Dạy học là một thiên chức đạo đức

'Mỗi người đến với nghề giáo một cách khác nhau, nhưng điều quý giá hơn cả là trong sâu thẳm đều nặng tình yêu thương con người và mong muốn làm cho thế hệ tương lai tử tế hơn, khôn lớn hơn, trưởng thành hơn để chung tay làm cho xã hội văn minh hơn, đất nước giàu đẹp hơn'...

GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam. (Ảnh: ĐHSP).

GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam. (Ảnh: ĐHSP).

Người thầy lớn và những suy tư

“Những lời chia sẻ” là cuốn sách khá đặc biệt, tập hợp các bài phát biểu truyền cảm hứng của GS. TS Nguyễn Văn Minh. Nhiều năm qua, trên các phương tiện thông tin truyền thông và các nền tảng mạng xã hội thường đăng tải những bài phát biểu của GS. Nguyễn Văn Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngôi trường có lịch sử truyền thống hành trình cùng giáo dục Việt Nam từ ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Từ tháng 5/2024, sau khi kết thúc nhiệm kỳ quản lý sau 12 năm, thầy trở lại với vai trò là một GS.TS Vật lý giảng dạy ở nơi thầy đã gắn bó gần 40 năm qua… Thầy nói, quản lý là một nhiệm vụ mà thầy được giao, bởi ở vị trí nào, thầy cũng luôn là một thầy giáo đến với học trò bằng tất cả yêu thương, tận tụy của một người thầy…

GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ: Mỗi chúng ta đến với nghề giáo một cách khác nhau, nhưng điều quý giá hơn cả là trong sâu thẳm mỗi chúng ta đều nặng tình yêu thương con người và mong muốn làm cho thế hệ tương lai tử tế hơn, khôn lớn hơn, trưởng thành hơn để chung tay làm cho xã hội văn minh hơn, đất nước giàu đẹp hơn. Mỗi đứa trẻ tiến bộ so với ngày hôm qua rất đáng mừng. Trọng trách của nhà giáo là giáo dục cho mỗi trẻ hình thành về giá trị gia đình, chuẩn mực xã hội và ứng xử trong thế giới hội nhập để khát khao làm chủ tri thức và hành động chân chính.

Trong thẳm sâu của mỗi người đi dạy học đều muốn làm tốt nhất bổn phận của mình, muốn dồn hết tâm sức và trí tuệ cho học sinh. Nhưng những khó khăn, vất vả, những ràng buộc có khi đã lỗi thời, ảnh hưởng không ít đến mỗi nhà giáo. Giá như mỗi thầy cô không quá lo lắng về cái ăn, cái mặc thì họ sẽ thanh thản hơn trong tâm hồn và dành hết thời gian cho con trẻ thì tốt đẹp biết nhường nào.

Trước mắt chúng ta là khó khăn và đầy rẫy thách thức, cả hữu hình và vô hình. Nhưng vận hành thay đổi của thời đại thì không dừng lại. Những tác động của thời cuộc đến với chúng ta từng giây, từng phút; công nghệ như là một sự hối thúc đến với muôn người từ muôn mặt đời sống.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, bản lĩnh để bảo tồn những giá trị chính đáng trước những biến đổi thời cuộc là hết sức cần thiết. Đơn cử, sự quan tâm và biết ơn, sự chiều chuộng thái quá một đứa trẻ sẽ đưa đến hệ lụy ích kỷ, thậm chí vô ơn rồi tự biện minh rằng, thế hệ ngày nay đã khác và chúng ta phải biết cách thích ứng, biết cách chấp nhận. Đây là “một sự đồng lõa đáng sợ”.

“Chúng ta đã đi theo nghề giáo. Dạy học là một thiên chức đạo đức. Từ ngàn đời nay, người thầy luôn được tôn trọng. Trong những biến động của xã hội, có lúc này, lúc khác, nơi này, nơi khác, đã làm cho chúng ta tâm tư. Thiên chức cao quý nhưng quá đỗi gian nan, chúng ta phải đối diện với nhiều thứ, nhiều chiều, để rồi trăn trở” - GS. Minh chia sẻ.

Mặc dù theo GS. Minh, trong quan niệm xã hội có lúc chưa thật tích cực khi nhìn nhận về giáo dục, về học vấn và hệ quả là lăng kính về người thầy không như những gì thật cao đẹp. Cũng có lúc một bộ phận đánh đồng công việc dạy học với công việc kiếm sống thông thường, nhưng đó không chỉ là một nghề thuần túy. Nếu như vậy, chắc chẳng có ai nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho trẻ nơi vùng biên ải, nơi thăm thẳm núi rừng thưa thớt bóng người, nơi hải đảo trùng khơi quanh sóng vỗ.

