Chuyển đổi số giúp sinh viên ngành Khoa học dữ liệu có cơ hội việc làm đa dạng
SV ngành Khoa học dữ liệu được thực hành tại miền dữ liệu thuộc nhiều lĩnh vực: ngân hàng, y tế, giáo dục,…giúp thích ứng với quá trình chuyển đổi số.
Thực hiện chuyển đổi số, cơ hội việc làm của sinh viên ngành Khoa học dữ liệu được đánh giá nhiều thuận lợi, song, những năm gần đây, doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp thay vì tiếp nhận sinh viên thực tập.
Ngành học yêu cầu kiến thức liên ngành
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Lưu Thùy Ngân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, năm 2018, trường là một trong những cơ sở đầu tiên đào tạo ngành Khoa học dữ liệu, đến nay, trường đã có sinh viên tốt nghiệp ngành này.
Ngành Khoa học dữ liệu là một ngành khoa học liên ngành, kết hợp công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu dưới góc độ xử lý, phân tích và dự đoán trên nhiều miền dữ liệu khác nhau như nông nghiệp, y tế, giáo dục,…
Theo cô Ngân, chương trình đào tạo ngành này được xây dựng dựa trên các chương trình đào tạo có liên quan của các trường đại học nổi tiếng đến từ các nước Singapore, Mỹ,… Bên cạnh đó, khoa và trường có sự tham khảo ý kiến từ các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có hoạt động liên quan đến khoa học dữ liệu như FPT, TMA, Fujinet.
Do đó, chương trình đào tạo đảm bảo cung cấp đầy đủ cho sinh viên các kiến thức nền tảng bao gồm toán, phân tích và xử lý dữ liệu, lập trình, máy học, trí tuệ nhân tạo cùng các công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, trường chú trọng phát huy khả năng tư duy sáng tạo của sinh viên thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học.
“Không chỉ ngành Khoa học dữ liệu mà các ngành khoa học khác đều đòi hỏi sinh viên nắm vững kiến thức nền tảng, khả năng sáng tạo để có thể áp dụng các kiến thức đã học vào việc giải quyết các vấn đề trong thực tiễn và xa hơn là sáng tạo ra các tri thức mới.
Khoa học dữ liệu là một ngành đặc thù, không chỉ yêu cầu kiến thức về toán, thống kê và khoa học máy tính, mà còn yêu cầu kiến thức liên ngành, ví dụ như ngôn ngữ, luật, y khoa, kinh tế,... Vì vậy, người học cần có sự kiên trì, khả năng tìm tòi và tự học cùng tư duy logic để có thể thích ứng với xu thế xã hội”, Tiến sĩ Nguyễn Lưu Thùy Ngân nói.
Theo cô Thùy Ngân, thí sinh có sở trường ở tổ hợp các môn tự nhiên sẽ có lợi thế rất lớn khi theo học ngành Khoa học dữ liệu. Ngoài ra, giỏi ngoại ngữ cũng là 1 điểm cộng vì đây là phương tiện giúp các bạn có thể đọc hiểu và tìm tòi thêm tri thức mới từ tài liệu nước ngoài.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) là đơn vị đầu tiên đào tạo ngành Khoa học dữ liệu trình độ thạc sĩ, đến năm 2020, trường mở đào tạo ngành này hệ đại học chính quy, năm 2024, trường có khóa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên.
Tiến sĩ Đỗ Thanh Hà - Phó Trưởng khoa Toán - Cơ - Tin học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, ngành học này liên quan trực tiếp đến bộ môn xác suất thống kê và nền tảng kiến thức về Toán. Vì vậy, sau khi phân tích nhu cầu xã hội và dựa vào thế mạnh của trường, khoa đã xây dựng chương trình đào tạo ngành này.
Theo cô Hà, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) khai thác được thế mạnh của nguồn dữ liệu sẵn có, sinh viên được thực tập ngay tại trường thông qua dữ liệu về lĩnh vực hóa học, vật lý, môi trường với sự trợ giúp của các chuyên gia.
Năm thứ 4 sinh viên có thể lựa chọn, định hướng chuyên môn trong quá trình thực tập và xử lý dữ liệu. Bước đầu sinh viên được làm quen các dữ liệu đến từ nguồn thông tin của trường, tuy nhiên một số dữ liệu ở trong trường chưa thể cung cấp được như dữ liệu về tài chính,…
Bên cạnh đó, khoa cũng có mối liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc ký kết thỏa thuận hợp tác với nhà trường nhằm cung cấp một số tài liệu để phục vụ cho quá trình tìm hiểu và nghiên cứu của sinh viên.
Có thể thấy, nhu cầu phát triển các ngành nghề đào tạo đại học đang thay đổi và ngày càng đa dạng hơn, trong đó có xu hướng chuyển đổi sang các lĩnh vực công nghệ cao, kể đến là khoa học dữ liệu.
Theo Tiến sĩ Đỗ Thanh Hà, xét tình hình chung của thế giới và ở Việt Nam nói riêng, trong thời gian tới cần có những chính sách để khai thác nguồn tài nguyên khá lớn về dữ liệu. Từ thực tế, nhà trường đã đón đầu xu thế khi thực hiện đào tạo sau đại học ngành này và tiếp đến là mở đào tạo đại học chính quy.
Song, nhà trường chú trọng đào tạo chất lượng nên số lượng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm đều dao động từ 70 - 80 sinh viên với điểm đầu vào khá tốt, sinh viên năng động, chủ động tìm tòi kiến thức chuyên môn.
