Chuyển đổi số khó thành nếu không có sự đồng lòng
Nhiều người đang nhìn nhận chuyển đổi số (CĐS) là công việc phát sinh thêm ngoài công việc đang làm, giao cho một người phụ trách là xong. Thực tế cho thấy, nếu không có sự đầu tư nghiêm túc, không có sự đồng lòng, CĐS khó đạt được kết quả mong muốn.
Chuyển đổi số không phải là mô hình
Tại Diễn đàn Thúc đẩy Tiến trình CĐS Quốc gia do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức hôm 5/7, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS (VDCA) đánh giá, trong bối cảnh hiện thực còn nhiều hạn chế, rào cản, khó khăn và thách thức, những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ nói chung và Bộ nói riêng trong những năm qua trong công tác CĐS là đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, để tiến trình CĐS quốc gia đi nhanh, đúng hướng, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề thì cần phải cố gắng tập hợp các bên liên quan cùng đồng hành. “Cùng đồng hành, đồng thuận không có nghĩa là mù quáng, không có phản biện, không có tranh đấu, là độc quyền, là độc đoán, là duy ý chí, mà cần có một cơ chế, một cơ sở để các bên đều có thể góp nên tiếng nói, góp công sức vào công cuộc chung của cả dân tộc…” - ông Giang thẳng thắn.
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS, đang có một thực tế là nhiều người nhìn CĐS như công việc phát sinh thêm ngoài công việc đang làm. “Nhiều đơn vị giao cho một người phụ trách là xong…” - ông Giang cho hay. Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị sau khi cơ cấu lại “thừa” lãnh đạo và bố trí luôn vào vị trí phụ trách CĐS của đơn vị mà không tính đến trình độ chuyên môn, năng lực về CĐS.
“CĐS không phải là công việc của một vài người được giao nhiệm vụ. Không thể CĐS thành công nếu không có sự đồng lòng…”, chuyên gia CĐS của VDCA lưu ý.
Cũng theo ông Giang, CĐS không phải là câu chuyện của riêng một đơn vị nào mà là câu chuyện chung và nó chỉ trở thành chung khi chúng ta làm cho nó có những động lực để mọi người cùng chung sức, chứ không phải những mệnh lệnh hành chính, những chỉ thị, những tư lợi, những độc đoán từ một vài đơn vị nào đó áp đặt lên tất cả.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp (DN) nhìn nhận CĐS như là một mô hình, nhìn ngó xung quanh xem có mô hình nào hay để học tập. “Đó là sai lầm. CĐS là cả một quá trình chứ không phải mô hình để mang từ nơi này sang nơi khác. Nếu không hiểu được mình thực sự muốn gì thì sẽ nhìn xung quanh làm theo, không nắm cần dựa vào đâu thì sẽ làm đại, không hiểu được phương cách thì sẽ vừa làm vừa tính…” - ông Giang nêu thực tế.
Do đó, yêu cầu đặt ra là phải thấy được rõ lợi ích của CĐS để làm thật, để không đối phó, để không phong trào. “CĐS là một cuộc cách mạng tư duy. Phải thay đổi hình thái tổ chức, thay đổi cách nghĩ, cách làm để ứng dụng hiệu quả công nghệ vào các tiến trình hoạt động, tạo ra sự đột phá giá trị đưa đến đột phá năng suất. Nếu như trong CĐS, dữ liệu là nền tảng, là cơ sở và là nguồn lực quyết định thì hành động đòi hỏi tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ và cộng hưởng…” - chuyên gia lưu ý.
“Bài toán” nhân lực
Từ thực tế CĐS của DN, ông Thái Trí Hùng - Giám đốc công nghệ của Ví MoMo chia sẻ lý do của sự tồn tại của MoMo là thông qua công nghệ, tạo nên các sản phẩm giải quyết các nhu cầu khách hàng. “Dữ liệu có trách nhiệm nắm bắt nhu cầu của khách hàng và thậm chí cần dự báo trước khi khách hàng có nhu cầu..” - đại diện MoMo quả quyết.
Ông Hùng đã chia sẻ mô hình bánh xe dữ liệu với vòng quay giữa dữ liệu, phân tích, sản phẩm và người dùng. Theo đó, bánh xe quay càng nhanh thì DN càng phát triển thành công. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của các DN chính là trình độ đọc hiểu dữ liệu khác nhau, hiếm khi nhận được câu trả lời rõ ràng mà không cần “tìm hiểu” lại. “Điều này làm cho đội ngũ kỹ sư và khai thác dữ liệu thường “ngập” trong các yêu cầu vận hành thay vì giúp cho tổ chức khai phá hết tiềm năng mà dữ liệu mang lại, dự án từ đó dễ dàng chuyển thành “Data swamp” - đầm lầy dữ liệu”…” - ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Long Thủy - Tổng Giám đốc Công ty CP VieON, với tốc độ phát triển như vũ bão của nền công nghệ số và internet, các sản phẩm về công nghệ được phát triển và đưa lên không gian mạng ngày càng nhiều, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và khốc liệt đã dẫn tới tư duy về dữ liệu và sử dụng dữ liệu để quản trị vận hành và phát triển sản phẩm bắt đầu được chú ý đến và được quan tâm nhiều hơn. “Để một ứng dụng hay sản phẩm đạt được thành công thì bắt buộc phải chú ý đến yếu tố kiến tạo, quản trị và vận hành sản phẩm đó hoàn toàn dựa trên dữ liệu…” - ông Long khẳng định.
Chính vì vậy, nhu cầu tăng tốc CĐS sẽ đòi hỏi nhiều nhân sự chuyên sâu hơn, dẫn đến “chảy máu” nhân sự chất lượng. Điều này gây ra khoảng cách giữa những người xây dựng giải pháp và những người vận hành giải pháp và hệ thống dữ liệu nhanh chóng bị lạc hậu so với yêu cầu từ hoạt động kinh doanh.
Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS (VDCA) Lê Nguyễn Trường Giang thừa nhận, thách thức lớn nhất trong CĐS hiện nay chính là nguồn nhân lực. “Đây là vấn đề lớn, chúng ta không có cán bộ đủ sâu về CĐS. Thực tế đào tạo về CĐS mới chạy theo chỉ tiêu. Đây là điểm trống, điểm yếu trong CĐS hiện nay” - ông Giang thẳng thắn.
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS, việc đào tạo về CĐS cần hướng tới việc định hình ra những tiêu chí, tiêu chuẩn và những chuẩn mực về chất lượng, tạo điều kiện cho tất cả các bên có năng lực đều có thể tham gia vào tiến trình này, thay vì khuôn định nó trong những môi trường đóng, tạo nên những vùng hạn chế, không huy động được trí tuệ và sức mạnh của tập thể…