Dạy học là một thiên chức đạo đức, vì nó cố gắng phát triển không chỉ sự hiểu biết, mà còn là sự tận tụy trong phụng sự, định hình không chỉ tri thức mà cả ý chí, nuôi dưỡng cả trí tuệ và tâm hồn. Nó là thiên hướng chứ không thuần túy làm công ăn lương. Và dạy học là tạo dựng tương lai. “Biết rằng, những mỹ từ cao nhã về người thầy không phải đúng cho tất cả, không phải người thầy nào cũng là ngôi sao sáng, nhưng tổng thể họ đã dành thời gian, tâm thức, trí tuệ và tình yêu thương, thậm chí cả mạng sống của mình cho các thế hệ học trò” - GS. Minh nói.

Đủ yêu thương mới có tha thứ, thấu hiểu và cảm hóa học trò

Mỗi người thầy đến với học trò mình bằng sự tận hiến và yêu thương. (Ảnh: NVCC)

Mỗi người thầy đến với học trò mình bằng sự tận hiến và yêu thương. (Ảnh: NVCC)

GS. Nguyễn Văn Minh cho rằng, chỉ khi đủ để yêu thương thì con người mới biết tha thứ, chỉ khi có được cảm thông thì con người mới có khả năng cảm hóa. Làm cho người khác tốt hơn, tiến bộ hơn để xã hội văn minh hơn thì có gì hơn thế. Chúng ta có quyền tự hào một cách chính đáng về nghề nghiệp của mình.

“Có hôm, đi bộ ngoài đường thầy được một bạn làm xe ôm chào và nói rằng, ngoài giờ học em chạy Grab. Thầy cảm phục, rất tôn trọng các em và còn nhiều điều nữa… Các em đã cho thầy nhiều bài học giá trị của cuộc đời” - GS.TS Nguyễn Văn Minh kể lại.

Điều mà GS. Nguyễn Văn Minh đau đáu, trăn trở, có khi đau xót là về lẽ sống, yêu thương, sự biết ơn và về những điều dường như ta đang vô tình dần đánh mất, những điều tưởng chừng bé nhỏ nhưng rất đỗi đáng yêu. GS. Minh trăn trở: Có xót xa không khi có học sinh phải chịu đựng trong cô đơn và đơn độc giã biệt cuộc đời? Có đau đớn không khi con cái trưởng thành rồi chỉ biết sống cho riêng mình, mặc cho mẹ cha trong cảnh cùng khốn khó? Có đáng suy ngẫm không khi ai đó dắt tay bà cụ sang đường như là biểu tượng của việc làm tử tế, mà lẽ ra đó là việc bình thường của một con người tử tế? Lẽ nào thiếu vắng đến thế chăng?

Và lẽ nào chúng ta bình tâm khi những đồng nghiệp hằng ngày đi qua những cung đường hiểm trở, đánh cược cuộc đời vì những trẻ thơ? Và chúng ta nghĩ gì, khi những đứa trẻ chen nhau trong những mái tôn ngày hè oi bức, đường đến trường với bước chân trần? Có nặng lòng không khi trẻ đến trường như một sự sợ hãi, lo âu?...

Thiếu vắng tình yêu thương thì sống ở đời đã khó, làm nghề giáo thì khó biết nhường nào. Nhắn gửi các tân cử nhân đi đến tận cùng của cuộc sống, GS. Nguyễn Văn Minh mong muốn các giáo viên tương lai chạm đến đáy sâu tâm can của những kiếp người, để không thờ ơ và trở thành vô cảm, để những gì chân chính trội lên. Thấu hiểu không phải để rồi bi lụy mà để nhen nhóm dần cái tốt đẹp bằng việc mình làm và đừng bao giờ để con tim mình nguội lạnh. Dù mẹ cha có khi không phải ai cũng được học hành đến nơi đến chốn nhưng đức hi sinh và cái tâm của họ thì đáng trân trọng. Không phải học thật cao mới trở thành người tử tế. Các em hãy trân quý, nâng niu những bàn tay thô ráp, những lời nói vụng về và thật thà như đất, những lam lũ vì con mà chẳng biết nói thành lời. Đằng sau thành công dù nhỏ bé của mỗi con người là mồ hôi, nước mắt và nhọc nhằn của cha, của mẹ. Hãy biết ơn mẹ cha thì mới ân nghĩa với cuộc đời này được.