Năm 2023, điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của ngành này là 34,85 điểm, trong đó điểm môn Toán được nhân đôi.
Cơ hội việc làm rộng mở
Đề cập đến cơ hội việc làm của sinh viên, Tiến sĩ Đỗ Thanh Hà thông tin, sinh viên được tiếp xúc, làm việc với dữ liệu khi còn ngồi trên ghế giảng đường, thực hành tại doanh nghiệp và có cơ hội việc làm cao.
Nhưng trong những năm gần đây, sự khó khăn của ngành công nghệ thông tin khiến một số doanh nghiệp hạn chế việc tiếp nhận sinh viên thực tập mà thay vào đó là tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Tuy nhiên, cô Hà cho biết, duy trì quá trình học tập tốt bên cạnh điểm đầu vào cao giúp sinh viên có nhiều lựa chọn về việc làm.
Bởi, sinh viên được học hỏi, nghiên cứu đa dạng dữ liệu trong nhiều lĩnh vực khác nhau như khai phá dữ liệu ngân hàng, dữ liệu tài chính chứng khoán,… Sinh viên có những trải nghiệm thực tế sẽ đáp ứng rất nhanh yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Lưu Thùy Ngân chia sẻ rằng, ngành Khoa học dữ liệu của Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ trang bị cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu nhằm rút ra các thông tin có giá trị phục vụ cho việc ra quyết định hoặc triển khai chiến lược trong các lĩnh vực liên quan.
Trong tương lai gần, nhu cầu khai thác thông tin và ra quyết định dựa trên dữ liệu trong các lĩnh vực tại Việt Nam sẽ gia tăng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hành chính, kinh tế, y tế, luật và giáo dục do sự tăng trưởng mạnh mẽ từ cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số”.
Hơn nữa, với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, vai trò của dữ liệu trong việc huấn luyện và triển khai các thuật toán máy tính hoặc các hệ thống thông minh càng quan trọng. Đây là cơ hội rất tốt cho sinh viên theo học ngành Khoa học dữ liệu.
Hiện, một số thí sinh còn có sự nhầm lẫn giữa 2 khái niệm về khoa học dữ liệu và phân tích dữ liệu, chia sẻ về sự khác biệt của 2 khái niệm này, cô Ngân nói: “Phân tích dữ liệu là một phần của khoa học dữ liệu, không thể tách rời phân tích dữ liệu thành một ngành học riêng biệt. Trước khi xử lý và mô hình hóa dữ liệu, phân tích dữ liệu là một công đoạn rất quan trọng, giúp hiểu dữ liệu và hoạch định các thuật toán xử lý cũng như các mô hình dự đoán tốt hơn.
Khi theo học ngành Khoa học dữ liệu, sinh viên sẽ được đào tạo bài bản về các kiến thức liên quan không chỉ về phân tích dữ liệu mà còn về mô hình hóa dữ liệu. Phân tích dữ liệu và mô hình hóa dữ liệu là 2 định hướng chính trong chuyên ngành Khoa học dữ liệu tại Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Sinh viên có cơ hội tiếp cận học bổng khoa học từ năm 2
Nguyễn Trọng Đức - sinh viên năm 3 chuyên ngành Khoa học dữ liệu (Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ bản thân có niềm đam mê công nghệ thông tin, đồng thời mong muốn ứng dụng kiến thức vào đời sống nên đã đăng ký theo học ngành Khoa học dữ liệu.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) có bề dày thành tích trong công tác đào tạo và là một trong những đơn vị đầu tiên đào tạo chuyên ngành này, do vậy, Trọng Đức lựa chọn học tập tại đây.
Trọng Đức cho biết, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức nền tảng từ dễ đến khó, đặc biệt là kiến thức về toán và lập trình.
Còn về quá trình nghiên cứu khoa học, sinh viên được định hướng, tiếp cận nghiên cứu từ rất sớm, đặc biệt, mỗi học kỳ, khoa đều tổ chức hội nghị khoa học sinh viên, tạo cơ hội cho các bạn tiếp cận với nghiên cứu khoa học, nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu, và nắm vững kiến thức nền tảng.
Năm 2 đại học, Trọng Đức được nhận học bổng của Viện Toán học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đức có cơ hội tham gia nghiên cứu ứng dụng của toán trong tin học tại viện thông qua kết nối của Khoa Toán - Cơ - Tin học.
Về thực hành, sinh viên được thực hành tại phòng máy của trường với đầy đủ thiết bị mới, nội dung thực hành được đan xen với lý thuyết. Theo Trọng Đức, việc xây dựng chương trình đào tạo như vậy sẽ giúp sinh viên ôn tập được lý thuyết, hiểu được nội dung mình học và ứng dụng trong thực tế.
Trọng Đức chia sẻ: "Trong quá trình học tập tại trường, tôi được rèn khả năng tự học, làm việc nhóm, tư duy logic cũng như khả năng giải quyết vấn đề, tôi học hỏi nhiều từ thầy cô có chuyên môn cao.
Hiện thầy, cô đang hợp tác làm việc cùng doanh nghiệp, chính vì vậy, sinh viên không chỉ được tiếp xúc kiến thức trong sách, vở mà còn được học hỏi nhiều từ thực tế. Ngoài ra, với học bổng của khoa, sinh viên luôn có mục tiêu để phấn đấu học tập”.