Chuyển đổi số là phương tiện nhanh nhất, hiệu quả nâng cao hoạt động giảm nghèo thông tin

'Thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo và thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo về thông tin để tạo đồng thuận, ổn định xã hội, định hướng phát triển là rất cần thiết trong chính sách giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới', ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết.

 Tuyên truyền về công tác giảm nghèo là một trong những biện pháp hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế thoát nghèo bền vững.

Tuyên truyền về công tác giảm nghèo là một trong những biện pháp hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế thoát nghèo bền vững.

Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện cùng ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), về vai trò của báo chí trong việc đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình) và các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế thoát nghèo bền vững.

- Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã có nhiều chương trình, hoạt động hiệu quả. Vậy theo ông, thời gian tới, cần phải thực hiện những biện pháp như thế nào để giữ vững và đẩy nhanh hơn nữa công tác giảm nghèo?

Ông Phí Mạnh Thắng: Thời gian tới, công tác giảm nghèo sẽ tập trung vào 6 giải pháp chính như sau đây:

Một là: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững. Trong đó, cần xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; giảm nghèo góp phần quan trọng tạo động lực cho phát triển bền vững của đất nước. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo".

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của hội viên, phụ nữ

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của hội viên, phụ nữ

Hai là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững.

Chương trình tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026-2030, tiếp tục ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư để đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện; tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo.

Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; có chính sách hỗ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Ba là: Chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết của cấp ủy về giảm nghèo; phân công cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, địa bàn khó khăn.

Bốn là: Tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo. Cụ thể là: Thực hiện hiệu quả việc lồng ghép việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn cả nước, nhất là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình, đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế.

Năm là: Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo.

Sáu là: Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý các vi phạm thông qua rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến kiểm tra, giám sát bảo đảm phù hợp với thực tiễn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia liên thông với hệ thống giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia; hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý dữ liệu giảm nghèo các cấp. Cùng với đó là các hoạt động tiếp tục tăng cường công tác giám sát, đánh giá; thanh tra, kiểm tra thực hiện Chương trình tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình..

Giai đoạn tới, Chương trình sẽ đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo góp phần đảm bảo an sinh xã hội

- Trong công tác tuyên truyền về giảm nghèo bền vững, đặc biệt là giảm nghèo về thông tin, Báo chí có vai trò gì trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xin ông chia sẻ?

Ông Phí Mạnh Thắng: Thông tin có vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp người nghèo, vùng có nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Báo chí mang đến thông tin cho người lao động kiến thức, kỹ năng, nhu cầu thị trường, nâng cao đời sống tinh thần. Thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo và thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo về thông tin để tạo đồng thuận, ổn định xã hội, định hướng phát triển là rất cần thiết trong chính sách giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã thiết kế một dự án riêng (Dự án 6) truyền thông và giảm nghèo thông tin để tăng cường công tác truyền thông về giảm nghèo.

Các cấp Hội phụ nữ tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế

Các cấp Hội phụ nữ tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế

- Để thúc đẩy công tác thông tin tuyên truyền đạt hiệu quả cao trong gian tới có những chính sách tuyên truyền gì phù hợp với thực tiễn và định hướng công tác tuyên truyền về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững?

Ông Phí Mạnh Thắng: Hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là phương tiện nhanh nhất, hiệu quả để đưa thông tin đến cho toàn dân, công tác truyền thông. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thông tin đến cơ sở, người dân vùng sâu, vùng xa, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thông tin, tuyên truyền là rất cần thiết. Việc triển khai xây dựng trạm truyền thông đa phương tiện góp phần hoàn thiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các thông tin, dịch vụ xã hội cơ bản.

Xin cảm ơn ông!

Minh Đức

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chuyen-doi-so-la-phuong-tien-nhanh-nhat-hieu-qua-nang-cao-hoat-dong-giam-ngheo-thong-tin-20231113175148151.htm