Trọng trách của những người làm giáo dục là đồng hành để thay đổi tốt hơn đến mỗi con người, đến từng số phận. Chúng ta không thể thờ ơ với những thành công của công nghệ. Nếu không ta mãi mãi đi sau, nhưng xin nhớ rằng, một con người thiếu đi tình yêu thương thì tương lai trở thành bất định. Trước hết, dạy cho trẻ cách ứng xử trong môi trường số sao cho đúng mức và văn minh trước khi dạy các em làm những điều cao siêu hơn thế. Đừng để tiến bộ của công nghệ trở thành nỗi sợ hãi ám ảnh trong mỗi gia đình và trong hoảng loạn của mỗi con người.

Nói về “bệnh thành tích”, sự trung thực, GS. Minh nhấn mạnh, chúng ta đã làm được không ít việc trong giáo dục, đây là điều đáng mừng, nhưng các mảng màu đa sắc đó không phải đều tươi mới như nhau. Hãy nói đúng và nói thật, hãy dám rũ bỏ những thành tích ảo tưởng, vì nếu không nó sẽ trở thành căn cơ cho dối trá sau này.

GS. Minh bày tỏ: “Xin hãy đừng vì những điểm số vô hồn, những bản học bạ đẹp mà trẻ phải ai oán về sau. Mỗi đứa trẻ là một tài năng riêng có. Hãy vì tài năng đó mà nhân lên, đừng khoác lên cho trẻ những hào quang không phải của chúng, vì sẽ thành ảo tưởng trong tương lai. Mỗi nhà trường là một ngôi nhà đầy ắp yêu thương để trẻ em muốn đến. Nơi đây cũng là nơi để thầy cô cảm thấy hài lòng. Khi quan niệm rằng, thiêng liêng nhất của nghề giáo là con trẻ lớn lên thành người tử tế để rồi họ biết dấn thân và làm cho xã hội văn minh hơn. Đó là phần thưởng tuyệt vời nhất mà mỗi người hướng đến”.

Đứng trước những âu lo về sự vô cảm, GS. Minh cho rằng, cái cao cả của một nền giáo dục không phải chỉ tạo ra các chuyên gia thật giỏi giang, mà thành công trước tiên là tạo ra những con người ứng xử văn minh và có tấm lòng rộng lượng. Giáo dục để mỗi trẻ biết yêu thương đồng chua nước mặn, biết quý cái dải cát trắng trải dài, biết thương vách đá cheo leo và biết ơn đến từng nắm đất.

Giáo dục để mỗi trẻ biết một thời đau thương đất nước, biết thương non sông này đã mấy bận chia đôi; biết ơn hàng triệu người đã hòa vào lòng đất để bình yên có được hôm nay. Giáo dục để sông Gianh và dòng sông Bến Hải với những nhịp cầu nối trọn lòng người; đừng bao giờ có 20 năm đợi chờ đằng đẵng… Nhắc cho họ nhớ rằng, ngoài đảo xa có những ngôi mộ gió, trên núi non cao bao thế hệ hòa vào núi, vào rừng và trên kỳ đài cờ tung bay phấp phới, nhưng đường đến kỳ đài là biết mấy máu xương, để họ dám xả thân khi Tổ quốc cần họ, để trường tồn mãi mãi Việt Nam. Khi mỗi người biết yêu thương, tự nhiên trong họ sẽ sinh ra trách nhiệm.

Và điều GS. Minh luôn đau đáu, đó là giáo dục để mỗi trẻ lớn lên trong yêu thương và trân quý hòa bình, đừng gieo vào các em lòng thù hận mà hãy dạy cho các em đức tính khoan dung. Cố làm sao để mỗi trẻ lớn lên lấy yêu thương và tha thứ làm đầu. Giáo dục để trẻ lớn lên trong thôi thúc và khát vọng, để rồi trong tâm trí họ luôn đau đáu câu hỏi lớn cho đời.

Giáo dục để trẻ biết nhìn trời cao xanh vời vợi, đêm nhìn sao trời và mơ ước bay lên; giáo dục để trẻ đứng hiên ngang trên bờ biển rộng mơ những con tàu đến bến bờ xa… Khát vọng lớn có ngọn nguồn từ trăn trở lớn, nhưng trăn trở nào hơn trăn trở nước non mình, GS. Nguyễn Văn Minh bày tỏ…

Miên Thảo

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/day-hoc-la-mot-thien-chuc-dao-duc-post531948.html