Chuyển đổi số, doanh nghiệp phải quyết tâm thay đổi từ 'gốc rễ'

Ngày 27/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Tự động hóa thành phố và Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức Ngày hội Tự động hóa năm 2020 với chủ đề Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất.

Sinh viên tìm hiểu các sản phẩm, công nghệ được trưng bày tại Ngày hội. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Sinh viên tìm hiểu các sản phẩm, công nghệ được trưng bày tại Ngày hội. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 90% doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn đang được chèo lái theo cách “bấp bênh”, chậm chạp; nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đang rất mơ hồ về khái niệm “chuyển đổi số”.

Chuyển đổi số đòi hỏi tổ chức, doanh nghiệp phải có một quyết tâm thay đổi từ “gốc rễ”, không ngừng thử nghiệm cái mới và học làm quen với thất bại. Chính vì thế, nhiều đơn vị rất chật vật trong quá trình chuyển đổi số vì khó bỏ được những giá trị cốt lõi vốn có từ lâu nay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Quốc cho rằng nguyên nhân là do thiếu kinh nghiệm trong quản trị, thiếu sự đầu tư kỹ lưỡng cho chuyển đổi; các chiến lược cần thiết được vạch ra cho chuyển đổi số vẫn trong tình trạng nhiều thiếu sót, chưa hoàn thiện và đưa vào áp dụng. Dù vậy, các doanh nghiệp cũng đang dần tiếp nhận, học cách “tồn tại”, cố gắng thực hiện chuyển đổi số qua việc áp dụng các công cụ như điện toán đám mây, chatbot, blockchain hay công nghệ tương tác ảo AR…
Vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số, đặt mục tiêu đến năm 2025 lĩnh nền kinh tế số chiếm 25% GRDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; số người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử chiếm trên 60%.
Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có cơ hội thu hút nhiều doanh nghiệp tiên phong trong các dịch vụ kỹ thuật số hướng tới tạo ra một xã hội kỹ thuật số. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của thành phố gặp nhiều thách thức. Đó là sự chậm trễ chuyển đổi số trong doanh nghiệp; các chính sách, quy định, năng lực quản lý của cơ quan nhà nước chưa theo kịp thực tiễn quá trình chuyển đổi số...

Đại biểu tìm hiểu về máy bay phun thuốc được giới thiệu tại Ngày hội. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Đại biểu tìm hiểu về máy bay phun thuốc được giới thiệu tại Ngày hội. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Để thúc đẩy chuyển đổi số tại doanh nghiệp, ông Lê Quốc Cường cho rằng cần tổ chức phổ biến kiến thức để doanh nghiệp nhỏ và vừa tự đánh giá phương pháp sản xuất - kinh doanh, mô hình kinh doanh để chuyển đổi phương pháp sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại, sáng tạo ra các mô hình sản xuất mới hiệu quả hơn và từng bước chuyển dịch sang phương thức sản xuất mới.
Ngày hội Tự động hóa là sự kiện thường niên với mục tiêu kết nối các doanh nghiệp, trường đại học với các nhà quản lý nhằm tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, đào tạo nhân lực lĩnh vực tự động hóa. Năm nay, Ngày hội tập trung vào các chuyên đề: “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất: góc nhìn của chuyên gia kinh tế”; “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất: chính sách và vai trò của Chính phủ”; “Thực trạng về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp sản xuất: cơ hội và thách thức”.
Ngày hội có 50 gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ về tự động hóa, chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất…/.

Tiến Lực/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuyen-doi-so-doanh-nghiep-phai-quyet-tam-thay-doi-tu-goc-re/179132.html