Chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả hoạt động ngành tài nguyên và môi trường

Thời gian qua việc chuyển đổi số luôn được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công việc. Tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trà Vinh, đồng chí Trần Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc sở khẳng định công tác chuyển đổi số đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động ngành. Xung quanh vấn đề này, đồng chí Trần Văn Hùng đã giành cho phóng viên Báo Trà Vinh nội dung trao đổi dưới đây.

Đồng chí Trần Văn Hùng trao khen thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Sở TN-MT Trà Vinh vào ngày 22/7/2023. Ảnh: BÁ THI

Phóng viên: Thời gian qua việc chuyển đổi số luôn được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công việc. Đối với Sở TN-MT Trà Vinh, chủ trương này được tiến hành như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Văn Hùng: Nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 50/KH-UBND, ngày 12/7/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 26/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở TN-MT đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-STNMT, ngày 16/8/2022 về việc chuyển đổi số ngành TN-MT tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Quá trình thực hiện, Sở TN-MT đã triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực của ngành TN-MT. Trong đó, đối với lĩnh vực đất đai đã tổ chức thực hiện dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, đến nay việc thực hiện thủ tục đất đai được liên thông trên môi trường điện tử từ cấp huyện đến cấp tỉnh và liên thông đến cơ quan thuế.

Đối với các lĩnh vực khác, Sở TN-MT đang thực hiện “Đề án tổng thể ứng dụng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin trong lĩnh vực TN-MT tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2020 - 2025”, đến nay hoàn thành nhiệm vụ các năm 2020, 2021, 2022, 2023 và đang thực hiện các nhiệm vụ năm 2024. Theo đó đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng, các phần mềm công cụ phục vụ chuyển đổi số trong ngành.

Phóng viên: Theo đồng chí việc chuyển đổi số như đồng chí vừa nêu đã mang lại những hiệu quả gì cho ngành trong thời gian qua và hướng tới sẽ tập trung vào các lĩnh vực nào?

Đồng chí Trần Văn Hùng: Việc triển khai thực hiện chuyển đổi số thời gian qua mang lại hiệu quả lớn nhất là giảm chi phí, tiết kiệm thời gian nhất là thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Đây có lẽ là hiệu quả lớn nhất giúp nâng cao hiệu quả hoạt động ngành, giúp người dân cắt giảm chi phí, thời gian, thuận tiện khi thực hiện thủ tục hành chính. Cụ thể như tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn lĩnh vực đất đai được giảm dần qua các năm: giảm từ 6,68% năm 2018; 1,63% năm 2020 và đến nay còn 0,45% trong 05 tháng đầu năm 2024.

Ngoài hiệu quả về tiết kiệm thời gian, chi phí và thuận tiện, còn các hiệu quả khác như: quản lý chặt chẽ hơn do chuyển đổi số được quy trình hóa, toàn bộ quy trình thực hiện được lưu trữ, toàn bộ thông tin được cập nhật, lưu trữ trên phần mềm, các hệ thống giám sát tự động đưa số liệu liên tục nên khi thông số bất thường được phát hiện nhanh hơn; từng bước chuyển đổi số thủ tục hành chính được công khai minh bạch, liên thông trên cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công tỉnh giúp người dân có thể kiểm tra tình trạng giải quyết hồ sơ của mình, từ đó giảm thiểu nguy cơ phát sinh tiêu cực. Tổng hợp, tra cứu nhanh hơn do phần lớn hồ sồ được lưu trữ dạng số.

Về định hướng thời gian tới, ngành tăng cường phối hợp các cơ quan ban ngành thực hiện liên thông với các cơ sở dữ liệu khác như: cơ sở dữ liệu tư pháp, tòa án, thi hành án…; liên thông với ngân hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thực hiện thủ tục hành chính. Tăng cường giải pháp giám sát môi trường tự động theo quy định của pháp luật, nhằm phát hiện sớm, nhanh nhất các bất thường môi trường.

Tăng cường chia sẻ thông tin, tích hợp dữ liệu với các hệ thống thông tin mà tỉnh đang triển khai để sử dụng lại dữ liệu sẵn có, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, hướng đến mục tiêu tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 50%/tổng số hồ sơ tiếp nhận theo Kế hoạch số 02/KH-UBND, ngày 17/01/2024 của UBND tỉnh Trà Vinh.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số. Rà soát các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ tạo các đơn vị theo hướng ứng dụng triệt để công nghệ số, dữ liệu số. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức ngành hàng năm để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số.

Phóng viên: Trong thực hiện các mục tiêu nêu trên, theo đồng chí đâu là những khó khăn ngành cần khắc phục và những thuận lợi cần phát huy để đạt yêu cầu đề ra?

Đồng chí Trần Văn Hùng: Việc công bố, công khai thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính còn chậm, dịch vụ công chưa thực chất; quy trình xử lý hồ sơ chưa được thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử; việc số hóa vẫn còn chậm và chưa phát huy hiệu quả, tỷ lệ tái sử dụng dữ liệu số hóa thấp; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, địa phương còn hạn chế; chưa bảo đảm việc đồng bộ đầy đủ 100% trạng thái hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đối với ngành TN-MT, có thể thấy thuận lợi lớn nhất đó là hiện nay toàn xã hội đang thực hiện chuyển đổi số, mọi công việc, mọi sinh hoạt đều gắn kết với môi trường số và phần lớn nhân sự của ngành hiện nay được đào tạo bài bản, có kiến thức và kỹ năng, siêng năng, nhiệt quyết và có quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong ngành TN-MT.

Tuy nhiên, theo tôi các khó khăn, hạn chế ngành cần khắc phục đó là cần quyết tâm thay đổi thói quen từ thủ công, lệ thuộc giấy tờ sang giải pháp số và tuân thủ quy trình, quy định; phần lớn hạn chế, chậm trễ đều xuất phát sự thiếu quyết tâm, quyết đoán trong thực hiện nhiệm vụ trong thực hiện chuyển đổi số.

Việc số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính còn chưa nhiều; dữ liệu - yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số còn rời rạc, phân tán, trùng lặp, chưa có sự liên kết và thống nhất. Các cơ quan chưa chủ động, tự nguyện chia sẻ dữ liệu; dịch vụ công trực tuyến mặc dù đã triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Toàn xã hội đang chuyển đổi số thì Chính phủ, các cơ quan ban, ngành các cấp cần có quyết tâm trong chuyển đổi số và nên có sự chỉ đạo quyết liệt và tạo điều kiện từ các cấp lãnh đạo. Điều này vừa là động lực thúc đẩy, vừa là thuận lợi và vừa là thách thức vì nếu không đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của xã hội thì ngành chậm phát triển, lạc hậu.

Phóng viên: Đồng chí có những lời khuyên gì đối với cán bộ, công chức và người lao động toàn ngành trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số?

Đồng chí Trần Văn Hùng: Với vai trò Giám đốc Sở, Bí thư Đảng ủy tôi kêu gọi toàn thể công chức, viên chức và người lao động toàn ngành đoàn kết và hành động. Cần tạo được sự đột phá về tư duy, nhận thức, hành động và sản phẩm cụ thể trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số. Thực hiện phương châm hành động của Tỉnh ủy Trà Vinh “Đoàn kết, Kỷ cương, Hành động, Sáng tạo, Đột phá, Phát triển”. Chỉ có tiến lên và hành động chúng ta mới hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

BÁ THI (thực hiện)

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/chuyen-doi-so-giup-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-nganh-tai-nguyen-va-moi-truong-37686.html