Chuyển đổi số hiệu quả từ thực hiện Đề án 06

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, sự hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương trong việc triển khai Đề án 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030' (Đề án 06), thời gian qua cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Dương đã khẩn trương, quyết liệt, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm chất lượng, tiến độ, lộ trình đề ra.

Thu nhận dữ liệu, lấy mẫu ADN thân nhân của liệt sĩ để phục vụ xác định thông tin của liệt sĩ chưa xác định được danh tính

Ứng dụng, khai thác hiệu quả dữ liệu

Năm 2024 được đánh giá là năm thành công của Bình Dương trong việc đi đầu, triển khai thí điểm nhiều nhiệm vụ của Chính phủ giao, như: Khai thác, ứng dụng thành công dữ liệu đất đai và dịch vụ công (DVC) cư trú; HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về triển khai thu phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp DVC trực tuyến giúp tăng tỷ lệ sử dụng DVC trên địa bàn tỉnh...

Theo Tổ chỉ đạo triển khai Đề án 06 tỉnh, kết quả trên đã trở thành nền tảng vững chắc để trong năm 2025, Bình Dương tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. Trong số 48 mô hình, nhiệm vụ thúc đẩy Đề án 06 đã được Bình Dương tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương thực hiện, đến nay đã hoàn thành 27 mô hình, đang thực hiện hơn 20 mô hình, dự kiến sẽ có thêm nhiều mô hình hoàn thành trong thời gian tới. Nổi bật sau khi cập nhật làm sạch, kết nối và chia sẻ dữ liệu, Bình Dương đã chủ động ứng dụng, khai thác nguồn dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân và doanh nghiệp, điển hình như: Mô hình “Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Dương” thực hiện giải quyết TTHC phi địa giới hành chính đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân, thay vì phải đến trực tiếp nơi thường trú để thực hiện các TTHC như trước đây. Mô hình “Ứng dụng khai thác dữ liệu đất đai vào DVC cư trú” đã tiếp nhận và giải quyết hơn 8.500 hồ sơ của người dân. Đối với lĩnh vực thuế, việc mở rộng thu thuế khoán hộ kinh doanh cá thể với số tiền thu được đạt hơn 584 tỷ đồng và đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với hơn 1.095 cơ sở kinh doanh đã đăng ký áp dụng, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách.

Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện giải quyết TTHC trên DVC. Có hơn 10 DVC theo Đề án 06 có tỷ lệ tiếp nhận đạt hơn 98%; 2 DVC liên thông khai sinh và khai tử có tỷ lệ tiếp nhận đạt 100%; hiện toàn tỉnh đã có 100% cơ sở lưu trú đăng ký sử dụng phần mềm lưu trú ASM.

Ngay sau khi tiếp nhận nhiệm vụ “Quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và thực hiện DVC cấp phiếu lý lịch tư pháp”, Công an tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan phối hợp với Sở Tư pháp để triển khai việc tiếp nhận, chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và thực hiện DVC cấp phiếu lý lịch tư pháp từ Sở Tư pháp về Công an tỉnh không để ngắt quãng, gián đoạn, ảnh hưởng đến công việc của người dân. Qua đó, đã cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng “VNeID” hơn 3.400 hồ sơ. Hay việc tiếp tục duy trì cấp căn cước, định danh điện tử sau khi kết thúc hoạt động của công an cấp huyện, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo, triển khai kế hoạch và bố trí 15 điểm thực hiện trên toàn tỉnh. Kết quả lũy kế, đã cấp căn cước cho hơn 2,41 triệu công dân; gần 1,8 triệu tài khoản định danh điện tử mức 2 đã kích hoạt thành công; hướng dẫn 26.688 tổ chức, doanh nghiệp đăng ký tài khoản định danh…

Công an cấp xã trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục duy trì hiệu quả nhiệm vụ cấp căn cước, định danh điện tử cho người dân

“Mệnh lệnh” từ trái tim trong tháng 4 lịch sử

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân được các cấp, các ngành không ngừng nỗ lực thực hiện, thể hiện truyền thống đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là hoạt động có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do đó, Công an tỉnh đã phối hợp với các sở ngành liên quan và Bộ Chỉ huy quân sự tiến hành rà soát, lập danh sách thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính đang quản lý trên địa bàn tỉnh. Qua thống kê, rà soát, toàn tỉnh có hơn 4.000 trường hợp liệt sĩ chưa xác định được danh tính; trong đó có khoảng 2.000 trường hợp thân nhân đồng ý để thu nhận mẫu ADN phục vụ xác định thông tin.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, Công an tỉnh đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an và công an cấp xã tại 6 địa bàn cấp huyện, gồm: TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên, TP.Bến Cát, các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng đến từng nhà thân nhân liệt sĩ để thu nhận mẫu ADN cho các đối tượng là mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ đẻ, bà ngoại ruột của liệt sĩ. Tiếp xúc, gặp gỡ với đoàn công tác, cụ Nguyễn Thị Chắt (104 tuổi, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Thanh Tâm, ngụ tại khu phố 1, thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên) có chung mong muốn như bao thân nhân liệt sĩ khác xúc động và cho rằng “sống đến giây phút này, chỉ mong tìm kiếm, đưa “các anh về với gia đình”.

Kết quả đến nay, Công an tỉnh đã thu nhận được 14 mẫu ADN thân nhân đối với 10 trường hợp liệt sĩ để phục vụ xác định thông tin của liệt sĩ chưa xác định được danh tính và cập nhật thông tin ADN vào cơ sở dữ liệu căn cước. Trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị có liên quan để rà soát, mở rộng đối tượng thu nhận mẫu ADN cho các trường hợp là anh, chị em cùng mẹ đẻ của liệt sĩ; bác cậu dì, anh chị em ruột của mẹ liệt sĩ…

Thực hiện Chỉ thị số 07/ CT-TTg ngày 14-3-2025 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06, trong đó yêu cầu 100% các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử; Bình Dương đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh xây dựng quy chế phối hợp liên tuyến dữ liệu, bệnh án điện tử giữa các bệnh viện thuộc Bình Dương và Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm bảo đảm cho người dân tạo lập hồ sơ sức khỏe, bệnh viện không giấy tờ, tận dụng kết quả chụp/ chiếu, xét nghiệm, tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh của người dân.

HƯNG PHƯỚC

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/chuyen-doi-so-hieu-qua-tu-thuc-hien-de-an-06-a345987.html