phát huy được động lực tăng trưởng phù hợp với tình hình mới?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh 3 yếu tố, 3 động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Đó là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư. Tôi cho rằng, nhiều năm nay, “cỗ xe tam mã” này luôn là yếu tố quan trọng đưa nền kinh tế về đích đúng kế hoạch.

Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số, TS. Trần Văn

Thị trường nội địa gần 100 triệu dân sẽ là bệ đỡ vô cùng quan trọng cho các doanh nghiệp, ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường thế giới thu hẹp. Ngay từ lúc này, cần phải tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước, đồng thời khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Quốc hội dành nguồn lực gần 727.000 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2022, cần đẩy nhanh việc giải ngân nguồn lực này, nhất là các nguồn lực dành cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Vậy thưa ông kinh tế số sẽ có vai trò như thế nào trong tăng trưởng ?
Bên cạnh các yếu tố tăng trưởng quan trọng đó, theo tôi vấn đề lớn đối với kinh tế Việt Nam 2023 và những năm tiếp theo là phải đưa kinh tế số vào các ngành sản xuất và đời sống. Việc chuyển đổi số giúp sáng tạo và đổi mới các mô hình kinh doanh, chuyển đổi của các thành phần kinh tế, các lĩnh vực, DN, sản xuất và dịch vụ , nói chính xác là thay đổi từng tế bào của nền kinh tế- xã hội.

Tập trung chuyển đổi số là hướng đi đúng theo xu thế của thế giới và phát huy tiềm năng, thế mạnh của cả nước. Đây không chỉ là giải pháp thúc đẩy tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà còn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lâu dài. Nền kinh tế số phát triển được phải bằng việc hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế thực. Và sau đó chúng ta tạo hệ sinh thái cho DN công nghệ số, cũng như sẵn sàng để huy động nguồn lực vào môi trường số. Một yếu tố quan trọng là tài sản số và lợi nhuận số được pháp luật công nhận và bảo vệ. Bởi nếu tài sản số không được bảo vệ thì cũng sẽ không có kinh tế số vì các DN sẽ không có động lực tạo ra của cải số/lợi nhuận số nếu sau đó họ không giữ được.

Chuyển đổi số là một cuộc cải cách từ mô hình kinh doanh đến quản trị nhà nước. Đối với Nhà nước, đó là cải cách trong quản trị, còn động lực chính của chuyển đổi số phải là doanh nghiệp và từng người dân. Làm được như vậy mới có động lực, nền tảng để hoàn thành kế hoạch 5 năm, 10 năm tới. Thực ra, chúng ta không lo thiếu tiền hay thiếu người để làm mà là lo thiếu sự quyết tâm. Thế giới đang đi rất nhanh. Chuyển đổi số là vấn đề sống còn, phải thật nhanh lên để chúng ta hội nhập vào cuộc chơi, để tạo động lực phát triển trong giai đoạn mới.

- Viện Chiến lược phát triển kinh tế số vừa tổ chức thành công chuyến đi nghiên cứu kinh nghiệm chuyển đổi số lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Hàn Quốc, được xem là điển hình thành công. Xin ông cho biết một số bài học từ Hàn Quốc?

- Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vựa tài chính ngân hàng Hàn Quốc đã sớm ban hành các luật có liên quan đến fintech và NH số (internet-only bank hay neo-bank) như: Luật NH internet only; Luật Hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng mà cốt lõi là các quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với phương châm “cấp phép trước, điều chỉnh sau”, với thời hạn thử nghiệm 2 năm và chỉ gia hạn một lần 2 năm.

Hiện nay, chiến lược chuyển đổi số lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Hàn Quốc tập trung vào tăng cường khả năng cạnh tranh của các nền tảng dịch vụ tài chính và mở rộng mạng lưới các điểm dịch vụ kỹ thuật số. Các ngân hàng truyền thống, với các fintech lab và hệ thống start-up fintech của mình, đang tăng cường khả năng cạnh tranh với các fintech, big tech qua phát triển các siêu ứng dụng trên nền điện thoại di động thông minh giống như các ngân hàng internet-only, với nhiều tính năng, dịch vụ tài chính, thậm chí là phi tài chính được tích hợp, tối đa hóa tiện lợi, thân thiện với mọi đối tượng khách hàng.

Hàn Quốc khuyến khích các doanh nghiệp tài chính tự chịu trách nhiệm về việc thẩm định khách hàng và tự phát triển quy trình hoặc cơ chế kiểm tra nội bộ của mình. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thành lập Trung tâm Hỗ trợ tài chính công nghệ (Fintech Support Center) nhằm tư vấn và tài trợ vốn cho các công ty thuộc lĩnh vực Fintech. Các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech cũng được nhận vốn tài trợ từ Chính phủ Hàn Quốc thông qua các ngân hàng chính sách. Nước này cũng phát triển hệ thống an ninh dữ liệu, ban hành các đạo luật về an ninh và bảo vệ dữ liệu, tăng cường giám sát các giao dịch tài chính trực tuyến và hoạt động của ngân hàng số.

- Từ câu chuyện của Hàn Quốc, ông chia sẻ điều gì về thực tế chuyển đổi số của Ngân hàng Việt Nam?

- Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngân hàng số nhờ quy mô dân số lớn gần 100 triệu dân, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh ở mức cao.

Các ngân hàng truyền thống ở Việt Nam đã chủ động nghiên cứu các công nghệ mới ứng dụng trong hoạt động kinh doanh, bước đầu đạt kết quả nhất định. Hầu hết các ngân hàng đều có các siêu ứng dụng trên điện thoại di động để đưa khách hàng tới nhiều dịch vụ gia tăng không chỉ liên quan đến hoạt động tài chính tín dụng mà còn sử dụng được nhiều tiện ích khác.

Dịch vụ ngân hàng số phát triển với tốc độ nhanh chóng. Ví dụ số liệu từ NHNN cho thấy, giao dịch thanh toán trên thiết bị di động ở Việt Nam tăng trưởng mạnh hàng năm, với 90% về số lượng và 150% về giá trị, chứng minh được tầm quan trọng của chiến lược chuyển đổi số đối với ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là khung pháp lý về chuyển đổi số còn chưa thật sự đồng bộ trong quá trình thực hiện, thường đi sau sự phát triển của hạ tầng công nghệ, kỹ thuật số còn hạn chế và chưa đồng nhất trong hệ thống các ngân hàng; áp lực gia tăng từ các cuộc tấn công an ninh mạng và lừa đảo ngày càng gia tăng; sự cạnh tranh của các công ty Fintech trong lĩnh vực tài chính...

Do đó, để có thể thực hiện chiến lược chuyển đổi số hiệu quả và thuận lợi hơn, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số thành công của các ngân hàng ở những nước có nền kinh tế phát triển với nền công nghệ số hiện đại và thông minh. Được biết NHNN Việt Nam đang tích cực hành động, dẫn dắt lĩnh vực fintech, ngân hàng trong quá trình số hóa vì lợi ích chung của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Điều này là một tín hiệu rất đáng mừng trong năm mới 2023

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so-de-tao-dong-luc-phat-trien-trong-giai-doan-moi-i314726/